Tin tức

Tính chủ động, sáng tạo của người dân là yếu tố then chốt để thoát nghèo bền vững

Thứ ba, 20/04/2021 - 21:14

Thoát nghèo nằm chính trong nhận thức và khả năng phát huy nội lực của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình. Khi người dân không còn trông chờ, ỷ lại, chủ động, chăm chỉ làm ăn, thì khả năng thoát nghèo mới bền vững. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên nhấn mạnh tại cuộc họp chiều nay về bàn, cho ý kiến dự thảo báo cáo Tổng kết thực hiện Kết luận 31 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ ba, khóa XIX về đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững ở 6 huyện miền núi giai đoạn 2016-2020.

 

Họp cho ý kiến dự thảo báo cáo Tổng kết thực hiện Kết luận 31. Ảnh Ngọc Điệp

Giai đoạn 2016-2020, từ nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu Quốc gia và ngân sách địa phương, tỉnh Quảng Ngãi đầu tư hơn 7.400 tỉ đồng cho các huyện miền núi để xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách, đề án hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Đề án thực hiện thí điểm Chính sách khuyến khích hộ nghèo tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị để tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo tại 02 huyện Sơn Tây và Tây Trà cũ. Việc khen thưởng kịp thời các hộ thoát nghèo đã góp phần phát động phong trào thi đua lao động sản xuất trong cộng đồng dân cư, giúp những hộ thoát nghèo bền vững không còn nguy cơ tái nghèo. Qua 05 năm thực hiện Kết luận 31, tỉ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi giảm từ 46,76% xuống còn 22,01%. Bình quân mỗi năm giảm 4,95% hộ nghèo, vượt chỉ tiêu Kết luận 31 đề ra. Đến cuối năm 2020 có 08 xã đạt tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, 01 huyện thoát nghèo, 02 xã và 07 thôn đặc biệt khó khăn được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020. Các huyện miền núi đã thực hiện đạt 11/15 tiêu chí theo Kết luận 31.
 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên phát biểu. Ảnh: Ngọc Điệp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên cơ bản thống nhất về nội dung của dự thảo báo cáo Tổng kết thực hiện Kết luận 31 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ ba, khóa XIX về đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, giảm nghèo bền vững ở 6 huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chủ trì soạn thảo cần ra soát, sắp xếp lại bố cục cho hợp lí. Đánh giá lại toàn bộ kết quả đạt được trong 05 năm, sau đó là đến phần tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và giải pháp thời gian đến. Trên cơ sở ý kiến, đề xuất của các sở, ngành và địa phương cơ quan soạn thảo tiếp thu, nghiên cứu thay đổi một số cơ chế hỗ trợ, khuyến khích người dân phát huy nội lực, vươn lên thoát nghèo. Lưu ý, cơ chế, chính sách phải phù hợp với địa phương làm thế nào tạo động lực để người dân chủ động sáng tạo vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Trong phần giải pháp thực hiện thời gian đến phải bổ sung nội dung trồng cây xanh giữ đất, giữ nguồn nước, có cơ chế hỗ trợ để người dân phát triển rừng cộng đồng, tạo cảnh quan phát triển du lịch ở miền núi. Tiếp tục giao đất, giao rừng, trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc tăng tỉ lệ che phủ rừng; chính sách hỗ trợ, khuyến khích trồng cây gỗ lớn, gỗ quý có giá trị kinh tế cao để từng bước thay thế cây keo, phát huy hiệu quả kinh tế từ rừng một cách bền vững./.
Tiến Công

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng