Tin tức

Nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Thứ hai, 12/10/2020 - 10:19

Do Việt Nam không sản xuất được các thuốc bảo vệ thực vật và gần như phải nhập khẩu nên trong 10 năm gần đây, lượng thuốc bảo vệ thực vật toàn quốc nhập khẩu dao động từ 70.000-100.000 tấn mỗi năm. Điều này dấy lên một lo ngại về việc sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia thì công tác quản lý và phân phối mặt hàng này vẫn được thực hiện một cách nghiêm ngặt.

 

Công nhân hái chè ở Thái Nguyên.

Hợp tác xã chè Thịnh An, một trong những đơn vị sản xuất chè có tiếng tại tỉnh Thái Nguyên. Theo bà con xã viên, để các sản phẩm khi ra đến thị trường có chất lượng thì ngoài việc đầu tư chăm bón cho cây trồng, quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng là một trong những khâu thiết yếu. Tuy nhiên quá trình này vẫn luôn được bà con kiểm soát tốt và không có việc sử dụng tuỳ tiện.

Chị Vũ Phương Huyền Đại diện Hợp tác xã chè Thịnh An, nói: ”Điều lưu ý đầu tiên là thuốc phải trong danh mục được phép sử dụng. Thứ 2 là đôi lúc người bán cũng tư vấn là thuốc cho lúa cũng dùng được cho chè và thuốc phun cho chè cũng phải là thuốc VietGap. Danh mục thuốc cũng được cơ quan bảo vệ thực vật và khuyến nông cung cấp thường xuyên”.
 
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay, ý thức của bà con nông dân đối với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã có những thay đổi rõ rệt, tích cực và chủ động hơn.
 
Tại nhiều tỉnh thành và các vùng chuyên canh việc hướng dẫn, phân loại và quản lý các sản phẩm này luôn được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Đặc biệt là quá trình kiểm soát chất lượng và xuất xứ của thuốc.
 

 Kiểm tra, kiểm soát chất lượng và xuất xứ của thuốc bảo vệ thực vật.

Điều này đã mang lại những lợi thế không nhỏ đối với người nông dân trong quá trình sản xuất. Dù nhận thức của người dân đã thay đổi theo hướng tích cực nhưng do nhu cầu sản xuất phát triển nên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng theo. Do đó ngoài việc đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền thì nhà nước nên có những chính sách đầu tư phát triển các sản phẩm sinh học công nghệ cao để tránh sự phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật.
 
GS-TS Nguyễn Lân Dũng, nhấn mạnh: ”Chúng ta có thể tự túc được vacxin đó là một thành công của sinh học Việt Nam nhưng còn có nhiều ngành công nghệ sinh học khác, hàng trăm sản phẩm khác cần phải phát triển. Giờ dân số gần 100 triệu dân, nhu cầu về các sản phẩm sinh học rất lớn nên phải coi công nghệ sinh học là mũi nhọn”.
 
Nông sản Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức khi vươn ra thị trường quốc tế bởi hạn chế ở năng lực chế biến, không có nhiều sản phẩm thương hiệu. Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng là một trong những trở ngại lớn, do đó việc kiểm soát tốt quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từng bước thay thế bằng các sản phẩm sinh học công nghệ trong quy trình chế biến sản xuất sẽ là tiền đề quan trọng nhằm nâng cao giá trị cho nông sản Việt Nam./.

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng