Tin tức

Cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ 90 năm trước

Thứ tư, 07/10/2020 - 21:54

Cách đây 90 năm, tại huyện Đức Phổ vào rạng sáng ngày 08/10/1930, đoàn biểu tình hơn 5.000 người dưới sự lãnh đạo có tổ chức của Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã xông vào Huyện đường Đức Phổ đốt công văn, hồ sơ, thu giữ ấn tín, giải phóng tù nhân trong trại giam, treo cờ, rải truyền đơn. Đoàn người đã làm chủ Huyện đường, tạo nên một sự kiện lịch sử có tiếng vang lớn, đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những đỉnh cao của phong trào cách mạng 1930-1931 trong cả nước. Cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ là một cuộc nổi dậy táo bạo và đầy sáng tạo của Tỉnh ủy và nhân dân Quảng Ngãi, bởi rút được kinh nghiệm từ các cuộc biểu tình lớn đang diễn ra ở một số tỉnh, thành khác trong nước, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã biểu tình không để đổ máu mà vẫn đạt được những mục tiêu chính.


Vào thời điểm năm 1930, Huyện đường là nơi làm việc của viên tri huyện và thuộc cấp trong chế độ thực dân - phong kiến.

Tháng 3 năm 1930, Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi được thành lập. Đồng chí Nguyễn Nghiêm làm Bí thư Tỉnh ủy, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Tháng 4 năm đó, Chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Đức Phổ cũng hình thành, do đồng chí Nguyễn Suyền làm Bí thư.

Cuối tháng 9/1930,  Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức hội nghị bàn việc đấu tranh, chia lửa với Xô viết Nghệ Tĩnh. Hội nghị nhất trí chọn Đức Phổ, nơi có cơ sở của Tỉnh ủy đóng và phong trào quần chúng đang mạnh nên mở đầu cho đợt đấu tranh để rút kinh nghiệm mở rộng ra nhiều nơi trong tỉnh.

 

Thực hiện kế hoạch đã thống nhất, tối ngày 07/10/1930, nhân dân các xã Phổ Phong, Phổ Văn, Phổ Thuận, Phổ Nhơn, Phổ Ninh, Phổ Minh cùng nhân dân một số nơi khác tập trung về Gò Cây Thị (thôn Lộ Bàn, xã Phổ Ninh) làm điểm tập kết dự cuộc mít tinh. Tại đây, đại diện Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã diễn thuyết, vạch trần tội ác thực dân, phong kiến, tuyên truyền đường lối của Đảng và cổ vũ tinh thần quần chúng.
 

Ngay sau cuộc mít tinh, quần chúng tập hợp thành cuộc biểu tình bừng bừng khí thế tiến về huyện lỵ Đức Phổ.  Gần sáng, đoàn biểu tình đến huyện lỵ Đức Phổ. Hoảng sợ trước khí thế quần chúng, tri huyện Nguyễn Phan Lang cùng toàn bộ lính tráng, lại mục chạy trốn. Những người biểu tình xông vào huyện đường, đốt công văn, giấy tờ, hồ sơ, thả tù, treo cờ búa liềm... Nhân dân đã làm chủ huyện lỵ nhiều giờ và kéo nhau đi biểu tình thị uy xung quanh thị trấn Đức Phổ, đến 7 giờ cùng ngày đoàn người tự giải tán.

Địch lúng túng đối phó. Mãi đến 10 giờ trưa, bọn lính Pháp từ thị xã Quảng Ngãi, có 2 xe ô tô hộ tống, do tên Công sứ Đốt và Chánh mật thám Pharê chỉ huy, mới vào đến huyện lỵ. Chúng chỉ còn biết chứng kiến cảnh đổ nát ở huyện đường và lá cờ đỏ búa liềm tung bay trên cột cờ.

Mục tiêu chính của cuộc biểu tình:

Biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ là cuộc đấu tranh rèn luyện quần chúng, đảng viên, cán bộ tinh thần cách mạng, ý thức dân tộc và giác ngộ giai cấp; đấu tranh thực hiện mục tiêu độc lập, tự do; đấu tranh đòi quyền lợi trước mắt như xóa bỏ sưu và các thứ thuế vô lý, nhất là thuế đinh, vạch trần sự tàn ác. Trong cuộc biểu tình, vũ lực được hạn chế, chỉ dùng để ngăn chặn những kẻ trực tiếp chống lại cuộc biểu tình. Một trong những vấn đề hàng đầu của một cuộc đấu tranh là đảm bảo an toàn tính mạng của quần chúng.

Những bài học từ cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ ngày 08/10/1930:

Về tổ chức, lãnh đạo: Đoàn biểu biểu có sự tổ chức rất chặt chẽ của Tỉnh ủy. Lúc khởi hành đoàn biểu tình có trên 3 ngàn người, nhưng khi đi qua các làng, mỗi lúc, mỗi nơi đoàn lại lôi cuốn thêm rất đông người vào cuộc, nên lên đến trên 5 ngàn người, tạo khí thế cách mạng sôi sục.

Về nghệ thuật chỉ đạo tiến hành và kết thúc cuộc biểu tình một cách đầy sáng tạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi:

Trên cơ sở phân tích tình hình, so sánh lực lượng giữa ta và địch,  Tỉnh ủy Quảng Ngãi đánh giá lúc này không thể đấu tranh chiếm chính quyền trong thời gian lâu dài. Vì thế, tranh thủ kết thúc cuộc đấu tranh ngay trong buổi sáng diễn ra cuộc biểu tình để đạt được mục đích. Để tránh thiệt hại, các ngả đường vào huyện Đức Phổ, Tỉnh ủy tổ chức cho người dân chặt ngã nhiều cây ở ven đường để chặn đứng quân địch không cho chúng kéo vào huyện lỵ Đức Phổ đàn áp cuộc biểu tình.

Dù tổ chức Đảng còn non trẻ, mới vừa thành lập,  nhưng Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã tổ chức được cuộc biểu tình diễn ra với một quy mô lớn và quy củ.

Rút kinh nghiệm từ các cuộc biểu tình lớn đang diễn ra ở một số tỉnh, thành khác trong nước, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã đầy sáng tạo khi tổ chức một cuộc biểu tình không để đổ máu, và đạt được những mục tiêu chính. Cuộc biểu tình này, chính kẻ thù cũng phải thừa nhận rằng những người lãnh đạo cuộc biểu tình có một uy tín lớn trong nhân dân và có trình độ tổ chức rất cao. Từ đó, Quảng Ngãi trở thành một trong những đỉnh cao của phong trào cách mạng 1930-1931 trong cả nước./.
Anh Tuấn

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng