Tin tức

Quốc hội thảo luận Luật tổ chức Quốc hội

Thứ ba, 26/05/2020 - 11:56

Sáng nay (26.5), tiếp tục kỳ họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe Tờ trình Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và Tờ trình bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Tham dự tại điểm cầu Quảng Ngãi có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Viết Chữ; Phó chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phạm Thị Thu Trang và đại biểu Hồ Thị Vân, Trưởng cơ quan Tổ chức và Nội vụ huyện Trà Bồng.

 

Quốc hội thảo luận luật tổ chức Quốc hội.

Mở đầu phiên họp, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9Quốc hội khóa XIV gồm 16 Chương, 192 Điều (tăng 22 Điều) so với Luật Bảo vệ môi trường hiện hành. Đây là dự án Luật có tác động lớn đến kinh tế - xã hội, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên quan với nhiều luật nên đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nội dung sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường có những điểm nổi bật như: Luật sẽ nền tảng pháp lý hình thành và phát triển các mô hình tăng trưởng bền vững như kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát thải các-bon thấp. Xác định rõ vai trò kiến tạo của Nhà nước, vai trò nòng cốt của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tạo ra cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thủ tục hành chính từ 20-85 ngày; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0. 

Bổ sung nhiều công cụ, chính sách kinh tế như: cơ chế đặt cọc - hoàn trả, đóng góp kinh phí để thu gom, tái chế, xử lý bao bì, sản phẩm đã qua sử dụng; thuế, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải, thuế các-bon; thị trường phát thải; tín dụng xanh; đầu tư theo hình thức PPP; đầu tư vào vốn tự nhiên; phát triển ngành công nghiệp môi trường. Đề xuất sửa đổi các chính sách về bảo vệ môi trường đang được quy định tại một số luật khác để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính toàn diện và bao quát của Luật Bảo vệ môi trường.

 

Dự thảo Luật tổ chức Quốc hội được các đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận.

Một số nội dung chính của dự thảo Luật xin ý kiến các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này, gồm: việc xem xét để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật và các cam kết quốc tế về môi trường; việc đánh giá những tác động của 13 nhóm chính sách liên quan đến kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách trên cơ sở tình hình thực tiễn của Việt Nam; việc giải thích các khái niệm mới liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ môi trường; về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường; về mức chi tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp môi trường; về các vấn đề đã được đưa ra trong dự án Luật có liên quan đến thu chi ngân sách, phương thức tính toán, quy định về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

 

Quốc hội tiếp thu ý kiến về tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách.

So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật trình lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý 8 nội dung tại 10 điều, khoản. Các nội dung tiếp thu tập trung vào các quy định: tiêu chuẩn một quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội; việc quyết định số lượng và phê chuẩn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội; việc bảo đảm kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, bộ máy tham mưu, giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội; việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách; không quy định hình thức văn bản kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong Luật; đổi tên 2 Ủy ban của Quốc hội; không quy định số lượng cấp phó cụ thể tại Hội đồng và từng Ủy ban. Dự án Luật bổ sung trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong việc tham gia thẩm tra và việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.

Về tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, khoản 2 Điều 23 dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Sơn, Đoàn Hà Tĩnh cho rằng, đây là Dự án Luật rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và kỳ vọng. Dự án Luật đã chỉnh sửa tương đối nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần bổ sung để hoàn thiện. Việc quy định ngay trong Luật tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở mức cao hơn hiện nay sẽ là cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự tham gia làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, từ đó tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Sau khi nghe các ý kiến của đại biểu quốc hội, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
 
  Thiện Hòa

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng