Tin tức

Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)

Thứ sáu, 13/11/2020 - 15:23

Tiếp tục Kỳ họp thứ 10, sáng 13/11, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

 

Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)
 
Để khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi đã cụ thể hóa ba nhóm chính sách được Chính phủ thông qua trong đề nghị xây dựng dự án Luật. Cụ thể, 3 nhóm chính sách của dự án Luật được đề xuất gồm: Quy định cơ chế quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; Xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc và khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện tự nguyện; Xây dựng quy định về phòng, chống ma túy bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tại hội trường, nhiều đại biểu nêu lên thực tiễn thời gian cho thấy một số bất cập, hạn chế nổi bật như quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Số người sử dụng trái phép chất ma túy trong những năm vừa qua ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn về việc phân định giữa người sử dụng và người nghiện ma túy.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), nêu ý kiến: "Theo ý kiến của các cơ quan chuyên môn thì sử dụng ma túy một vài lần này có thể gây nghiện và đồng thời cũng sẽ không thể trả lời chính xác các câu hỏi là sử dụng ma túy bao nhiêu lần thì nghiện. Và chính vì vậy trên thực tế, những người sử dụng ma túy trong một thời gian khá dài nhưng chưa rơi vào tình trạng nghiện, chưa bị lệ thuộc vào ma túy. Nhưng bên cạnh đó thì có những người sử dụng ma túy vài lần đã thành nghiện. Việc xét nghiệm cho kết quả dương tính với ma túy thì đó chỉ là cơ sở kết luận người đó có sử dụng ma túy chứ không phải là cơ sở kết luận người đó nghiện ma túy. Và chính vì vậy việc phân định chính xác kiểu người này để có biện pháp tương ứng về mặt pháp luật là rất cần thiết, rất quan trọng, đối tượng nào thì biện pháp đó.

Cũng tại hội trường, các đại biểu nhấn mạnh việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) là yêu cầu cấp thiết, khách quan để thể chế hóa quan điểm của Đảng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.

Một số đại biểu nhấn mạnh, dự thảo Luật cần quy định chi tiết, cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy. Trong đó, lực lượng nòng cốt trong phòng, chống tội phạm về ma túy là lực lượng Công an nhân dân có trách nhiệm “chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện các hoạt động ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy”.

Các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (thuộc Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quan), trong khu vực, địa bàn quản lý được giao quyền chủ động nhưng đồng thời cần phối hợp với nhau thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến ma túy./.

 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng