Tin tức

Ngày khai trường nghĩ về Thư Bác Hồ gửi học sinh

Thứ bảy, 05/09/2020 - 10:22

Ngày hôm nay, từ thành thị đến nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi, lễ khai giảng năm học mới diễn ra, mỗi nơi mang một sắc một sắc màu riêng. Nhưng tựu chung vẫn là niềm hân hoan của con trẻ, của mỗi phụ huynh và của các thầy, cô giáo. Phấn khởi bước vào năm học mới chúng ta lại nghĩ về bức Thư gửi các em học sinh nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà của Hồ Chủ tịch đúng ngày 5/9 này hồi 75 năm trước. Bức thư là tâm huyết của Bác Hồ đối với học sinh, sinh viên cả nước, thể hiện muôn vàn tình thân yêu, niềm tin và hy vọng của Người đối với thế hệ trẻ trong việc rèn luyện đạo đức, gắng công học tập để trở thành những công dân hữu ích, phấn đấu đưa nước nhà tiến tới văn minh, giàu mạnh.


Mở đầu bức thư, với tình cảm hết sức thân ái, gần gũi, tâm tình, Bác viết: “Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp, tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy, gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi, các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”. Là người có nhiều năm làm công tác giảng dạy, khi nhớ lại tâm thư của Bác, PGS. TS Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh không khỏi xúc động:
 
PGS. TS Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh,chia sẻ: Bức thư ấy nói đến nền giáo dục độc lập, tự do, mà nền giáo dục 1 nước đã được độc lập tự do.Trong bức thư ấy nói nền giáo dục chúng ta làm để phát triển năng lực sẵn có của người học. Tức là tính sáng tạo. Con người chúng ta ai cũng có những năng lực. Điều quan trọng nhất, giá trị lớn nhất của 1 nền giáo dục làm sao đó để phát huy được năng lực của con người.
 
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Đất nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến nghèo nàn, lạc hậu, nhân dân ta phải chịu đựng cuộc sống tủi nhục cơ hàn, cực khổ dưới ách đô hộ của thực dân Pháp đã đứng lên làm chủ nước nhà. Một tương lai tươi sáng cho dân tộc và thế hệ trẻ nói riêng đã mở ra. Một nền giáo dục mới được tạo dựng. Nền giáo đó dục hướng tới phát triển năng lực sẵn có của người học. Giáo sư, nhà giáo ưu tú Mạch Quang Thắng,cho rằng, ngay khi nước nhà được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng vấn đề giáo dục. Người coi đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu cao cả nhất trong chính sách phát triển của dân tộc. 
 
Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Học không phải để nạp tri thức hết tất cả , mà học để phát huy khả năng sẵn có của học sinh. Trên thế giới người ta nói giáo dục không phải đổ đầy bình mà giáo dục là thắp cho người ta 1 ngọn lửa.
 
Theo Tiến sỹ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội thì: Chúng ta vẫn chạy theo bằng cấp, vẫn theo thi cử mắc bệnh thành thích. Các nhà trường, các thầy cô giáo hãy lấy lời dạy của Bác Hồ để khích lệ học sinh và trao trách nhiệm cho học sinh. Học không phải vì điểm vì bằng cấp, mà học vì sự phát triển của bản thân, đáp ứng với nhu cầu phát triển của đất nước.
 
Tuổi trẻ được ví như Mùa xuân, là mùa đẹp nhất, mùa khởi đầu của một năm với bao hy vọng, đợi chờ. 75 năm đã trôi qua kể từ mùa thu lịch sử năm 1945. Nhưng những lời căn dặn trong bức thư của Bác Hồ vẫn in đậm trong tâm trí mỗi người. Khai giảng không chỉ là dịp để nghe và ngẫm lại tư tưởng của Bác về giáo dục, về rèn luyện con người, mà còn là dịp để mỗi chúng ta suy nghĩ và hành cho hiện tại và tương lai của giáo dục nước nhà./.
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng