Tin tức

75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên

Thứ tư, 06/01/2021 - 09:08

Ngày 2/9/1945, trên quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tuy vậy, Nhà nước đó, xét về mặt pháp lý lẫn phương diện tổ chức bộ máy, vẫn chưa phải là một nhà nước hoàn chỉnh. Để bảo đảm tính pháp lý và uy tín trước toàn thể nhân dân và thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: "Phải bầu ngay Quốc hội, càng sớm càng tốt. Bên trong thì nhân dân tin tưởng vào chế độ mình. Trước thế giới, Quốc hội do dân bầu ra sẽ có một giá trị pháp lý không ai có thể phủ nhận được".

 

 
Và ngày này đúng 75 năm trước - đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu mốc quan trọng – lần đầu tiên người dân Việt Nam được đi bầu cử, được thụ hưởng quyền dân chủ đầu tiên với tư cách công dân một nước độc lập.
 

Ông Dương Xuân Thâu.

75 năm trước, may mắn, vinh dự, tự hào ông Dương Xuân Thâu vừa tròn 18 tuổi - đủ tuổi để lần đầu tiên được thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của một nước độc lập - quyền bầu cử. Ông còn nhớ như in hình ảnh khắp các nơi trong thành phố, người người, nhà nhà bàn về chuyện bầu cử, “bầu cho ai”, “họ có những thành tích gì”, “họ sống có tình, có nghĩa với dân ra sao”, “bầu cho họ thì dân có lợi như thế nào”. Ông Dương Xuân Thâu, Thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, kể: ”4h30 sáng đã có trống, chiêng, cờ khí, cờ tưng bừng rực rỡ và dậy chuẩn bị đi bầu cử như chuẩn bị việc gì lớn trong gia đình, không ai bảo ai nhưng gia đình nào cũng chuẩn bị sẵn sàng, nét mặt của từng người sung sướng, hồi hộp”.
 
GS sử học Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam và Khoa học phát triển, nói: ”Cuộc bầu cử này với lá phiếu trong tay, từng người dân Việt Nam đi bầu, họ tự khẳng định họ đã bước ra từ người thuộc dân phong kiến, lệ thuộc dưới chế độ thực dân trở thành người công dân của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngang với công dân của tất cả các nước cộng hòa trên thế giới”.
 
Trong không khí hồ hởi, phấn khởi ấy, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã diễn ra thắng lợi. Quốc hội khóa I, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã chính thức ra đời từ sự lựa chọn dân chủ, bình đẳng, tự do của tất cả công dân Việt Nam. Cả nước bầu được 333 đại biểu Quốc hội, trong đó có 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu là phụ nữ và 34 đại biểu là người các dân tộc thiểu số.
 

GS.TSKH Vũ Minh Giang – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nói: ”Không chỉ thể hiện sự tôn trọng nhân dân, quyền làm chủ của nhân dân đối với chính quyền của nhân dân mà còn là tính hợp hiến hợp pháp – là tiêu chí quốc tế, để quốc tế thừa nhận. Và chúng ta thử hình dung xem, sau khi giành chính quyền nếu không có việc tổng tuyển cử cả nước thì liệu có thể có những nước trên thế giới công nhận chúng ta không”.
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Tất cả đại biểu Quốc hội hứa với đồng bào là được cử vào Quốc hội để làm đại biểu Quốc hội không phải là để làm quan, không phải là để ngồi trên ăn trốc mà là người đầy tớ tuyệt đối trung thành của đồng bào”. Lời hứa đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là tiếng lòng của các đại biểu Quốc hội được dân tin, dân chọn trong suốt 75 năm qua. Một trong 7 tiêu chí cần có của đại biểu Quốc hội hiện nay theo Luật Tổ chức Quốc hội cũng đã quy định rõ: Đại biểu Quốc hội phải có liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
 

Ông Phạm Tất Thắng - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV.

Ông Phạm Tất Thắng - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV, nói: ”Đại biểu quốc hội phải tăng cường kỹ năng hoạt động của mình để giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đã được Quốc hội thông qua để đảm bảo các chính sách pháp luật đó được đi vào đời sống, đó cũng là để phát huy quyền làm chủ của người dân và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội. Như thế quyền của người dân, vị thế của người dân được nâng cao”.
 
Từ nhân dân mà có và vì nhân dân mà hoạt động, đó là bản chất nhưng đồng thời cũng là tôn chỉ hoạt động ngay từ những ngày đầu thành lập và cần được gìn giữ, phát huy trong thời điểm hiện nay, nhất là khi Quốc hội sắp bước sang một nhiệm kỳ mới để hoạt động của Quốc hội đáp ứng tốt hơn mong mỏi, tâm nguyện của cử tri và nhân dân./.
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng