Tin tức

Ba Tơ ưu tiên nguồn lực cho công tác giảm nghèo

Thứ năm, 28/05/2020 - 08:51

Những năm qua, cùng với các chính sách dự án đầu tư, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, xã nghèo, huyện Ba Tơ đã huy động mọi nguồn lực hiện mục tiêu giảm nghèo theo đúng kế hoạch đề ra. Giai đoạn 2015-2020, bình quân mỗi năm huyện Ba Tơ giảm 5,4% hộ nghèo, là một trong những huyện miền núi được đánh giá có tỷ lệ giảm nghèo hàng năm cao nhất.


  Ngôi nhà mới nhà khang trang hơn 800 triệu đồng của anh Phạm Văn Hênh ở thôn Mang Lùng, xã Ba Tô, huyện Ba Tơ. Nhà được xây dựng từ số tiền vợ chồng anh tích cóp từ phát triển các mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt. Hiện nay, ngoài trồng 5ha keo, 2ha mì, anh Hênh còn chăn nuôi bò, heo để tăng thêm nguồn thu nhập. Cùng với các chính sách hỗ trợ kịp thời của nhà nước thông qua hỗ trợ vốn, giống cây con, gia đình anh Phạm Văn Hênh đã thoát nghèo bền vững, trở thành hộ có thu nhập khá ở địa phương.

Anh Phạm Văn Hênh bộc bạch: Mình tự tìm tòi học hỏi mọi người xung quanh để biết cách làm kinh tế cho hiệu quả. Ví dụ trồng keo thì mình phải vào vườn ươm xem kỹ giống keo rồi mới mua về trồng. Có như vậy  thì keo mới phát triển tốt.

 

Mô hình nuôi dúi của hộ gia đình anh Phạm Văn Về

Cũng  từng là hộ nghèo của xã, anh Phạm Văn Về, thôn Mang Lùng, xã Ba Tô đang có kinh tế ổn định nhờ nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế. Hiện ngoài trồng rừng và chăn nuôi bò, anh Phạm Văn Về đang có nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng từ mô hình nuôi dế. Sau những thất bại ban đầu, người thanh niên Hre này đã tích lũy thêm những kinh nghiệm và bước đầu thành công. Riêng tết Nguyên đán vừa qua, anh bán được 40kg dế các loại, thu về hơn 8 triệu đồng. Không dừng lại ở đây, anh Phạm Văn Về đang phát triển mô hình nuôi dúi (chuột lách) với chồn hương. Riêng mô hình nuôi dúi, từ 3 con giống ban đầu hiện đã phát triển lên trên 30 con. Anh Phạm Văn Về cho biết: Mình tìm hiểu trên mạng thấy họ làm được thì mình bắt chước làm theo. Mình làm thử, rồi nhân giống phát triển nó lên

Không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số huyện Ba Tơ ngày càng chủ động và linh hoạt trong đổi mới phương thức làm ăn để tìm hướng thoát nghèo bền vững. Ngoài những cây trồng vật nuôi truyền thống, người dân từng bước tìm tòi, học hỏi tiếp cận với những mô hình kỹ thuật mới đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tại xã Ba Tô, ngoài trồng lúa nước, phát triển đàn trâu, trồng rừng thì những năm gần đây người dân lại được tiếp cận với nhiều mô hình sản xuất mới mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn hàng năm giảm trên 5%. “Đối với xã Ba Tô, kinh tế có những chuyển biến tích cực. Nhiều kỹ thuật mới, mô hình mới được đưa vào phát triển kinh tế. Nhiều hộ dân áp dụng và đem lại hiệu quả, tạo chuyển biến trong nhận thức người dân.  Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo là 46% thì đến nay trên địa bàn xã đã giảm xuống 29%”. Ông Thành Minh Thuận, Bí thư Đảng ủy Xã Ba Tô, huyện Ba Tơ, nói.
 

Huyện Ba Tơ chú trong đầu tư cơ sở hạ tầng.

Cùng với việc đầu tư phát triển sản xuất, thông qua nguồn vốn của chương trình mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn khác, huyện Ba Tơ cũng đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, ưu tiên đầu tư các công trình đường giao thông, thủy lợi trường học, trạm y tế... phục vụ đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong giai đoạn 2015-2020, tổng kế hoạch vốn thực hiện đầu tư các dự án cho cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Ba Tơ là gần 1.300 tỷ đồng. Các công trình hạ tầng được đầu tư đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn miền núi của các thôn, xã , nhất là vùng đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu có nhiều khởi sắc, góp phần cải thiện đời sống cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Ông Đinh Ngọc Vỹ, Bí thư Huyện ủy Ba Tơ cho rằng: Công tác giảm nghèo của huyện Ba Tơ đạt được kết quả tích cực. Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 22,3%, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Thành tựu trong công tác giảm ghèo đã tác động đến đời sống người dân, nhất là trong ý thức người dân trong việc vươn lên thoát người, người dân đã ý thức được bản thân mình là chủ thể trong công tác giảm nghèo.
 
Nhờ thực hiện tốt các giải pháp đầu tư phát triển kinh tế , xã hội trên địa bàn, nên diện mạo nông thôn huyện miền núi của Ba Tơ ngày càng phát triển. Đời sống người dân có nhiều đổi thay. Phát huy những thành quả đã đạt được Đảng bộ, quân và dân huyện Ba Tơ tiếp tục đoàn kết chung tay khắc phục mọi khó khăn để xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

XEM VIDEO:
Tấn Minh, Văn Tân, Hữu Phát

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng