Tin tức

Thiệt hại do mưa lũ hàng năm rất lớn

Thứ ba, 13/10/2020 - 09:04

Ngày hôm nay 13/10 là Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai cũng là Ngày ASEAN về quản lý thiên tai. Ngày kỷ niệm năm nay tại Việt Nam diễn ra trong bối cảnh các tỉnh miền Trung đang gồng mình chống lũ và chuẩn bị đối phó liên tiếp với các đợt mưa bão vô cùng phức tạp. Mưa lũ cũng chính là loại hình thiên tai khiến cho nước ta bị thiệt hại nặng nề hàng năm cả về người và tài sản.

 

Các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đang gồng mình chống chọi với lũ.

Những ngày này, các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đang gồng mình chống chọi với lũ dữ. Mưa được dự báo vẫn tiếp diễn trong những ngày tới, một số sông lớn đã vượt lũ lịch sử năm 1999. Tính đến 18h ngày 12/10, đã có23 người thiệt mạng, 14 người mất tích, thiệt hại kinh tế chưa thống kê được hết. Bà Trần Thị Hà - Xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, kể: “Bây giờ thiệt hại trước mắt 100 triệu mất trắng, ai vớt được gì thì vớt, riêng nhà tôi tôm trôi hết mà không dám làm gì vì nước lũ đang cao. Giờ tôi không biết làm sao”.

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, nói:” Chúng ta đang đối diện với một trận lụt hết sức phức tạp, với mực nước rất cao, hiện nay có một số vị trí mực nước lũ cao hơn năm 1999. Thời tiết trong những ngày tới tiếp tục phức tạp và đợt lũ này dự báo sẽ kéo rất dài”.

 

 
Mỗi năm Việt Nam bị tác động bởi hàng chục loại hình thiên tai, trong đó phổ biế nhất là bão; lũ lụt; sạt lở đất; hạn hán xâm nhập mặn. Đáng chú ý là thiệt hại do gió bão không đáng kể, hạn hán chỉ làm tổn thất kinh tế trong khi những trận lũ lụt đã khiến hàng trăm người thiệt mạng mỗi năm. Điển hình như trận lũ lịch sử năm 1999 ở miền Trung làm 900 người chết, mất tích, gây mất mùa và để lại hậu quả nặng nề; trận lũ lớn năm 2000 tại ĐBSCL làm 565 người chết (trong đó có trên 300 trẻ em). Mưa lũ đã gây hậu quả rất nghiêm trọng nhưng hiện công tác dự báo vẫn còn nhiều hạn chế.

Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia,cho biết: Khó khăn nhất là dự báo định lượng mưa, việc dự báo vùng mưa hay thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc thì tương đối chính xác nhưng để dự báo định lượng chính xác,cụ thể là bao nhiêu mm trong vòng 1 ngày, 2 ngày hay trong vòng vài giờ tới rất là khó. Kể cả công nghệ công nghệ nâng cao liên tục mà kể cả thế giới cũng ko cải thiện được.

 

 
 
Còn theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, công tác ứng phó ở các địa phương rất quyết liệt nhưng thiệt hại vẫn xảy ra, phần lớn là do ý thức chủ quan của chính người dân. Ông Vũ Xuân Thành – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, nói: Những tai nạn, thiệt hại đầu tiên là người dân chủ quan, không tuân thủ chỉ đạo của chính quyền, có chỉ đạo, có thông tin nhưng vẫn chủ quan…
 
Trong vòng 20 năm qua, mỗi năm thiên tai cướp đi mạng sống của hơn 400 người, thiệt hại kinh tế trên 1,5 tỷ USD. Mưa lũ đã xóa sổ nhiều thành quả, làm chậm sự phát triển ở nhiều khu vực, tác động đến mọi hoạt động dân sinh, kinh tế. Để ứng phó và giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra, chúng ta cần nhiều hơn nữa các biện pháp đồng bộ từ công tác dự báo, kế hoạch phòng chống và nhận thức của từng người dân./.
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng