Tin tức

Cần xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em

Thứ tư, 27/05/2020 - 18:56

Thảo luận về những kết quả được và tồn tại, hạn chế về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14 trong ngày hôm nay, đa số ý kiến cho rằng đã đến lúc cần có sự nhìn nhận nghiêm túc và những chương trình hành động quyết liệt hơn để xây dựng, tạo lập môi trường sống an toàn cho trẻ. Dự buổi thảo luận tại điểm cầu Quảng Ngãi có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa 14 của tỉnh Lê Viết Chữ.



Hành động quyết liệt hơn để xây dựng, tạo lập môi trường sống an toàn cho trẻ.
 
Qua giám sát cho thấy tại một số địa phương, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ chiếm tỷ lệ lớn trong các đối tượng xâm hại trẻ em và có xu hướng gia tăng như Bà Rịa - Vũng Tàu 97,29%, Phú Thọ 97%, Cà Mau 95,9%. Nghiêm trọng hơn, tại một số địa phương có những vụ việc xâm hại diễn ra gay trong gia đình với tính chất, mức độ nghiêm trọng gây bức xúc dư luận xã hội. Bà Tăng Thị Ngọc Mai, Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho rằng: Cần quan tâm ở 3 môi trường. Về môi trường gia đình, cần có giám sát chặt chẽ trách nhiệm ông bà, người thân, đồng thời bản thân trẻ phải được giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại. Về phía nhà trường, giáo viên phải được đào tạo kỹ năng cơ bản, được bồi dưỡng kỹ lưỡng những năng về quyền con người, quyền trẻ em, một số điều cấm trong khi hành nghề. Đối với môi trường xã hội, người lớn phải làm gương, xủ lý nghiêm các hành vi lệch chuẩn và truyền thông để làm cho toàn xã hội hiểu, không thể, không dám phạm tội.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang nêu ý kiến: Tạo ra  môi trường sống an toàn để mỗi trẻ em được ăn no, mặc ấm, không nghĩ đến đời sống cơm áo gạo tiền, có đời sống tình cảm trong sáng, phong phú, tập trung học tập để trở thành người có ích cho đất nước. Đây chính là nghĩa vụ và trách nhiệm của chúng ta.

 

Cùng với tạo lập môi trường an toàn cho trẻ, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật. Công tác này cần đi vào thực chất, đến từng đối tượng với những hình thức đa dạng, phù hợp với từng văn hóa vùng miền. Ông Phạm Văn Hòa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nói: Chú trọng lồng ghép nội dung truyền thông vào trong sinh hoạt của từng địa bàn ở thôn, ấp, tổ dân phố. Các phương tiên truyền thông, nhà trường phải dành thời gian, thời lượng hợp lý để tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em, nhất là kỹ năng phòng chống xâm hại.

Phiên thảo luận cũng ghi nhận sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu về công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng bởi số vụ việc và mức độ ảnh hưởng của việc xâm hại trẻ trên môi trường này. Đa số các ý kiến cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành như giáo dục, thông tin truyền thông, công an, mặt trận, đoàn thể.. để nâng cao nhận thức, trang bị những kỹ năng tự bảo vệ của trẻ trên môi trường mạng.
Huỳnh Trung

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng