Tin tức

Từng bước khôi phục nền kinh tế sau dịch COVID-19

Thứ hai, 15/06/2020 - 15:41

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, sáng nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước. Thành viên Chính phủ phát biểu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

 

Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước. 

Cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các giải pháp khôi phục nền kinh tế sau dịch, các đại biểu đều đánh giá cao sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ với những giải pháp cụ thể đã đem lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch, được thế giới ghi nhận, tạo niềm tin với cử tri và nhân dân cả nước.
 

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu.
 
Nhận định về tình hình dịch ở trong nước cũng như thế giới, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đánh giá: Với chỉ đạo chung của hệ thống chính trị, Việt Nam đã kiểm soát tốt tổng số người nhiễm ở mức chưa bao giờ đạt nghìn người, đến nay là trên 300 người, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 1.000 người khi thế giới công bố dịch.

 

Dự báo đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm nay nhiều khả năng giảm.
 
Đại biểu cho rằng, Việt Nam có  quan hệ kinh tế với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng chỉ có 17 nền kinh tế là đối tác quan trọng nhất. 17 quốc gia và vùng lãnh thổ này quyết định 90 % đầu tư nước ngoài 80 % thương mại quốc tế và 80 % khách du lịch Việt Nam. Vì vậy, đại biểu đề nghị Việt Nam cần giám sát và lập trình mở cửa với 17 nền kinh tế này theo lộ trình thỏa thuận hai bên một cách thận trọng. Dự báo đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm nay nhiều khả năng giảm 30 % so với năm 2019, thương mại quốc tế giảm 18 % và du lịch giảm 50 % từ đó Việt Nam cần có điều chỉnh phù hợp. Về giải pháp, ông Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị, Việt Nam cần công bố hết dịch ở trong nước với 3 tiêu chí: Một là tỷ lệ người nhiễm trên 1 triệu dân không quá 5 người; thực tế tỷ lệ này là 3,4 người trên 1 triệu dân; thứ hai, tỷ lệ người đang phải điều trị không quá 1 người trên 1 triệu dân; thực tế chỉ là 0,2 người trên 1 triệu dân; thứ ba, đến nay Việt Nam không có người chết.
 
 Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu.
 
Giải trình một số vấn đề trong lĩnh vực công thương, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu là những động lực để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020. Vừa qua, Việt Nam đã thực hiện hàng loạt biện pháp thay đổi mới như sử dụng các hình thức trực tuyến, tăng cường thương mại điện tử và đây cũng đã trở thành một trong những nền tảng trọng tâm nền tảng trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.
 
Hiện Việt Nam đã tập trung kích cầu tiêu dùng trong nước gắn với đẩy nhanh tái cơ cấu thị trường trong nước và phát triển thương mại điện tử. Bộ Công thương cũng đã có đề xuất kích cầu trong nước giai đoạn mới khi mà Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, trong đó đề án phát triển nền tảng ứng dụng thương mại điện tử thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất, các nhà phân phối để kết nối với thị trường cũng là trọng tâm của năm 2020../.
 
                                                                                 Thu Phương

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng