Tin tức

THẢO LUẬN VỀ ĐỔI MỚI, SẮP XẾP TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

Thứ tư, 14/07/2021 - 15:24

Sáng nay, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 4 bước vào buổi làm việc cuối với sự chủ trì của Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đặng Ngọc Huy; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh.Hội nghị tiến hành thảo luận các nghị quyết của Trung ương, kế hoạch của tỉnh về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là các mô hình thí điểm và dự thảo Kết luận của Tỉnh ủy về tiếp tục tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, khắc phục sự chồng chéo và những bất hợp lý.



Thảo luận về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Ảnh: Mỹ An 
 
Qua 03 năm, việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Kế hoạch của tỉnh về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là các mô hình thí điểm đã đạt một số kết quả bước đầu. Đã thực hiện tinh giản biên chế đạt tỷ lệ 10,4%, vượt kế hoạch đề ra. Đã tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả. Đã thực hiện cơ bản mô hình bí thư hoặc phó bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã. Bước đầu thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giảm 01 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 11 đơn vị hành chính cấp xã. Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm 15,47% so với số lượng đơn vị năm 2015, vượt kế hoạch đề ra. Các đơn vị sự nghiệp công lập về cơ bản đã từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, tăng tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính của đơn vị.

Thảo luận về nội dung này, nhiều đại biểu cho rằng, quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, kế hoạch của tỉnh đã gặp một số khó khăn, vướng mắc. Về sáp nhập các xã, huyện, các đại biểu cho rằng, sau khi sáp nhập, trụ sở làm việc hiện chưa đảm bảo nên các cơ quan được hợp nhất chưa có điều kiện để tổ chức làm việc tại một địa điểm. Chế độ, chính sách cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố còn bất cập. Việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân còn nhiều khó khăn.

Các đại biểu cho rằng, việc thực hiện thí điểm hợp nhất các cơ quan khối Nhà nước và khối Đảng cấp huyện có chức năng tương đồng còn mang tính cơ học, chỉ giảm số lượng người đứng đầu. Phương thức, thủ tục, quy trình hoạt động nghiệp vụ của cơ quan khối Đảng với cơ quan chính quyền có nhiều điểm khác nhau dẫn đến nhiều khó khăn, lúng túng trong điều hành công việc. Nguyên nhân do hệ thống pháp luật, văn bản hướng dẫn chưa đồng bộ.

Làm rõ hơn những bất cập trên, theo ông Trà Thanh Danh, Chánh Thanh tra tỉnh thì nguyên nhân chính là trong đề án của các địa phương chưa làm rõ cách thức vận hành khi sáp nhập, chưa trở thành quy phạm mà phụ thuộc quá nhiều người thủ trưởng. Một vấn đề quan trọng là phải có liên thông nghiệp vụ. Kiểm tra viên cần học nghiệp vụ thanh tra và ngược lại để linh hoạt phân công nhiệm vụ ở 2 mảng công việc thanh tra, kiểm tra. Thế nhưng, thực tế đến nay vẫn chưa thực hiện. Quan sát một số địa phương thực hiện sáp nhập, có địa phương hoạt động hiệu quả, có địa phương chưa tốt. Từ đó, ông Danh rút ra 3 vấn đề quan trọng để khi sáp nhập đạt hiệu quả là cách thức tổ chức vận hành; lựa chọn con người và sự quan tâm đúng mức, đẩy đủ, kịp thời của cấp ủy.

Các đại biểu cho rằng, việc đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là rất khó vì tác động trực tiếp đến quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, cần phải kiên trì và tiếp tục thực hiện theo chủ trương, nghị quyết của Trung ương để mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương sau khi sáp nhập hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.

 
Tăng Thư
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng