Tin tức

Thương hiệu gạo ST25 liệu có bị mất vĩnh viễn?

Thứ bảy, 24/04/2021 - 14:38

Những ngày qua, thông tin gạo ST25 của doanh nghiệp Việt Nam bị mất thương hiệu do nhiều doanh nghiệp nước ngoài sử dụng tên này để đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ, gây xôn xao dư luận, bởi một lần nữa một đặc sản của Việt Nam lại bị “đánh cắp” thương hiệu. Tạo nên giống gạo ST25 ngon nhất thế giới đã khó, giữ thương hiệu này trong cuộc chơi toàn cầu giờ còn khó hơn cho doanh nghiệp Việt Nam.



Giống gạo ST25 ngon nhất thế giới.
 
Gạo ST25 “dậy sóng” khi có thông tin 4 doanh nghiệp nước ngoài (người Mỹ gốc Việt) sử dụng tên này để đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ, thông qua Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO). Tuy nhiên đến nay, chưa doanh nghiệp nào được phía Hoa Kỳ chấp thuận.

Theo nhiều chuyên gia, giống lúa ST25 mới là sản phẩm được đăng ký bảo hộ, còn sản phẩm gạo ST25 là loại sản phẩm có tên gọi chung được sản xuất từ giống lúa ST25 nên không được bảo hộ, tại Mỹ hay Việt Nam cũng như các quốc gia khác.

GS.TS. Bùi Chí Bửu – Nguyên Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam, nói:Ở đây chúng ta phân biệt là 2 loại 1 là sở hữu về giống, 2 là sở hữu về thương mại. Thì nếu nói về giống thì ST 24, ST 25 được Bộ công nhận đặc cách phục vụ cho nhu cầu cho Doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu, về giống thì anh Hồ Quang Cua hoàn toàn có quyền sở hữu về giống vì Việt Nam là thành viên của USPTO.
 
Từ phân tích của các chuyên gia cho thấy, sẽ không có chuyện mất thương hiệu gạo ST25 và doanh nghiệp Việt Nam không xuất khẩu được loại gạo này vào thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, dưới góc độ khác, một số chuyên gia thương mại cho rằng việc doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 cũng có thể gây nguy cơ cho việc xuất khẩu gạo của doanh nghiệp Việt Nam.
 
Luật sư Nguyễn Thành Tựu – Công ty Luật Nguyễn và Cộng sự, TP.HCM, nói: Nếu Việt Nam không đăng ký mà các nhà nhập khẩu nước ngoài nhận ra thị trường của ST 24, ST 25 tại Mỹ có tiềm năng thì họ đăng ký thì khả năng sau khi được cấp bằng ST25 Việt Nam cấp đi Mỹ có thể sẽ phải được sự đồng ý của thương nhân Mỹ.

 

Câu chuyện gạo ST 25 cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam còn rất bị động trong vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu.
 
Được biết, thời gian chờ xét duyệt công nhận sở hữu cho một nhãn hiệu thường khoảng 18 tháng, quá thời gian này mà không có khiếu kiện, cơ quan chứng nhận của Hoa Kỳ sẽ cấp bảo hộ thương hiệu cho nhãn hiệu đó.
 
Trước việc doanh nghiệp nước ngoài đã có động thái đi trước trong việc “giành” thương hiệu gạo ST25, việc doanh nghiệp Việt Nam đòi lại thương hiệu gạo ST25 là cần thiết và cần hết sức khẩn trương.
 
Ông Hồ Quang Trí – Giám đốc DNTN Hồ Quang Trí (chủ bằng bảo hộ thương hiệu giống lúa ST25, cho biết: Bây giờ giống thì bảo hộ , Bộ Nông nghiệp đã cấp bằng rồi còn gạo là sản phẩm của quốc gia, thì việc đăng ký bảo hộ, Bộ Nông nghiệp hay ai đứng ra bảo hộ đăng ký chứ doanh nghiệp tư nhân làm sao đăng ký được.
 
-Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN,nói: Chủ sở hữu giống lúa phải là người đầu tiên để có sự quan tâm làm sao để có được căn cứ pháp lý đầy đủ, thông tin cụ thể để thực hiện các biện pháp cần thiết trước cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ.
 
Các thông tin liên quan gạo ST25 bị doanh nghiệp nước ngoài “đánh cắp” thương hiệu đang được tìm hiểu cặn kẽ hơn, cũng như việc liệu thương hiệu gạo ST25 có bị mất vĩnh viễn hay không cũng còn nhiều lý giải khác nhau. Tuy nhiên, câu chuyện lần này một lần nữa cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất bị động trong vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu.

 
Hương Giang – Anh Văn – Phúc Kiên
 
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng