Tin tức

75 năm Bác Hồ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

Chủ nhật, 19/12/2021 - 10:20

Mỗi di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trước lúc đi xa đều chứa đựng những giá trị, ý nghĩa lớn lao và luôn tỏa sáng, soi đường cho cách mạng Việt Nam tiến lên giành những thắng lợi, vững bước trên con đường đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 
Hôm nay là tròn 75 năm ngày ra đời Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2021), Bảo vật quốc gia này vẫn được lưu giữ và phát huy giá trị đến mãi mai sau.
 
 
Bút tích “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện vật gốc bút tích đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được công nhận là bảo vật quốc gia từ năm 2012.

 
Theo Phó giáo sư Phạm Mai Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết lời kêu gọi tại gác hai ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Dương, làng Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội. Trong bút tích Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngoài nét chữ mực nâu của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có bút tích sửa bằng mực xanh của đồng chí Trường Chinh - Tổng bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Đông Dương lúc bấy giờ. Chỉ dài khoảng 200 từ nhưng bằng văn phong giản dị, súc tích, hùng hồn, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lời hịch non sông, là hiệu lệnh cứu nước trong thời khắc Tổ quốc lâm nguy.
 

PGS.TS Phạm Mai Hùng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
 
PGS.TS Phạm Mai Hùng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi, cả nước đã dấy lên 1 cao trào cách mạng rất sôi nổi, rộng khắp với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, tinh thần của lời kêu gọi đã thể hiện rõ ràng, chính xác quyết tâm cao của toàn dân tộc.

 
 
75 năm qua, bản thảo này vẫn được bảo quản, gìn giữ nguyên vẹn. Bản thảo thường xuyên được giới thiệu trong các cuộc trưng bày, triển lãm để nhắc nhở các thế hệ người Việt Nam về một thời kỳ mà toàn dân Việt Nam đồng lòng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ 9  năm chống thực dân Pháp.

 

Chị Nguyễn Ngọc Anh - Phòng Giáo dục công chúng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
 
Chị Nguyễn Ngọc Anh - Phòng Giáo dục công chúng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: Bộ phận bảo quản chịu trách nhiệm bảo quản giữ gìn hiện vật để hiện vật qua thời gian vẫn giữ được như nét ban đầu.

 

Bà Nguyễn Thị Thu Hoan - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
 
Bà Nguyễn Thị Thu Hoan - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: Chúng tôi cũng giới thiệu trong trưng bày Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, chúng ta cũng đã biết đây là hiện vật trưng bày nhiều lần khác nhau nhưng trong thời điểm lịch sử có ý nghĩa rất riêng.

 

Hiện nay, 3 bảo vật quốc gia của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bản thảo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Nhật Ký trong tù, Đường Cách Mệnh đã được số hóa để phát huy giá trị trong thời kỳ công nghệ số.
 
Trong khối di sản tinh thần mà Người để lại cho dân tộc Việt Nam, có 5 di sản đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Hiện nay, 3 bảo vật quốc gia của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bản thảo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Nhật Ký trong tù, Đường Cách Mệnh đã được số hóa để phát huy giá trị trong thời kỳ công nghệ số. Điều này giúp công chúng dễ dàng tiếp cận, chiêm ngưỡng những giá trị di sản mà Người để lại cho mai sau.

 

Anh Vũ Đình Hưng - Hà Nội
 
Anh Vũ Đình Hưng - Hà Nội: Tôi vừa xem Bảo vật quốc gia Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngay trên điện thoại của mình rất tiện lợi. Không cần đến bảo tàng lịch sử nhưng vẫn xem bản thảo rất chi tiết và nhiều thông tin ở trong ứng dụng 3D.
 
75 năm trôi qua nhưng tinh thần của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vẫn còn vang vọng, như hồn thiêng sông núi Việt Nam, thôi thúc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng