Tin tức

Sẽ kiểm tra đột xuất lĩnh vực bảo vệ môi trường

Thứ năm, 11/06/2020 - 08:32

Hôm nay 11/6, kỳ hop thứ 9 Quốc hội khóa XIV sẽ thảo luận cho ý kiến về Dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi. So với Luật hiện hành, Dự thảo Luật này đã sửa đổi khá toàn diện trên nền tảng phát triển bền vững, bảo vệ sức khỏe nhân dân là mục tiêu hàng đầu, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, việc thanh kiểm tra sẽ được quy định chặt chẽ, chi tiết để trở thành một trong những công cụ quản lý hữu hiệu bảo vệ môi trường.

Hàng loạt các vụ nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường được phát hiện nhờ thanh kiểm tra đột xuất… Trước thực tế nhiều doanh nghiệp kiểm tra định kỳ thì tốt mà kiểm tra đột xuất thì khác hẳn, Dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi đã quy định: việc thanh tra, kiểm tra đột xuất về bảo vệ môi trường sẽ áp dụng theo quy định đặc thù: không cần thông báo trước. Bởi nếu báo trước, sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về môi trường có thời gian đối phó, hủy bỏ chứng cứ vi phạm. Vì thế, rất nhiều ý kiến rất đồng tình với điểm mới này. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện Quốc hội nêu ý kiến: Tôi đồng ý với dự luật là thanh tra đột xuất không cần thông báo trước để việc ngăn chặn vi phạm hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cần quy định rõ người ký quyết định thanh tra, trưởng đoàn, thành viên đoàn thanh tra phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về việc thanh tra của mình.
 

Hàng loạt các vụ nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường.
 
Tuy nhiên, hiện có hai lực lượng đang làm nhiệm vụ thanh kiểm tra lĩnh vực bảo vệ môi trường là Thanh tra của ngành TN&MT và cảnh sát môi trường. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp chịu đồng thời sự thanh kiểm tra của hai lực lượng này dẫn đến sự chồng chéo, trùng lặp không cần thiết. Đại biểu Tạ Văn Hạ - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội nói: Nhiệm vụ của hai cơ quan này nếu không phân định rõ thì đúng là có sự chồng chéo, do đó, cần phải sự phối hợp của các bên. Trước hết mỗi bên thực hiện đúng chức năng, thứ hai cần sự phối hợp, trao đổi chặt chẽ giữa hai cơ quan này để thực hiện bảo vệ pháp luật về môi trường.
 

Dự thảo Luật bổ sung quy định về tần suất thanh tra bảo vệ môi trường.
 
Một điểm đáng lưu ý khác là dự thảo Luật bổ sung quy định về tần suất thanh tra bảo vệ môi trường: không quá một lần/năm đối với một tổ chức, cá nhân, riêng các đối tượng chấp hành tốt công tác bảo vệ môi trường là không quá một lần/02 năm liên tiếp, trừ trường hợp thanh tra đột xuất) để giảm phiền hà, chồng chéo cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội nêu quan điểm: Quy định với doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật về môi trường thì tần suất bị kiểm tra thanh tra giảm đi, ít đi thì tôi cho đây là 1 quy định hoàn toàn đúng đắn phù hợp, khuyến khích doanh nghiệp chấp hành tốt hơn, khuyến khích họ sẽ ứng dụng khoa học công nghệ,  biện pháp để thực hiện tốt… chính là điểm thưởng cho họ… . Điều này tiết kiệm cho cả doanh nghiệp và cơ quan kiểm tra thanh tra.
 

Nâng cao việc thanh kiểm tra góp phần vào công tác quản lý nhà nước trong lĩnh lực bảo vệ môi trường.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định cụ thể, chặt chẽ về vấn đề thanh kiểm tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là điểm mới đáng hoan nghênh của Dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi. Điều này sẽ nâng cao hiệu quả thực chất của việc thanh kiểm tra từ đó góp phần vào công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường./.
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng