Tin tức

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nghiêm với cuộc biểu tình chiếm Huyện đường

Thứ ba, 06/10/2020 - 17:40

Cách đây 90 năm, cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ diễn ra vào đêm mùng 7 rạng ngày 8/10/1930 trở thành một dấu son trong phong trào cách mạng 1930-1931 của cả nước. Cuộc biểu tình phù hợp với xu thế tất yếu của lịch sử cách mạng Việt Nam, khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng mà trực tiếp là Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã lãnh đạo ngay từ khi mới vừa ra đời. Cuộc biểu tình chiếm huyện đường Đức Phổ đã huy động hơn 5.000 người dân của huyện Đức Phổ tham gia và hoàn thành các mục tiêu chiếm huyện đường, thả người tù, rải truyền đơn, treo cờ Đảng càng cho thấy tinh thần cách mạng, sự tài trí của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nghiêm - người trực tiếp lãnh đạo cuộc biểu tình.


Cách đây 90 năm, cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ diễn ra vào đêm mùng 7 rạng ngày 8/10/1930 trở thành một dấu son trong phong trào cách mạng 1930-1931 của cả nước. Cuộc biểu tình phù hợp với xu thế tất yếu của lịch sử cách mạng Việt Nam, khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng mà trực tiếp là Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã lãnh đạo ngay từ khi mới vừa ra đời.

Cuộc biểu tình chiếm huyện đường Đức Phổ đã huy động hơn 5.000 người dân của huyện Đức Phổ tham gia và hoàn thành các mục tiêu chiếm huyện đường, thả người tù, rải truyền đơn, treo cờ Đảng càng cho thấy tinh thần cách mạng, sự tài trí của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nghiêm - người trực tiếp lãnh đạo cuộc biểu tình.

 

Phù điêu về cuộc biểu tình chiếm Huyện đường. Ảnh: Thanh Trung

Khu vực Huyện lỵ Đức Phổ xưa có Huyện đường Đức Phổ hiện giờ có trụ sở của Thị ủy, UBND thị xã Đức Phổ. Một bức phù điêu về cuộc biểu tình chiếm Huyện đường và cây nhãn di sản, như một chứng nhân về sự kiện lịch sử với tinh thần sục sôi của nhân dân trong đêm ngày 7 rạng ngày 8/10/1930. Năm nghìn người dân, như nước vỡ bờ, theo lời Đảng đã chiếm huyện đường, thả người tù, rải truyền đơn, treo cờ Đảng, làm tê liệt bộ máy thực dân phong kiến Nam Triều ở Đức Phổ.

Cụ Huỳnh Văn Lê, ở thôn Hiệp An, xã Phổ Phong, vẫn nhớ chuyện kể của cha và ông nội mình, những người trực tiếp tham gia cuộc biểu tình: ”Tui nghe cha và ông của tui kể lại về những ngày khởi nghĩa. Hồi đó, không ai biết ông Nguyễn Nghiêm là bí thư Tỉnh ủy đâu. Nhưng ông có uy tín vận động mọi người đứng lên biểu tình chiếm huyện đường Đức Phổ”.

 

Nhà lưu niệm Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nghiêm. Ảnh: Thanh Trung

Nhà lưu niệm Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nghiêm ở xã Phổ Phong, thị xã Đức Phổ đã trở thành địa chỉ đỏ trong những cuộc tham quan về nguồn, tìm hiểu về lịch sử Đảng bộ tỉnh và đặt biệt là cuộc biểu tình chiếm huyện đường Đức Phổ vào tháng 10/1930.

Cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ chỉ sau vài tháng thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi mà trực tiếp là Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nghiêm đã thành lập Ban đấu tranh chính trị và dự bị các cấp, lập tiền đội, hậu đội để bảo vệ các cuộc đấu tranh, lập Ban tuyên truyền cổ động và chọn huyện Đức Phổ làm nơi mở đầu cho phong trào đấu tranh. Cụ Nguyễn Văn Lạc ở thôn Tân Phong, xã Phổ Phong 95 tuổi, được cha mình kể lại những ngày diễn ra cuộc biểu tình, nhớ lại: ”Ông Nguyễn Nghiêm là người bà con trong họ của tui. Những ngày sắp diễn ra cuộc biểu tình, bà con ai nấy đều khí thế lắm”. 

 

Các em học sinh quan khu lưu niệm. Ảnh: Thanh Trung

Cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ được Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nghiêm lên kế hoạch khá chu đáo, huy động được sức mạnh của toàn dân trong huyện với quy mô lên đến 5.000 người. Tỉnh ủy còn chỉ đạo cho các huyện Ba Tơ, Mộ Đức phối hợp bảo vệ nhân dân, chặn đường để quân Pháp khó bề đàn áp khi cuộc biểu tình diễn ra.

Gò Cây Thị, thôn Lộ Bàn, xã Phổ Ninh - nơi 90 năm trước là điểm tập kết của quần chúng từ 20 làng trong huyện để dự mít tinh, nghe Tỉnh ủy Quảng Ngãi vạch trần tội ác của thực dân phong kiến, thông qua kế hoạch chiếm Huyện đường. Cụ Ngô Văn Bưng ở xã Phổ Ninh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi, cho biết: ”Đặt tên Gò Cây thị vì ở đây trước có hai cây thị lớn. Cha tui kể, trước khi chiếm huyện đường, người dân tập trung ở đây kéo dài đến hơn cây số”.

Cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ cho thấy sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi đứng đầu là Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nghiêm đã làm nên một sự kiện lịch sử chấn động ở Trung Kỳ, khích lệ phong trào cách mạng trong cả nước những năm 1930-1931. Trong tác phẩm: Đồng chí Nguyễn Nghiêm – người chiến sĩ cách mạng kiên cường, Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi có nhận định: “Nguyễn Nghiêm là một trong những người đã nói đúng tiếng nói của nhân dân, đã làm những việc của nhân dân cần làm, đã đề xuất những việc hợp với nguyện vọng, ước mơ của nhân dân và quan trọng hơn là đã hướng dẫn họ và cùng với họ đứng lên làm cuộc cách mạng đổi đời cho chính mình”.

Ông Trần Phước Hiền, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi, nhấn mạnh:”Cuộc biểu tình chiếm huyện đường Đức Phổ do Tỉnh ủy Quảng Ngãi mà đồng chí Nguyễn Nghiêm bí thư Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo đã huy động 5.000 dân tham gia cuộc biểu tình. Cuộc biểu tình đã giành thắng lợi hoàn toàn. Thông qua sự kiện lịch sử này là bài học kinh nghiệm trong việc huy động nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội giai đoạn hiện nay”.

90 năm kỷ niệm cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ là thêm một lần ghi nhớ về tinh thần đấu tranh cách mạng của cha ông và sự nhiệt huyết, tài trí của Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Quảng Ngãi Nguyễn Nghiêm. Bài học lịch sử về cuộc biểu tình chiếm huyện đường Đức Phổ có ý nghĩa quan trọng trong việc vận động nhân dân thực hiện các mục tiêu cách mạng trong chiến tranh và cả trong thời kỳ đổi mới hiện nay./.
Quý Cầu
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng