Tin tức

Toàn văn phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XIII.

Thứ sáu, 10/12/2021 - 16:07

Tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XIII sáng nay ngày 10/12, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã có bài phát biểu làm rõ thêm một số kết quả đạt được, những vấn đề còn tồn tại và quyết tâm của UBND tỉnh trong việc điều hành, chỉ đạo, thích ứng an toàn với dịch bệnh, nỗ lực và phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP trong năm 2022. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Ngãi trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.

 

Toàn văn phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XIII.
 
Kính thưa:
 
- Chủ tọa kỳ họp.
 
- Các vị đại biểu HĐND tỉnh và các đồng chí đại biểu tham dự kỳ họp.
 
- Cử tri tỉnh Quảng Ngãi.
 
Để phục vụ kỳ họp thường kỳ cuối năm 2021, trong thời gian qua UBND tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ nội dung trình HĐND tỉnh xem xét thông qua tại kỳ họp. Qua thảo luận, đến thời điểm này về cơ bản HĐND tỉnh đã nhất trí thông qua tất cả các nội dung do UBND tỉnh trình.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh
 
Thay mặt UBND tỉnh, tôi trân trọng cảm ơn Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, quý vị đại biểu HĐND tỉnh đã tích cực phối hợp, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để UBND tỉnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định pháp luật.
 
Kính thưa các vị đại biểu HĐND tỉnh, các đồng chí đại biểu và cử tri tỉnh Quảng Ngãi.
 
Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng các cấp và cũng là năm đầu tiên tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, bên cạnh những mặt thuận lợi, Tỉnh ta cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức đan xen, đó là:
 
* Về thuận lợi:
 
1) Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy đã cụ thể hóa 04 nhiệm vụ trọng tâm và 03 nhiệm vụ đột phá trong giai đoạn 2021 - 2025 bằng 05 Nghị quyết chuyên đề và 01 Kết luận về phát triển KTXH, đây là cơ sở quan trọng để UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH trong thời gian đến.
 
2) Kế thừa những thành tựu phát triển KTXH của các nhiệm kỳ trước, nhất là trong lĩnh vực phát triển công nghiệp.
 
3) Sự đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị, nhất là trong bộ máy lãnh đạo từ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh.
 
4) Trong quá trình chỉ đạo, điều hành phát triển KTXH, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, UBND tỉnh luôn nhận được sự đồng thuận, ủng hộ và chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và Nhân dân Tỉnh nhà.
 
Bên cạnh đó, tỉnh cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đó là:
 
1) Đời sống của Nhân dân nhìn chung gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 9 và các đợt mưa lũ cuối năm 2020; nguồn lực tài chính của Tỉnh vô cùng khó khăn do hụt thu ngân sách tỉnh 02 năm liên tục (2019, 2020).
 
2) Triển khai thực hiện nhiệm vụ năm đầu của nhiệm kỳ nên vừa phải tổ chức lập các loại quy hoạch, kế hoạch, như: Quy hoạch tỉnh, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Quảng Ngãi, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, Kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2025, vừa tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH, nhất là các dự án đầu tư nên trong quá trình triển khai thực hiện gặp phải những khó khăn, vướng mắc nhất định trong thủ tục đầu tư. Vì theo quy định việc triển khai các dự án đầu tư phải phù hợp với định hướng phát triển KTXH, phù hợp với Quy hoạch xây dựng và phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất, trong khi đó các loại Quy hoạch đều đang được tổ chức lập chưa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
 
3) Cơ chế, chính sách pháp luật chưa đồng bộ, chưa đầy đủ thậm chí còn mâu thuẫn giữa các quy định dẫn đến khó khăn, lúng túng khi triển khai thực hiện trong thực tế, nhất là trong việc tổ chức thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất ngoài ngân sách nhà nước.
 
Vì vậy, sau khi rà soát, ngày 19/7/2021, UBND tỉnh đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo trong việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung 36 văn bản quy phạm pháp luật với 62 nội dung liên quan đến 10 Luật, 19 Nghị định, 07 quyết định và thông tư.
 
4) Trong năm, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường; nhất là đợt bùng phát dịch lần thứ tư xảy ra trên cả nước với biến chủng mới nguy hiểm nên đã tác động trực tiếp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển KTXH, hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống của Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
 
5) Tâm lý lo sợ, e dè, co cụm của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, công chức do bị xử lý kỷ luật sau các đợt thanh tra, kiểm tra trong thời gian vừa qua nên phần nào đã làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
 
Các khó khăn này đã đặt ra không ít thách thức trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh. Tuy nhiên, với ý chí, sự tự tin, bản lĩnh, tinh thần dám nghĩ dám làm của lãnh đạo tỉnh cùng với sự nỗ lực, đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ và tham gia tích cực của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, năm 2021 KTXH của tỉnh đạt được những kết quả nhất định, cụ thể:
 
1. Về lĩnh vực kinh tế:
 
1) Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 53.501 tỷ đồng, tăng 6,0% so với năm 2020; trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,1%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 10,8%.
 
So với mục tiêu đặt ra ngay từ đầu năm thì tốc độ tăng trưởng không đạt mục tiêu; tuy nhiên, trong bối cảnh của năm 2021 thì tốc độ tăng trưởng 6,0% là khá cao so với cả nước nói chung và các tỉnh, thành trong khu vực nói riêng, như: Cả nước dự kiến tăng khoảng hơn 2%; Thừa Thiên Huế tăng 3,99%; Đà Nẵng tăng trưởng âm 1,5%; Quảng Nam tăng 3,82%; Bình Định tăng 4,09%; Phú Yên tăng 0,03%; Khánh Hòa tăng trưởng âm 6,23%.
 
2) Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 10%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14%; trong đó, sản phẩm lọc hóa dầu tăng 8,29%; giá trị sản xuất công nghiệp ngoài dầu tăng 23,8%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 19,3% so với năm 2020, vượt 20% kế hoạch năm.
 
3) Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 23.858 tỷ đồng, tăng 50,4% so với năm 2020 và bằng 131,8% dự toán HĐND tỉnh giao trong đó: (1) Thu nội địa đạt 15.017 tỷ đồng, bằng 115% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 141,9% thực hiện năm 2020; trong thu nội địa thì khoản thu từ nhà máy lọc dầu đạt 8.318 tỷ đồng, bằng 166,4% dự toán; thu tiền sử dụng đất đạt 1.142 tỷ đồng, bằng 43,9% dự toán; các khoản thu còn lại 5.557 tỷ đồng, bằng 101,9% dự toán; (2) thu hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 8.800 tỷ đồng, bằng 176% dự toán, khoản thu này vượt 3.800 tỷ đồng, chủ yếu nhập khẩu nhiên liệu cho hoạt động của nhà máy lọc dầu Dung Quất và thiết bị của dự án nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất, tuy nhiên theo Luật NSNN thì khoản thu này NSTW hưởng 100%). Theo đó, phần ngân sách tỉnh hưởng sẽ tăng thu so với dự toán HĐND tỉnh giao khoảng 1.629 tỷ đồng. Đây là kết quả rất tích cực trong quá trình phục hồi kinh tế của tỉnh ta trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
 
4) Công tác giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả khá cao so bình quân chung của cả nước; dự kiến đến hết niên độ ngân sách năm 2021, giải ngân đạt 99,7% kế hoạch thuộc nguồn ngân sách Trung ương và 99,8% kế hoạch thuộc nguồn ngân sách tỉnh, là năm có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất trong những năm qua.
 
Đạt được kết quả đó là do: Tập trung chỉ đạo chấn chỉnh công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản; quyết liệt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; định kỳ tổ chức giao ban tiến độ giải ngân; kiểm tra, giải quyết các vướng mắc của từng dự án; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả giải ngân và 02 giải pháp quan trọng đổi mới trong chỉ đạo, điều hành đó là (1) Việc bố trí vốn ngân sách tỉnh cho các công trình do cấp huyện làm chủ đầu tư, thực hiện theo phương thức hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện thực hiện, đã tăng tính chủ động, tăng trách nhiệm trong việc quyết định đầu tư của các địa phương, dự án không phải trình lên cấp tỉnh nên giảm bớt các quy trình, thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện trong bước chuẩn bị đầu tư; (2) Từng dự án xác định rõ nguồn vốn đầu tư, không thực hiện bố trí hỗn hợp giữa 02 nguồn vốn vừa nguồn cân đối ngân sách tỉnh, vừa từ nguồn khai thác quỹ đất nên đã từng bước hạn chế việc dàn trãi trong khởi công nhiều dự án cùng lúc nhưng không có vốn thực hiện.
 
5) Đã thu hút và cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 14 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 85.500 tỷ đồng và cấp phép mới cho 02 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 24,95 triệu USD.
 
2. Về lĩnh vực văn hóa - xã hội:
 
1) Đã huy động mọi nguồn lực của xã hội để chăm lo đời sống vật chất cũng như tinh thần cho Nhân dân, nhất là các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu - năm 2021; hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặt. Ngoài ra, dù điều kiện về tài chính của tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng đã ưu tiên nguồn lực để thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh theo quy định.
 
2) Tổ chức triển khai thực hiện các hình thức dạy và học phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh; đảm bảo vừa an toàn về sức khỏe cho giáo viên và học sinh, vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới đào tạo với phương châm “tạm dừng đến trường, nhưng không dừng học”, “an toàn đến đâu cho học trực tiếp đến đó”; hoàn thành việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 (với 02 đợt thi vào ngày 06/7-8/7/2021 và ngày 05/8-07/8/2021) trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp; thực hiện chính sách miễn học phí học kỳ 1 cho học sinh trên địa bàn tỉnh.
 
3) Tổ chức động viên, khen thưởng và hỗ trợ kịp thời cho các lực lượng tham gia tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; cũng như chỉ đạo toàn ngành y tế phải thực hiện tốt phương châm vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa đảm bảo yêu cầu khám, chữa bệnh cho Nhân dân.
 
3. Về tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh:
 
1) Tổ chức hội thảo và chỉ đạo cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, đồng thời ưu tiên nguồn lực để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng chính quyền số trong tương lai; thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh để tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.
 
2) Phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị tập huấn về Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025 đến tất cả cán bộ, công chức chủ chốt trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức để phục vụ tổ chức và công dân được tốt hơn; với quyết tâm mạnh mẽ trong việc cải thiện thứ bậc chỉ số cải cách hành chính, UBND tỉnh đã rất quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính, nhất là hoạt động tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính của tổ chức và công dân (trong đó ưu tiên chỉ đạo giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho công dân) nên kết quả của việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên toàn tỉnh nói chung đã có chuyển biến tích cực. Qua theo dõi hoạt động của Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh, thì tỷ lệ hồ sơ được giải quyết trả kết quả đúng hạn và trước hạn của các sở, ngành đạt 99% và đối với hồ sơ giải quyết thủ tục đất đai của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi đạt 80% (theo thống kê đến cuối năm 2020, tỷ lệ giải quyết loại hồ sơ này chỉ đạt 25,5%); đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm đạt 99,8%.
 
3) Định kỳ hàng quý, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì tổ chức gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp nhằm chỉ đạo xử lý các vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh; đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tổ chức họp báo hàng quý để kịp thời cung cấp thông tin đến các cơ quan thông tấn, báo chí về công tác chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển KTXH cũng như trả lời các nội dung báo chí quan tâm theo đúng quy định của Luật Báo chí.
 
4) Chú trọng trong công tác chỉ đạo đối với việc xử lý các vấn đề phức tạp liên quan đến môi trường, đến nay việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh cơ bản được thực hiện tốt; Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra, gặp gỡ và lắng nghe Nhân dân thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận để chia sẽ những khó khăn trong cuộc sống và chỉ đạo chính quyền huyện Bình Sơn đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu tái định cư theo đúng tiến độ để thực hiện di chuyển Nhân dân theo đúng nguyện vọng.
 
5) Về công tác phòng, chống dịch Covid-19: Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, căn cứ diễn biến dịch trên địa bàn tỉnh, các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước, UBND tỉnh đã theo dõi sát tình hình nên đã có các quyết định kịp thời trong từng thời điểm vì vậy đến nay đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh nhằm sớm đưa cuộc sống của Nhân dân trở lại trạng thái bình thường mới; đồng thời, đã sử dụng mọi nguồn lực của tỉnh để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh cũng như hỗ trợ công dân sinh sống tại các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn về quê an toàn. Tích cực làm việc với Bộ Y tế để phân bổ lượng lớn vắc xin, đến nay, tỷ lệ tiêm vắc xin cho Nhân dân đạt mức cao (98,4% dân số trên 18 tuổi đã được tiêm 01 mũi và 88,71% dân số trên 18 tuổi được tiêm 02 mũi; riêng đối với trẻ em từ 12 - 17 tuổi tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 11%) nên cuộc sống của Nhân dân đã dần trở lại trong điều kiện bình thường mới.
 
6) Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Trong năm UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường trách nhiệm trong việc tiếp công dân, gặp gỡ và lắng nghe Nhân dân; trực tiếp kiểm tra thực tế và gặp gỡ người dân để xử lý kịp thời những nội dung khiếu nại và tố cáo của công dân, nên có 07/11 tháng qua không có công dân đăng ký gặp Chủ tịch UBND tỉnh tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh; kết quả giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ 87,4% (năm 2021 là 84,4%).
 
7) Về quốc phòng, an ninh: Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, trật tự hành lang tuyến biển được giữ vững, ổn định; công tác tuyển quân đạt 100% chỉ tiêu; các lực lượng chức năng đã chủ động nắm bắt tình hình, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ việc liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; tổ chức nhiều đợt cao điểm ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội, qua đó đã phát hiện nhiều vụ việc tụ tập đông người sử dụng ma túy trong thời gian giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19; tai nạn giao thông được kiềm chế, xảy ra 165 vụ tai nạn giao thông, làm chết 92 người, bị thương 137 người (so với năm 2020, giảm 61 vụ, giảm 14 người chết và giảm 101 người bị thương).
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2021 cũng còn có những hạn chế nhất định, đó là:
 
* Thứ nhất, về phát triển kinh tế:
 
1) Có 8/24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2021 không đạt kế hoạch đề ra; trong đó, có 5/7 chỉ tiêu về kinh tế, 2/9 chỉ tiêu về văn hóa, xã hội và 1/6 chỉ tiêu về môi trường.
 
2) Mặc dù tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng so với năm 2020 nhưng chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tăng trưởng ở hầu hết các ngành bị chậm lại, trong đó các ngành thuộc khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nhất (dịch vụ tăng trưởng âm 0,7%).
 
3) Số thu của một số lĩnh vực không đạt dự toán giao như: Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (chỉ đạt 88,6% dự toán), thu từ hoạt động xổ số kiến thiết (chỉ đạt 67% dự toán), thu thuế bảo vệ môi trường (chỉ đạt 83,1% dự toán); Việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, các cơ sở nhà, đất dôi dư còn chậm.
 
4) Sản xuất nông nghiệp còn thiếu ổn định do tác động của thiên tai, dịch bệnh và giá cả thị trường. Ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trên gia súc, gia cầm xảy ra tại nhiều địa phương.
 
5) “Điểm nghẽn” trong đầu tư ngoài ngân sách chưa được khơi thông; vướng mắc về cơ chế thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với các dự án chưa được tháo gỡ nên đã hạn chế việc huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế trong đầu tư phát triển.
 
Việc triển khai thực hiện các quy định của Trung ương về lựa chọn nhà đầu tư còn lúng túng, chưa kịp thời, ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
* Thứ hai, việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19:
 
Có lúc, có nơi chưa kịp thời, còn lơ là, chưa nghiêm túc; việc quản lý người từ vùng dịch trở về chưa chặt chẽ, có trường hợp làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng; việc tổ chức mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch của ngành Y tế còn nhiều lúng túng, chậm thực hiện, có lúc thiếu sinh phẩm xét nghiệm, gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch bệnh; Sở Y tế chưa kịp thời đề xuất kinh phí hỗ trợ cho cán bộ y tế tham gia công tác phòng, chống dịch; một bộ phận người dân còn chủ quan, không tuân thủ nguyên tắc “5K”; một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa thực hiện nghiêm túc việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch, nhất là việc sử dụng mã QR code.
 
* Thứ ba, Việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ của một số lĩnh vực còn hạn chế, như:
 
1) Công tác thanh, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất chưa kịp thời để xử lý các vi phạm việc chậm đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất kém hiệu quả, để đất bị lấn chiếm, sử dụng đất chưa đúng mục đích, việc chuyển quyền sử dụng đất chưa phù hợp với quy định pháp luật; việc tách thửa đối với khu vực quy hoạch, thực hiện dự án tại một số địa phương vẫn còn diễn ra.
 
2) Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn chậm trễ, vướng mắc kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của nhiều dự án, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, ảnh hưởng đến công tác thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến tăng trưởng.
 
3) Việc tổ chức đấu giá các mỏ tài nguyên khoáng sản, nhất là tài nguyên cát còn chậm trễ.
 
4) Ngành Y tế chưa đề xuất được cơ chế tài chính tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập để kích thích đội ngũ y, bác sỹ hăng say công tác, thực hiện tốt nghĩa vụ chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.
 
5) Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành còn thiếu và yếu.
 
* Thứ tư, Hệ quả của những tồn tại, hạn chế từ những năm trước cần phải khắc phục, như:
 
1) Trong tổ chức thực hiện quản lý dự án đầu tư xây dựng thì có một số dự án UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện trước đây không căn cứ vào khả năng cân đối nguồn vốn và cũng không thực hiện bố trí đủ vốn nên dẫn đến nợ đọng vốn xây dựng cơ bản; thiếu kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ cũng như xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án nên nhiều dự án chậm tiến độ, nhất là các dự án thuộc ngành nông nghiệp, các dự án trên địa bàn khu kinh tế Dung Quất, các dự án giao cho QISC làm chủ đầu tư.
 
2) Nhiều dự án ngoài ngân sách nhà nước chấp thuận chủ trương đầu tư không phù hợp với Quy hoạch xây dựng, Quy hoạch sử dụng đất, … làm phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là vướng mắc liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước.
 
3) Nhiều vụ việc nổi cộm, bức xúc không được quan tâm xử lý dứt điểm làm phát sinh khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong Nhân dân và đến nay khi xử lý thì cần phải bố trí kinh phí rất lớn để thực hiện, nên gây áp lực chi cho ngân sách nhà nước.
 
Tóm lại, những kết quả đạt được của năm 2021 đã thể hiện được sự nổ lực, cố gắng, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân tỉnh nhà, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng trong chỉ đạo, điều hành phát triển KTXH, đảm bảo quốc phòng - an ninh của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
 
Kính thưa các vị đại biểu HĐND tỉnh, các đồng chí đại biểu và cử tri tỉnh Quảng Ngãi.
 
Năm 2022 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; là năm được dự báo sẽ diễn ra trong bối cảnh có những thời cơ, thách thức đan xen.
 
* Về thời cơ, thuận lợi:
 
(1) Tình hình chính trị của đất nước tiếp tục ổn định; triển vọng phục hồi kinh tế được dự báo tương đối tích cực; sự quyết tâm, nỗ lực, tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị trong việc quyết tâm kiểm soát dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân với chính quyền ngày càng được củng cố sẽ tiếp tục tạo được sự đồng thuận trong xã hội, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
(2) Dư địa trong phát triển của tỉnh Quảng Ngãi còn khá nhiều đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, bất động sản, khai thác hạ tầng khu công nghiệp; đây sẽ là động lực tăng trưởng cho nhiều ngành kinh tế và là điều kiện thuận lợi để Nhân dân và doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
 
(3) Hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện; công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo sâu sát, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh.
 
(4) Tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục được Trung ương quan tâm hỗ trợ nguồn lực từ ngân sách Trung ương để thực hiện 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia như các tỉnh không điều tiết ngân sách về Trung ương.
 
(5) Bài học kinh nghiệm rút ra sau Kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán góp phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu của các cơ quan chuyên môn.
 
* Bên cạnh đó, tỉnh ta sẽ gặp nhiều thách thức, đó là:
 
(1) Dịch Covid-19 tiếp tục là nguy cơ hiện hữu ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội trong trường hợp không được kiểm soát tốt, nhất là hiện nay trên thế giới có nhiều biến chủng mới; bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, biến đổi khí hậu,... cũng là những nguy cơ luôn tiềm ẩn.
 
(2) Năm 2022 là năm tiếp tục không phát sinh nguồn thu mới, một số nguồn thu có tăng trưởng nhưng không lớn; cơ cấu, tỷ trọng nguồn thu trên địa bàn vẫn phụ thuộc lớn vào số thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất (chiếm 47,9% tổng thu nội địa); trong khi đó, sản lượng tiêu thụ từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất có xu hướng giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và sự cạnh tranh từ sản phẩm xăng, dầu nhập khẩu và của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, sản lượng khai thác dầu thô tại mỏ Bạch Hổ đang giảm dần, giá dầu thế giới biến động khó lường,…
 
Thu hút đầu tư trong các năm gần đây tăng trưởng khá cả về số lượng lẫn tổng vốn đầu tư, tuy nhiên hầu hết các nhà đầu tư đang tập trung đầu tư chủ yếu vào Khu kinh tế Dung Quất, Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ VSIP, đây lại là khu vực được hưởng ưu đãi đầu tư nên chưa phát sinh số thu nộp ngân sách nhà nước.
 
(3) Thời kỳ ổn định ngân sách 2022 - 2025, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục là tỉnh có điều tiết nguồn thu về ngân sách Trung ương nên cơ chế tài chính áp dụng cho tỉnh ta trong giai đoạn hiện nay có một số nội dung bất lợi, đó là:
 
- Theo quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư nguồn NSTW bổ sung có mục tiêu cho NSĐP thì tỉnh Quảng Ngãi bị giảm 1.100 tỷ đồng giai đoạn 2021 - 2025;
 
- Theo quy định hiện nay thì NSTW hỗ trợ tối đa 80% nhu cầu kinh phí tăng thêm thực hiện các chính sách an sinh xã hội và địa phương nào có nguồn cải cách tiền lương còn dư (sau khi đã đảm bảo đủ nhu cầu cải cách tiền lương trong năm) thì sử dụng nguồn đó để chi trả thay phần NSTW hỗ trợ, nên trong những năm qua tỉnh ta phải chi trả thay cho NSTW từ nguồn cải cách tiền lương khoảng 500 tỷ đồng/năm cho các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành; và tỉnh phải cân đối bố trí từ ngân sách tỉnh khoảng 125 tỷ đồng/năm (tương ứng với 20% nhu cầu kinh phí còn lại).
 
- Trường hợp ngân sách địa phương hụt thu thì tỉnh ta phải tự cân đối nguồn lực của địa phương để xử lý bù hụt thu, sau khi đã xử lý tất cả các nguồn nhưng không bù được thì ngân sách Trung ương sẽ xem xét hỗ trợ nhưng rất ít (đối với các tỉnh không điều tiết thì Trung ương bổ sung để bù hụt thu).
 
- Trường hợp ngân sách địa phương tăng thu thì phải trích 70% phần tăng thu được hưởng để bổ sung nguồn thực hiện cải cách tiền lương (giai đoạn trước là 50%).

 

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh
 
Kính thưa các vị đại biểu HĐND tỉnh, các đồng chí đại biểu và cử tri tỉnh Quảng Ngãi:
 
Nhận diện được thời cơ, điều kiện thuận lợi cũng như các khó khăn, thách thức, năm 2022, tỉnh ta tiếp tục đặt mục tiêu cao về phát triển kinh tế - xã hội để nỗ lực thực hiện nhằm phấn đấu đạt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 trong điều kiện các hoạt động kinh tế - xã hội, sinh hoạt của người dân được hoạt động trở lại, tranh thủ kịp thời các gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế của Trung ương và kiểm soát tốt dịch Covid-19; cụ thể:
 
1) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 5 - 6% (giai đoạn 2021 - 2025: 7 - 8%/năm).
 
2) GRDP bình quân đầu người khoảng 3.280 USD (đến năm 2025 khoảng: 4.200 - 4.400 USD).
 
3) Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ trong GRDP chiếm khoảng 64 - 65%; trong đó, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 36 - 37% GRDP (đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ trong GRDP chiếm khoảng 69 - 70%; trong đó, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 40 - 41% GRDP).
 
4) Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5 - 6% (giai đoạn 2021 - 2025: 6 - 8%/năm).
 
5) Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt khoảng 29.000 - 31.000 tỷ đồng (giai đoạn 2021 - 2025: Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 5 năm ít nhất 150.000 tỷ đồng, năm 2021 mới đạt 22.610 tỷ đồng).
 
6) Tỷ lệ đô thị hóa đạt 29% (tính đến hết năm 2021, tỷ lệ đô thị hóa đạt 26,7%, trong khi đó theo kế hoạch đến năm 2025 đạt trên 35%).
 
7) Phấn đấu thu ngân sách vượt mức chỉ tiêu Trung ương giao trên 5% (Trung ương giao năm 2022 là 19.240 tỷ đồng, nếu tăng 5% thì thu ngân sách là 20.202 tỷ đồng, trong khi đó hiện nay UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tổng thu ngân sách nhà nước là 24.293,1 tỷ đồng, tăng so với Trung ương giao 5.053,1 tỷ đồng, tăng 26,26%).
 
Kính thưa các vị đại biểu HĐND tỉnh, các đồng chí đại biểu và cử tri tỉnh Quảng Ngãi:
 
Để tổ chức triển khai đạt được mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm 2022 cả hệ thống chính trị cần phải quyết tâm và nỗ lực rất lớn trong việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp: Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; thúc đẩy phục hồi và phát triển KTXH; tranh thủ các gói kích thích, phục hồi kinh tế của Trung ương; tạo đột phá trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng thu hút đầu tư của tỉnh; giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong Nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
 
Về nhiệm vụ cụ thể, UBND tỉnh đã báo cáo HĐND tỉnh đầy đủ tại Báo cáo số 205/BC-UBND ngày 26/11/2021; vì vậy, trên cơ sở nhận định tình hình nêu trên, tôi xin nhấn mạnh một số nhiệm vụ mang tính chung nhất, đó là:
 
1. Tiếp tục giữ vững sự đoàn kết, thống nhất cao trong chỉ đạo, điều hành, phát huy sức mạnh tập thể, đề cao vai trò, trách nhiệm của từng thành viên UBND tỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi để phát huy kết quả đã đạt được cũng như khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và xử lý nghiêm khắc đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thiếu chủ động tham mưu, không thực hiện hoàn thành, hoàn thành trễ hạn, không đảm chất lượng các nhiệm vụ UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao.
 
2. Xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và thường xuyên, liên tục, gắn kết chặt chẽ với từng nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2022. Kịp thời triển khai thực hiện chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 ngay sau khi Chính phủ ban hành và phù hợp với điều kiện của tỉnh ta.
 
3. Chủ động xây dựng và kịp thời triển khai thực hiện khi Chính phủ ban hành Chương trình phục hồi và phát triển KTXH đảm bảo phù hợp, khả thi trên địa bàn tỉnh, trong đó tranh thủ kịp thời các cơ chế hỗ trợ của các gói kích thích, phục hồi phát triển KTXH của Trung ương để phục hồi, phát triển KTXH của tỉnh.
 
Tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh.
 
4. Tiếp tục triển khai xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, 05 Nghị quyết chuyên đề và 01 Kết luận trong việc thực hiện 04 nhiệm vụ trong tâm, 03 nhiệm vụ đột phát giai đoạn 2021 - 2025 và Kết luận của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 6, các Nghị quyết của HĐND tỉnh tại kỳ họp lần này đảm bảo chất lượng, kịp thời.
 
5. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
 
6. Về xử lý hụt thu năm 2020; kế hoạch tài chính - ngân sách 5 năm 2021 - 2025 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
 
6.1 Về xử lý hụt thu năm 2020:
 
Năm 2020 hụt thu cân đối ngân sách địa phương so với dự toán HĐND tỉnh giao là 3.368 tỷ đồng (cấp tỉnh hụt 3.170 tỷ đồng, cấp huyện 198 tỷ đồng), nếu tính cả phần hụt thu từ nguồn thu tiền sử dụng đất (994 tỷ đồng) thì hụt thu năm 2020 là 4.362 tỷ đồng.
 
Để xử lý hụt thu ngân sách phục vụ cho công tác quyết toán ngân sách năm 2020 theo quy định của Luật NSNN; UBND tỉnh đã chỉ đạo cắt giảm các khoản chi và sử dụng tất cả các nguồn lực của tỉnh theo quy định để bù phần hụt thu: (1) giảm nguồn cải cách tiền lương cấp tỉnh 491,274 tỷ đồng; (2) các nguồn lực của địa phương 470,891 tỷ đồng; (3) Trung ương hỗ trợ bù hụt thu 500 tỷ đồng. Riêng phần hụt thu từ nguồn sử dụng đất giảm chi đầu tư đối với các dự án đã bố trí vốn để chuyển sang năm 2021. Phần còn lại chưa có nguồn xử lý là 1.645 tỷ đồng, phải tạm sử dụng nguồn tăng thu dự toán năm 2021 (1.345 tỷ đồng) và các nguồn hợp pháp khác để cân đối khoản giảm chi năm 2020 chuyển sang năm 2021 (300 tỷ đồng).
 
6.2 Về kế hoạch tài chính - ngân sách 5 năm 2021 - 2025
 
a) Để đảm bảo đủ nguồn lực tài chính đáp ứng các nhiệm vụ phát triển KTXH, hoàn thành đạt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra, thì tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 phải đạt 108.798 tỷ đồng (thu nội địa đạt 78.768 tỷ đồng, chiếm 72,4%; thu thuế xuất, nhập khẩu đạt 27.628 tỷ đồng, chiếm 25,4%; vay lại của Chính phủ để thực hiện các dự án ODA là 2.402 tỷ đồng, chiếm 2,2%).
 
Đối với thu nội địa là 78.768 tỷ đồng, năm 2021 thu đạt 15.017 tỷ đồng, dự kiến năm 2022 là 16.710 tỷ đồng, 03 năm 2023 đến 2025 là 47.041 tỷ đồng, bình quân 15.680,3 tỷ đồng/năm, cụ thể:
 
(1) Thu từ NMLD Dung Quất 29.424 tỷ đồng, chiếm 37,3% (giai đoạn 2016 - 2020 là 40.360 tỷ đồng, chiếm 57,5%; ước đến hết năm 2021 thu được 8.318 tỷ đồng, kế hoạch thu năm 2022 là 7.935 tỷ đồng, còn lại 03 năm từ năm 2023 đến 2025 phải thu 13.171 tỷ đồng, bình quân 01 năm thu 4.390,3 tỷ đồng, nhận định chung việc hoàn thành kế hoạch thu đối với khoản thu này đảm bảo khả thi).
 
(2) Thu tiền sử dụng đất 13.170 tỷ đồng, chiếm 16,7% (năm 2021 thu được 1.142 tỷ đồng, kế hoạch năm 2022 là 3.100 tỷ đồng, còn lại 03 năm từ năm 2023 đến 2025 phải thu 8.928 tỷ đồng, bình quân 01 năm thu 2.976 tỷ đồng, đây là khoản thu có áp lực rất lớn từ năm 2022 đến cuối nhiệm kỳ, vì vậy trong thời gian đến rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân và tinh thần trách nhiệm, tính đồng bộ trong phối hợp giải quyết công việc của các cấp, các ngành cũng như tính chủ động, quyết liệt thực hiện của từng cơ quan, đơn vị và địa phương).
 
(3) Thu xổ số kiến thiết 602 tỷ đồng, chiếm 0,8% (năm 2021 thu được 75 tỷ đồng, kế hoạch năm 2022 là 95 tỷ đồng, còn lại 03 năm từ năm 2023 đến 2025 phải thu 432 tỷ đồng, bình quân 01 năm thu 144 tỷ đồng, đây là khoản thu cũng áp lực từ nay đến cuối nhiệm kỳ, vì nó phụ thuộc lớn vào việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong thời gian đến).
 
(4) Các khoản thu còn lại 35.572 tỷ đồng, chiếm 45,2% (năm 2021 thu được 5.472 tỷ đồng, kế hoạch năm 2022 là 5.580 tỷ đồng, còn lại 03 năm từ năm 2023 đến 2025 phải thu 24.520 tỷ đồng, bình quân 01 năm thu 8.173,3 tỷ đồng, đây cũng là khoản thu có áp lực lớn từ nay đến cuối nhiệm kỳ, vì theo dự báo từ nay đến cuối nhiệm kỳ khả năng phát sinh các nguồn thu mới không cao, nên cần quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện có hiệu quả các giải pháp về cải cách hành chính, giải quyết kịp thời các vướng mắc của các nhà đầu tư và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp sản xuất ổn định, đóng góp cho ngân sách nhà nước).
 
b) Về chi ngân sách địa phương: Dự kiến tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 là 88.035 tỷ đồng, trong đó:
 
(1) Chi cân đối ngân sách địa phương 75.967 tỷ đồng (gồm: chi đầu tư phát triển 29.025 tỷ đồng, chiếm 33%; chi thường xuyên 45.455 tỷ đồng, chiếm 51,6% và còn lại 1.487 tỷ đồng để chi trả nợ lãi các khoản do chính quyền địa phương vay, bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách).
 
(2) Chi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia từ nguồn Trung ương bổ sung có mục tiêu là 12.068 tỷ đồng (gồm: các chương trình mục tiêu quốc gia là 5.653 tỷ đồng; vốn đầu tư thực hiện chương trình, dự án 5.127 tỷ đồng và vốn sự nghiệp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ là 1.288 tỷ đồng).
 
Theo nguyên tắc phân bổ vốn giai đoạn 2021 - 2025, nhiệm vụ chi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đối với tỉnh có điều tiết ngân sách Trung ương thì địa phương phải tự cân đối; tuy nhiên, với khả năng thu của ngân sách tỉnh thì việc cân đối thực hiện các chương trình là không thể thực hiện được, vì vậy trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã tích cực làm việc với các cơ quan Trung ương nên Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ủng hộ và trình Quốc hội thống nhất đưa tỉnh Quảng Ngãi được hưởng hỗ trợ từ ngân sách Trung ương như các tỉnh không điều tiết ngân sách Trung ương.
 
6.3 Về dự toán thu ngân sách nhà nước và chi ngân sách địa phương năm 2022
 
Năm 2022 là năm đầu thực hiện thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh ta có những thuận lợi nhất định đó là tỷ lệ thu để lại cho ngân sách địa phương được Trung ương thống nhất nâng từ 88% lên 97% và được hưởng hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia như các tỉnh không điều tiết về ngân sách Trung ương; tuy nhiên cũng gặp bất lợi đó là trong trường hợp ngân sách địa phương tăng thu, thì phải sử dụng 70% nguồn tăng thu do ngân sách địa phương được hưởng để bổ sung nguồn cải cách tiền lương và chủ yếu dùng để chi cho các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành (vì Quảng Ngãi là tỉnh có điều tiết thu ngân sách Trung ương) như vậy tỉnh chỉ được sử dụng 30% để thực hiện chi trả nợ, trích nộp quỹ dự trữ tài chính, thực hiện chính sách an sinh xã hội và tăng chi đầu tư một số dự án quan trọng.
 
a) Về dự toán thu năm 2022: Tổng thu NSNN là 24.293,1 tỷ đồng (Trung ương giao 19.240 tỷ đồng, tăng 5.053 tỷ đồng), trong đó: (1) Thu nội địa là 16.710 tỷ đồng, chiếm 68,8%, tăng 11,3% so với năm 2021; (2) thu thuế xuất, nhập khẩu 7.500 tỷ đồng, chiếm 30,9%; (3) còn lại thu từ vay vốn 83,1 tỷ đồng.
 
Trong thu nội địa, thì khoản thu tiền sử dụng đất là 3.100 tỷ đồng, đây là một chỉ tiêu rất cao (năm 2021 đạt 1.142 tỷ đồng); vì vậy, để hoàn thành chỉ tiêu này, với quyết tâm chính trị cao nhất, ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh sẽ ban hành kế hoạch thu chi tiết cho từng nội dung cụ thể, gắn với tiến độ thu, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và địa phương cũng như trách nhiệm chỉ đạo của từng đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh.
 
b) Về chi ngân sách địa phương: Tổng chi ngân sách địa phương là 17.471 tỷ đồng, trong đó:
 
(1) Chi cân đối ngân sách địa phương là 15.928 tỷ đồng (gồm: Chi đầu tư phát triển 5.108,1 tỷ đồng, chiếm 32,1%; chi thường xuyên 8.737 tỷ đồng, chiếm 54,8%; còn lại là chi trả lãi vay, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách, tạo nguồn cải cách tiền lương).
 
(2) Chi từ nguồn Trung ương bổ sung có mục tiêu 1.544 tỷ đồng (gồm: Vốn đầu tư thực hiện các chương trình, dự án 1.468 tỷ đồng; chi sự nghiệp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ là 76 tỷ đồng).
 
7. Tiếp tục chấn chỉnh công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương trong quản lý vốn đầu tư công; thường xuyên tổ chức kiểm tra, chỉ đạo tiến độ và giải quyết kịp thời, dứt điểm các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công và các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
 
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng bị chậm trễ, kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công, không phát huy hiệu quả đầu tư của dự án, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Vì vậy, năm 2022 được xác định là năm chấn chỉnh một cách toàn diện trong tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tất cả các nội dung liên quan đến công tác này đều phải được ban hành một cách đồng bộ, ngay từ đầu năm như các cơ chế, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng; đơn giá cây cối, hoa màu, vật kiến trúc, hệ số điều chỉnh giá đất, ….
 
8. Tiếp tục chỉ đạo xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để khơi thông các “điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư, tranh thủ tối đa các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách để cùng với nguồn lực của Nhà nước sớm hoàn thành nhiệm vụ đột phá đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho phát triển như tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.
 
Quan điểm chỉ đạo trong thu hút đầu tư hiện nay đó là: (1) Tạo mọi điều kiện thuận lợi, nhất là quỹ đất cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh và có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế để mở rộng quy mô sản xuất; (2) Đối với các quỹ đất có quy mô lớn, sẽ thu hút các nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế có kinh nghiệm, năng lực thực sự để đầu tư một cách đồng bộ cả khu vực để góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế trong tương lai; (3) Đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhỏ và vừa thì sẽ sắp xếp, bố trí vào những khu vực được quy hoạch riêng để hoạt động.
 
Trong thời gian đến, UBND tỉnh kiên quyết chỉ đạo xử lý chấm dứt hoạt động dự án hoặc thu hồi chủ trương đầu tư đối với những nhà đầu tư chậm thực hiện dự án, giữ đất để chuyển nhượng dự án, không có năng lực và kinh nghiệm thực hiện.
 
9. Về công tác văn hóa - xã hội và phòng, chống dịch Covid-19
 
(1) Ưu tiên nguồn lực từ ngân sách nhà nước để thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, đảm bảo việc thực hiện đúng đối tượng, đúng chế độ; nhân đây, Tôi kêu gọi toàn thể Nhân dân và các tổ chức, cá nhân quan tâm ủng hộ về vật chất và tinh thần để cùng với nhà nước chăm lo đời sống cho những người neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn, nhất là chuẩn bị Tết Nguyên đán Nhâm Dần - năm 2022.
 
(2) Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19: Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; quan điểm chỉ đạo trong phòng, chống dịch hiện nay không phải thực hiện chỉ đạo chi tiết từ tỉnh xuống cơ sở, mà cơ sở phải phát huy được vai trò quản lý địa bàn để theo dõi, kiểm tra, giám sát tổ chức và công dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; trong đó kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong công tác phòng, chống dịch ở mức cao nhất; tiếp tục kiến nghị với Trung ương để quan tâm hỗ trợ vắc xin nhằm hoàn thành tiêm mũi 2 cho toàn dân và từng bước tiến tới việc tiêm tăng cường.
 
(3) Xây dựng phương án dạy và học phù hợp nhằm thích ứng an toàn với dịch Covid-19 để thực hiện được mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; triển khai đồng bộ các giải pháp để khắc phục một cách toàn diện, triệt để các tồn tại, khó khăn hiện nay tại các cơ sở y tế công lập, nhằm phát huy tối đa năng lực của đội ngũ y, bác sỹ trên địa bàn tỉnh nhằm mục tiêu chăm lo tốt nhất sức khỏe của Nhân dân; tập trung nhiều giải pháp để tăng cường năng lực và củng cố y tế cơ sở.
 
10. Về công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước:
 
Ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh sẽ ban hành các kế hoạch và biện pháp triển khai thực hiện các chỉ số này trên toàn tỉnh, vì vậy yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, nhất là tại bộ phận một cửa các cấp phải nghiêm túc triển khai thực hiện theo đúng quy định, không được có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, đồng thời phải nhận thức đầy đủ nội dung phục vụ tổ chức và công dân là nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính nhà nước. Tinh thần chung là chuyển ngay quan niệm xem người dân, doanh nghiệp là đối tượng quản lý sang xem người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.
 
Thực hiện nghiêm túc việc gắn kết quả đánh giá công tác cải cách hành chính hàng năm của các sở, ngành và địa phương với việc đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và của cơ quan, đơn vị, địa phương đó.
 
Kính thưa các vị đại biểu HĐND tỉnh, các đồng chí đại biểu và cử tri tỉnh Quảng Ngãi:
 
Nhận định về thời cơ, thách thức và căn cứ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được phân tích ở trên, để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đó, Tôi yêu cầu các cấp, các ngành trong hệ thống các cơ quan hành chính tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành; đổi mới mạnh mẽ về tư duy, cách thức làm việc, tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ được giao; khuyến khích tư duy đột phá, hiến kế, tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói được làm được, nói ít làm nhiều; không ngại khó, ngại khổ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; chủ động, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ, không thụ động, chờ sự chỉ đạo của cấp trên mới thực hiện; chủ động xây dựng được các mối quan hệ gần gũi, thường xuyên tương tác với các cơ quan Trung ương để tranh thủ kịp thời các nguồn lực cho tỉnh; đặt việc thực hiện nhiệm vụ của các ngành, lĩnh vực trong xu thế chung với các ngành, lĩnh vực tương ứng của các tỉnh trong khu vực.
 
Để thực hiện đồng bộ, quyết liệt việc đổi mới trong toàn hệ thống, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực sự nêu gương, tạo niềm tin cho cơ sở. Đồng thời, thực hiện kịp thời công tác thi đua, khen thưởng nhằm thúc đẩy tinh thần, trách nhiệm, động lực làm việc, cống hiến; cũng như phải xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm công vụ.
 
Kính thưa các vị đại biểu HĐND tỉnh, các đồng chí đại biểu và cử tri tỉnh Quảng Ngãi:
 
Nhìn lại cả năm 2021, với khối lượng công việc của năm đầu nhiệm kỳ là rất lớn, đó là vừa giải quyết các tồn tại cũ, vừa khắc phục các sai phạm sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, vừa phải chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trong năm theo Kết luận của Tỉnh ủy và Nghị quyết của HĐND tỉnh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường nhưng tỉnh ta đã cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
 
Thay mặt UBND tỉnh, Tôi kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và Nhân dân tỉnh nhà hãy chung sức, đồng lòng, sát cánh, ủng hộ và giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển KTXH; đồng thời, với tinh thần cầu thị, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các tầng lớp Nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà; bên cạnh đó, rất mong nhận được sự phối hợp, hỗ trợ, giám sát thường xuyên của HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các Ban HĐND tỉnh.
 
Tôi hy vọng rằng, với quyết tâm cao, nổ lực lớn cùng với sự chung sức, đồng lòng đó chắc chắn chúng ta sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm 2022, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH, đảm bảo quốc phòng an ninh trong nhiệm kỳ 2021 - 2026.
 
Thay mặt UBND tỉnh, tôi xin chúc các vị đại biểu HĐND tỉnh, các đồng chí đại biểu và cử tri tỉnh Quảng Ngãi mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.
 
Xin trân trọng cảm ơn./.

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng