Tin tức

Nghị quyết 52- Chìa khoá thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

Thứ sáu, 22/01/2021 - 15:18

Thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới với những thay đổi vô cùng nhanh chóng mà trong đó chuyển đổi số đang trở thành động lực lớn nhất đem lại sự đột phá mạnh mẽ. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong Nghị quyết 52/NQ-TW của Bộ Chính trị - nghị quyết toàn diện, tổng thể đầu tiên của Trung ương Đảng về chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0, từ đó xác định bước đi và lộ trình phù hợp tạo cơ hội để Việt Nam bứt phá phát tiển kinh tế - xã hội. Nhờ sự dẫn dắt từ đường lối của Đảng, những chủ trương của Nghị quyết 52 đi vào cuộc sống đã mang đến những bước chuyển biến rõ rệt, là chìa khóa thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, trong thời gian qua.

 

Năm 2020 là năm Việt Nam khởi động chuyển đổi số quốc gia
 
Năm 2020 là năm Việt Nam khởi động chuyển đổi số quốc gia. Xét trên bình diện quốc gia, Việt Nam nằm trong số những nước top đầu Đông Nam Á có một chương trình chuyên đề về chuyển đổi số. “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/6/2020 đã hiện thực hóa chủ trương Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị. Ngay sau đó, Bộ Thông tin Truyền thông đã ban hành Khung về chuyển đổi số. Cho đến nay, đã có gần 30 bộ ngành, địa phương lập kế hoạch chương trình chuyển đổi số.
 

Ông Vũ Trọng Quế - Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Nam Định
 
Ông Vũ Trọng Quế - Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Nam Định, nói: Về xây dựng Chính phủ điện tử chúng tôi đã hoàn thành. Có 2 điểm nổi bật là phần mềm quản lý hồ sơ công việc và chữ ký số cài đặt từ cấp tỉnh đến xã, hầu hết tất cả các cán bộ đã triển khai, mở rộng ra các cơ quan Đảng, đoàn thể, nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh.

 
 
Bao trùm lên các "đô thị thông minh" và chính quyền điện tử ở các địa phương, hệ thống Chính phủ điện tử cũng đang được triển khai mạnh mẽ. Các thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia ngày càng được mở rộng, giúp doanh nghiệp tiết kiệm không ít thời gian và chi phí thực hiện. Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia tích hợp, chia sẻ dữ liệu báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước; tổng hợp phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Năm 2020, áp lực từ dịch bệnh Covid-19 đã tạo ra “thói quen số” cho ngày càng nhiều cán bộ, người dân và cũng là dịp để các Doanh nghiệp công nghệ trong nước thử sức, gia tăng trình độ và sức ảnh hưởng.

 

Ông Nguyễn Huy Dũng – Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông
 
Ông Nguyễn Huy Dũng – Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông, cho biết: Năm 2020 có sự tăng trưởng đột phá về các nền tảng số made in Việt Nam được đông đảo người dùng sử dụng. Đến nay, Bộ TT&TT đã rà soát khoảng gần 200 nền tảng, giải pháp khác nhau và đã lựa chọn và ra mắt hơn 30 nền tảng công nghệ số. Chuyển đổi số là một hành trình. Để đo xem mỗi cơ quan, tổ chức đã đi bao xa trên hành trình đó, và có đi đúng hướng không, Bộ TT&TT mới đây cũng đã ban hành bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của các cơ quan, tổ chức nhà nước.

 

Bà Trần Thị Lan Hương – Chuyên gia Quản trị công cao cấp, Ngân hàng thế giới
 
Bà Trần Thị Lan Hương – Chuyên gia Quản trị công cao cấp, Ngân hàng thế giới, nói: Để đo lường hiệu quả Chính phủ cần xác định ưu tiên mục tiêu của chuyển đổi số là gì, mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Và hiện nay Chính phủ các bộ ngành đã có nguồn dữ liệu tận dụng để đánh giá mức độ chuyển đổi số rồi.
 
 
Ra đời từ thàng 9/2019, đến nay sau gần một năm triển khai Nghị quyết 52, công tác hoàn thiện thể chế đã đạt được một số kết quả bước đầu, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo cũng như quá trình chuyển đổi số. Tuy vậy, trong thời gian tới, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của Nhà nước trong việc hình thành các cơ chế mẫu, từ đó tạo ra bước ngoặt tích cực để thúc đẩy nhanh và mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số quốc gia./.

 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng