Tin tức

Người đứng đầu phải trách nhiệm nếu để tội phạm và buôn lậu diễn biến phức tạp

Thứ năm, 23/07/2020 - 17:38

Sáng nay (23/7), phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để tội phạm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả xảy ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu.

 
Điểm cầu Quảng Ngãi. Ảnh: Phúc Hảo

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ rõ: Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phòng, chống tội phạm và chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy chế, quy trình công tác, có biểu hiện bao che, thậm chí có trường hợp bảo kê cho tội phạm, vi phạm pháp luật, tham nhũng khi thi hành công vụ.
 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Ảnh: Phúc Hảo

Để công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới có được chuyển biến căn bản hơn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình lưu ý các bộ, ngành và địa phương tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Kiểm điểm nghiêm túc người đứng đầu nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để tội phạm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả xảy ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng; Loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Làm tốt công tác nắm và dự báo tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước xảy ra 23.465 vụ xâm phạm trật tự, an toàn xã hội, giảm 8,4% so với cùng kỳ 2019. Các lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá 19.720 vụ tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, bắt hơn 45 ngàn đối tượng, nhất là đấu tranh, triệt phá nhiều băng nhóm hoạt động liên quan đến tín dụng đen. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả cũng được triển khai quyết liệt, đã phát hiện, xử lí 75.264 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước 11.291 tỉ đồng, khởi tố 1.128 vụ và 1.346 đối tượng./.
Tiến Công
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng