Tin tức

Chủ động ứng phó các tình huống thiên tai trong mùa mưa, bão năm 2020 trên địa bàn tỉnh

Thứ hai, 24/08/2020 - 17:46

Trong năm 2019, đã có 08 cơn bão, 04 ATNĐ xảy ra trên Biển Đông, 02 đợt mưa lũ và 11 đợt dông, lốc xảy ra trên địa bàn tỉnh, thiên tai đã làm 01 người chết, 21 người bị thương, 49 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 907 nhà bị hư hỏng, nhiều công trình giao thông, thủy lợi và cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 368.900 triệu đồng. Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, thiên tai năm 2020 còn diễn biến phức tạp với khoảng 11 - 13 cơn bão trên biển Đông, trong đó có 05 - 06 cơn trực tiếp ảnh hưởng đến đất liền cùng hạn hán, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất,... đặc biệt là nguy cơ xuất hiện mưa, lũ đặc biệt lớn có thể xảy ra sau các đợt khô hạn kéo dài tương tự như các năm 2016, 2017, vừa qua.


Thực hiện Luật Phòng chống thiên tai, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai, Kế hoạch số 288-KH/TU ngày 22/6/2020 của Tỉnh ủy triển khai thực hiện Chỉ thị số 42CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai (sau đây viết tắt là Kế hoạch 288), Kế hoạch 96/KH-UBND ngày 03/8/2020 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch số 288-KH/TU ngày 22/6/2020 của Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai (sau đây viết tắt là Kế hoạch 96), Chỉ thị số 36/CT-TWPCTT ngày 16/4/2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai năm 2020; để chủ động ứng phó hiệu quả các tình huống thiên tai trong mùa mưa, bão năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, các tổ chức Chính trị - Xã hội, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Xây dựng Kế hoạch và bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch 288 và Kế hoạch 96. Nghiêm túc triển khai thực hiện các Chương trình, Kế hoạch, nội dung chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai; tăng cường công tác nâng cao nhận thức, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm phòng tránh, ứng phó thiên tai cho cộng đồng. 

2. Kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể của các thành viên; từng bước kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác phòng, chống thiên tai theo hướng dẫn của Trung ương đảm bảo tập trung, thống nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; xây dựng quy chế hoạt động và triển khai thực hiện một cách đầy đủ, trách nhiệm, hiệu quả; tổ chức tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019, triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2020; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, dự trữ thiết yếu tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai. Tổ chức cảnh báo, bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các ngầm, tràn, các tuyến đường thường xuyên bị ngập sâu, chia cắt, cô lập.

3. Tiếp tục theo dõi tình hình thực tế tại địa phương, cập nhật, bổ sung Phương án Ứng phó thiên tai năm 2020 các cấp theo phương châm "4 tại chỗ", đặc biệt lưu ý các biện pháp ứng phó với các tình huống: Bão mạnh, siêu bão, lũ lớn, đặc biệt lớn, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng ven biển, ven sông, suối, vùng trũng thấp và khu vực miền núi; Phương án của cấp xã phải phổ biến rộng rãi đến từng khu dân cư. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, nhất là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khả năng hỗ trợ từ bên ngoài sẽ rất hạn chế.

4. Kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình phòng, chống thiên tai thuộc phạm vị quản lý, trách nhiệm quản lý; đặc biệt là hồ, đập thủy lợi, thủy điện, công trình phòng chống sạt lở, tiêu thoát nước, hệ thống lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc, khai thác khoáng sản, nhà máy, xí nghiệp tại các khu công nghiệp VSIP và Dung Quất,... Xác định các điểm xung yếu, bố trí nguồn lực để xử lý đảm bảo an toàn, tổ chức canh gác, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố hư hỏng; sẵn sàng phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng, tài sản của nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng, kể cả tình huống đê điều, hồ đập, xả lũ khẩn cấp. Quản lý chặt chẽ công tác vận hành hồ chứa, nhất là các hồ có nguy cơ cao, do tư nhân quản lý.

5. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước mùa mưa lũ chính vụ hoặc xác định điểm dừng kỹ thuật và có phương án bảo vệ an toàn công trình đang thi công dở dang; tháo dỡ các công trình phụ trợ, vật cản để thông thoáng dòng chảy sông, suối, đảm bảo thoát lũ tốt. 

6. Xây dựng kế hoạch cụ thể nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; ưu tiên bố trí nguồn lực (kế hoạch đầu tư công trung hạn, dự phòng ngân sách địa phương,...) để đầu tư, sửa chữa công trình phòng, chống thiên tai, nhất là hồ đập, đê, kè bị sự cố, không đảm bảo an toàn; đầu tư khắc phục sạt lở, ổn định dân cư, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão; đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ tham mưu, chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trước hết là ở cấp tỉnh.

7. Thực hiện việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai và quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, các chương trình, hoạt động của các cấp, đoàn thể tại địa phương; xử lý công trình làm gia tăng rủi ro thiên tai trên địa bàn; thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, đảm bao thông tin kịp thời cho người dân vùng hạ du khi hồ xả lũ. Tổ chức diễn tập, tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng, chống thiên tai.

8. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh - Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được phân công theo Quyết định số 02/QĐ-PCTTTKCN ngày 23/4/2020 về việc kiện toàn và phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các địa phương, đơn vị được phân công phụ trách tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai; trực tiếp đến địa bàn có thiên tai xảy ra để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả.

- Triển khai có hiệu quả việc truyền tin cảnh báo thiên tai thông qua tin nhắn SMS, mạng xã hội (zalo,...); ứng dụng công nghệ tự động hóa quan trắc khí tượng, thủy văn chuyên dùng trên các lưu vực sông, suối có dân cư sinh sống phía hạ du để chủ động phòng ngừa, cảnh báo sơ tán, di dời dân khi có mưa lớn xảy ra.

- Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí đầu tư trang thiết bị, công cụ, phương tiện hỗ trợ phòng, chống thiên tai, nâng cao năng lực phòng, tránh thiên tai cho Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch số: 117/KH-UBND ngày 06/9/2018, số 288 và số 96.

9. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố - Triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 13/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính như:   

+ Chủ động bố trí theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền bố trí nguồn lực từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác tiếp tục thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai năm 2019, tập trung hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, bố trí chỗ ở an toàn và ổn định đời sống, sản xuất; sửa chữa các công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục bị hư hỏng gắn với xây dựng nông thôn mới đảm bảo sinh kế, bền vững. + Kiểm tra, rà soát sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản tại các khu dân cư có nguy cơ rủi ro cao khi xảy ra các tình huống thiên tai như bão mạnh, mưa lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất...và khách du lịch tại các khu du lịch ven biển, đảo; cắm biển cảnh báo khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến từng thôn, bản, hộ dân, công trình công cộng (nhất là trường học, cơ sở y tế), tuyến giao thông, khu sản xuất để chủ động di dời  người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn; xử lý, thanh thải các vật cản trên sông, suối khu vực miền núi để giảm nguy cơ lũ quét, lũ ống.  
 
+ Nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về quản lý hoạt động khai thác khoáng sản; tăng cường quản lý các hoạt động làm gia tăng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại về người khi có mưa, lũ. Có biện pháp xử lý trách nhiệm người đứng đầu ở những nơi buông lỏng quản lý, triển khai không nghiêm túc và để xảy ra sai phạm. 

- Chỉ đạo thành lập Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Kế hoạch 288; xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập hàng năm cho Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã để sẵn sàng thực thi nhiệm vụ được giao. - Chỉ đạo và triển khai các giải pháp nâng cao năng lực tham mưu về phòng, chống thiên tai cho Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện, cơ quan thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN cấp xã; có kế hoạch đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai đảm bảo tính chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. 

- Phối hợp với các chủ hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho Nhân dân vùng hạ du các công trình. 

- Chủ động sử dụng dự phòng chi ngân sách của từng cấp để mua sắm dự trữ và vận động Nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men, các nhu yếu phẩm cần thiết tại từng xã, phường, thị trấn trong mùa mưa, bão; nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị ngập lụt, cô lập, chia cắt giao thông, liên lạc, đảm bảo đủ số lượng để sử dụng tối thiểu trong thời gian ít nhất 07 ngày (riêng huyện Lý Sơn phải đảm bảo ít nhất 15 ngày); tuyệt đối trong hoàn cảnh nào cũng không để nhân dân bị đói, bị rét do mưa, lũ.

- Các huyện, thị xã, thành phố ven biển và huyện Lý Sơn: UBND từ xã đến huyện phải nắm chắc số lượng người, tàu, thuyền và ngư trường hoạt động của ngư dân địa phương. Huyện Lý Sơn tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ các tàu thuyền vận tải trên tuyến Lý Sơn - Cảng Sa Kỳ và Đảo Lớn - Đảo Bé đảm bảo an toàn.

10. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi và các địa phương hoàn thiện phương án phòng, chống lụt bão, đảm bảo an toàn công trình hồ, đập và sẵn sàng các điều kiện cần thiết để chủ động ứng phó sự cố công trình thủy lợi, đê điều thuộc phạm vi quản lý.

- Thường xuyên theo dõi, đôn đốc các địa phương và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi thực hiện công tác đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi, sẵn sàng các điều kiện cần thiết để chủ động ứng phó sự cố đập, đê điều; đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và ngư dân trên biển, bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong mùa mưa, bão. Hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tại các khu nuôi trồng thủy sản trên sông, trên biển.

- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi, rà soát các khu dân cư nằm trong khu vực có nguy cơ cao bị lũ quét, sạt lở đất tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp xử lý kịp thời. 

- Hướng dẫn các địa phương kế hoạch sản xuất nông nghiệp về: Lịch thời vụ, giống cây trồng, vật nuôi và các biện pháp phù hợp nhằm hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn sản xuất, phù hợp đặc điểm thời tiết, thiên tai.

- Tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, gắn xây dựng cộng đồng an toàn với tiêu chí phòng chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới.

11. Sở Công Thương - Theo dõi, đôn đốc chủ các công trình thủy điện chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, thiết bị, chủ động ứng phó với các sự cố công trình; thực hiện nghiêm túc các quy trình vận hành; tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện các phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt, cắt lũ, giảm lũ hiệu quả, không gây lũ nhân tạo làm gia tăng tình trạng ngập lụt vùng hạ du. 

- Kiểm tra các hệ thống truyền tải điện đảm bảo an toàn.

- Xây dựng phương án dự trữ, huy động lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết phù hợp với từng khu vực để đảm bảo nguồn hàng cho vùng bị thiên tai khi có yêu cầu.

12. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh

- Chỉ đạo rà soát, cập nhật phương án, sẵn sàng điều động, chi viện lực lượng, phương tiện để hỗ trợ các địa phương ứng phó thiên tai, nhất là việc sơ tán người dân, khách du lịch và tài sản đến nơi an toàn, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.

- Tổ chức huấn luyện kỹ năng và tổ chức diễn tập cho các lực lượng tham gia công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các cấp.

13. Sở Giao thông vận tải - Kiểm tra, rà soát các ngầm, tràn, cầu, cống có nguy cơ rủi ro cao để có kế hoạch nâng cấp, quản lý đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa, bão. 

- Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư dự phòng phục vụ khắc phục sự cố công trình giao thông; thực hiện nghiêm chế độ tuần tra, chốt gác, bố trí cảnh báo, hướng dẫn tại các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước, đoạn đường bị sạt lở đất, đá, khu vực dễ xảy ra lũ ống, lũ quét trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ. 
 
14. Sở Xây dựng - Phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát quy hoạch, sắp xếp lại dân cư tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; hướng dẫn xây dựng nhà ở an toàn khi có thiên tai xảy ra.

- Chỉ đạo chủ các công trình đang thi công xây dựng phải lập và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình và các công trình lân cận, đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn đối với cần trục tháp, máy vận thăng và các thiết bị làm việc trên cao trong mùa mưa bão.

- Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra đối với các công trình tháp (trụ) viễn thông, truyền hình nhằm đảm bảo an toàn cho người, tài sản trong khu vực.

15. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ động theo dõi, giám sát, tham mưu việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Trà Khúc đảm bảo an toàn, đúng quy định tại Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 25/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tăng cường quản lý việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhất là khai thác cát, khoáng sản đảm bảo đúng quy định, không để tình trạng sạt lở xảy ra. Chủ động xử lý môi trường tại các khu vực bị thiên tai, không để dịch bệnh xảy ra.

16. Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh

- Kiểm tra, đôn đốc việc chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị sẵn sàng xử lý sự cố, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

- Rà soát hoạt động của hệ thống truyền thanh ở cơ sở, đổi mới nội dung, hình thức, ngôn ngữ tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai để người dân ở từng thôn, bản dễ hiểu, dễ nhớ và làm theo.

17. Sở Y tế hướng dẫn cho việc chuẩn bị các trang thiết bị, máy móc, thuốc men cần thiết để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp trong  trường hợp phải tập trung chỉ đạo hoặc đi kiểm tra hiện trường và các lực lượng được huy động để tham gia công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân khi đi sơ tán tập trung tại các điểm công cộng.

18. Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và các trang thiết bị, hạ tầng tại các cơ sở giáo dục trước và trong mùa mưa, bão. 

19. Các Sở, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh thực hiện kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh.

20. Đề nghị Đài Khí tượng Thuỷ văn Quảng Ngãi dự báo, cảnh báo chính xác và đầy đủ về tình hình thiên tai, thông tin kịp thời để Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai ứng phó đạt hiệu quả, nhất là các tình huống nguy hiểm như: giông lốc, mưa lớn, bão, lũ, gió mạnh trên biển.

21. Tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi phải nghiêm túc thực hiện chế độ trực ban 24/24 giờ và chế độ thông tin báo cáo trong mùa mưa, bão chính vụ năm 2020, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác trực ban khi có thiên tai xảy ra. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, các tổ chức Chính trị - Xã hội tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan Trung ương và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh quán triệt tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và các chỉ đạo của UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh (qua Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh)./.

 






 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng