Tin tức

Quốc hội thảo luận Luật Đầu tư (sửa đổi)

Thứ ba, 26/05/2020 - 17:51

Tiếp tục kỳ họp trực tuyến, lần thứ 9 Quốc hội khóa XIV, chiều nay (26.5), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp. Tham dự tại điểm cầu Quảng Ngãi có Ủy viên Trung ương Đảng-Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Viết Chữ; Phó chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phạm Thị Thu Trang, đại biểu Đinh Thị Hồng Minh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại biểu Hồ Thị Vân, Trưởng cơ quan Tổ chức và Nội vụ huyện Trà Bồng, cùng lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi.

 

 Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Trong phiên làm việc chiều nay, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Điểm đáng chú ý là tại Dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung một số quy định liên quan cơ chế kiểm soát, giám sát ngành, nghề đầu tư kinh doanh và điều kiện đầu tư kinh doanh; đồng thời đưa ra những tiêu chí rõ ràng đối với việc bãi bỏ ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Theo Dự thảo Luật lần này, cơ quan soạn thảo đề xuất bãi bỏ 11 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 7 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.

Việc bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được xem xét dựa trên 4 tiêu chí. Một là các ngành nghề không liên quan trực tiếp hoặc không chứng minh được có ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội cũng như sức khỏe cộng đồng. Hai là các ngành, nghề đã được quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật. Ba là các ngành, nghề mà chất lượng đầu ra của ngành nghề đó do thị trường, khách hàng lựa chọn, sàng lọc và quyết định, không cần thiết quản lý bằng điều kiện kinh doanh. Cuối cùng là các ngành, nghề cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích có thể kiểm soát thông qua đấu thầu, đặt hàng của Nhà nước.

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư, hầu hết các đại biểu đều cơ bản đồng tình với báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Dự thảo Luật. Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cần giữ nguyên phụ lục 1,2 và 3 Điều 6 về cấm đầu tư ngành nghề kinh doanh. Vì đây là những nội dung quan trọng liên quan đến quyền con người và quyền của công dân.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, đoàn An Giang cho rằng, để khắc phục tình trạng nhà đầu tư nước ngoài tự tìm hiểu, tự tra cứu các nội dung từ các văn bản cam kết, các điều luật đặt ra ở Việt Nam sẽ phát sinh ra nhiều bất cập, mất nhiều thời gian của nhà đầu tư. Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài sớm tiếp cận với việc đầu tư tại Việt Nam.

 Ngày mai (27. 5), kỳ họp tiếp tục làm việc. Quốc hội sẽ nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
 Thiện Hòa

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng