Tin tức

Chủ động triển khai các biện pháp ứng phó vùng áp thấp và mưa, lũ

Thứ tư, 07/10/2020 - 14:36

Theo tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, hồi 07 giờ ngày 07/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 11,3-12,3 độ Vĩ Bắc; 110,5-111,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Phú Yên đến Khánh Hòa khoảng 170km về phía Đông.


Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Phú Yên đến Khánh Hòa. Vùng biển tỉnh Quảng Ngãi trong 24 giờ tới có gió Bắc đến Đông Bắc cấp 5, cấp 6, giật trên cấp 7, biển động mạnh.
 
Trong 24 giờ qua trên khu vực tỉnh đã có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 03 giờ ngày 06/10/2020 đến 03 giờ ngày 07/10/2020 phổ biến trong khoảng 100 -150mm. Dự báo, khả năng từ ngày hôm nay (07/10/2020) đến hết đêm ngày 09/10/2020, khu vực Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 250 - 450mm, có nơi trên 450mm; trên các sông trong tỉnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông có thể lên mức báo động 2, có sông đến mức báo động 3.
 
Để chủ động ứng phó kịp thời với vùng áp thấp và mưa lũ, đảm bảo an toàn về người, tài sản của Nhân dân và Nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung sau:
 
1. Nghiêm túc thực hiện theo đúng nội dung Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 19/8/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai trong mùa mưa, bão năm 2020 trên địa bàn tỉnh và Phương án Ứng phó thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn được đã được phê duyệt của các địa phương, đơn vị.
 
2. Tổ chức ứng phó với vùng áp thấp và gió mạnh trên biển
 
- Giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, UBND các huyện, thị xã, thành phố (ven biển) và các đơn vị có liên quan chủ động cấm tàu, thuyền ra biển hoạt động trong tình huống vùng biển của tỉnh có gió mạnh từ cấp 6 trở lên (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại).
 
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp, thông báo cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của vùng áp thấp để chủ động phòng, tránh, thoát ra khỏi hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): từ vĩ tuyến 11,0 đến 15,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông và được cập nhật theo bản tin của cơ quan khí tượng thủy văn.
 
- Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.
 
- Theo dõi chặt chẽ tình hình sóng, gió trên biển và vùng ven biển để chủ động hướng dẫn, sắp xếp các tàu, thuyền, lồng bè neo đậu tại các khu tránh trú đảm bảo an toàn.
 
3. Tổ chức ứng phó với mưa, lũ
 
a) Chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền và nhân dân, nhất là vùng ven sông, suối, vùng thấp trũng trong khu vực có thể xảy ra nguy hiểm để chủ động các biện pháp phòng tránh; tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao bị ngập sâu, chia cắt, lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn. Đặc biệt lưu ý các khu vực ven sông, suối thuộc lưu vực các sông: Trà Bồng, Vệ, Trà Câu, Phước Giang có khả năng xuất hiện lũ lớn, yêu cầu UBND các huyện: Trà Bồng, Ba Tơ, Minh Long, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa và thị xã Đức Phổ tập trung rà soát, sẵn sàng các phương án phòng, tránh lũ, sạt lở đất và chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn.
 
b) Bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người tham gia giao thông an toàn qua các ngầm tràn; chủ động ngăn cấm lưu thông qua các ngầm tràn đã bị ngập, có nước chảy xiết.
 
c) Nghiêm cấm các đò ngang, đò dọc, thuyền bè hoạt động trên sông, suối, vớt củi trên sông trong thời gian có mưa, lũ.
 
d) Tổ chức lực lượng thường trực kiểm tra và sẵn sàng phương án ứng cứu các công trình đê, kè, hồ chứa nước xung yếu.
 
đ) Chủ các công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện chủ động vận hành công trình theo đúng quy trình vận hành được duyệt và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình và các khu dân cư vùng hạ du; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.
 
4. Các đồng chí Trưởng các Tiểu ban tiền phương đã được phân công tại mục I, Phụ lục 2 Quyết định số 02/QĐ-PCTTTKCN ngày 23/4/2020 của Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ động theo dõi diễn biến vùng áp thấp và mưa, lũ, sẵn sàng phương án huy động nguồn lực (lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm) để chỉ đạo, điều hành hỗ trợ các địa phương, đơn vị được phân công tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống mưa, lũ.
 
5. Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi, thủy điện, đê, kè, vận hành công trình đúng quy trình được cấp thẩm quyền phê duyệt; sẵn sàng ứng phó các tình huống có thể xảy ra.
 
6. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động theo dõi diễn biến mưa, lũ, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên.
 
7. Chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình trên sông, suối khẩn trương triển khai Phương án phòng, chống thiên tai cho công trình, tiếp tục rà soát thu dọn vật cản trên sông, suối để đảm bảo thoát lũ.
 
8. Đề nghị Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ngãi tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan có liên quan và người dân biết, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
 
9. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến bão, mưa, lũ và công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả.
 
10. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn tỉnh rà soát phương án, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả theo đề nghị của địa phương khi có yêu cầu.
 
11. Tổ chức trực ban nghiêm túc, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện (qua Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh) trước 15 giờ 30 phút hàng ngày và ngay khi có tình huống đột xuất./.

 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng