Tin tức

NGÀY LÀM VIỆC DẦU TIÊN KỲ HỌP THỨ 9, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Thứ tư, 20/05/2020 - 20:36

Sáng nay (20.5), kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã được khai mạc trọng thể tại thủ đô Hà Nội. Phiên khai mạc được kết nối thông qua cầu truyền hình tại Nhà Quốc hội tới 63 điểm cầu trực tuyến của Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự phiên khai mạc có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Dự phiên khai mạc tại điểm cầu Quảng Ngãi có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ.

 
Toàn cảnh kỳ họp của Quốc hội. (Nguồn: TTXVN)
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, bước vào năm 2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát và nhanh chóng trở thành đại dịch, tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội của toàn cầu và của Việt Nam. Cùng với đó, nước ta còn chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu …Trước những khó khăn, thách thức đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị, chỉ đạo các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương tập trung phòng, chống dịch bệnh và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Đến nay, bước đầu chúng ta đã cơ bản kiểm soát được bệnh dịch, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng, bảo đảm sự an toàn về tính mạng và sức khỏe của người dân. Các giải pháp ứng phó của Việt Nam được các quốc gia, tổ chức quốc tế đánh giá cao và ghi nhận là điểm sáng trong phòng, chống dịch Covid-19. Giữa bối cảnh đại dịch và kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, tốc độ tăng trưởng GDP quý I của nước ta vẫn đạt khoảng 3,82%; an sinh xã hội, đời sống của người dân vẫn được bảo đảm; an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Do đó, nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn dân phải nỗ lực phấn đấu cao nhất, nêu cao tinh thần đoàn kết, gương mẫu trong thực hiện chức trách nhiệm vụ, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển, phục hồi kinh tế trong năm 2020.

Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội tập trung xem xét, quyết định các nội dung quan trọng như xem xét Báo cáo kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, Báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri và nhân dân gửi đến kì họp; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14. Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác; xem xét, thông qua các dự thảo nghị quyết về phê chuẩn Hiệp định Thương mại tư do Việt Nam – EU; phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU; việc gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ bao động cưỡng bức.

Sau phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về phòng, chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, nhiều nước tăng trưởng âm, tốc độ tăng trưởng GDP quý I của Việt Nam vẫn đạt khoảng 3,82%; đời sống người dân vẫn được bảo đảm; an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, là các điều kiện căn bản để kinh tế Việt Nam nhanh chóng phục hồi sau đại dịch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dịch Covid-19 đã tác động rất mạnh tới tất cả ngành, lĩnh vực nền kinh tế.  Thủ tướng nhìn nhận, so với thời điểm cuối năm 2019,  tình hình có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều. Mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra 6,8% cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được. Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP, thu - chi ngân sách, bội chi, nợ công... Các chỉ tiêu cụ thể sẽ được Chính phủ báo cáo Quốc hội sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị. Kiến nghị này Chính phủ đưa ra trên tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng kinh tế xã hội, phân tích, đánh giá kỹ các chỉ tiêu, cân đối lớn của kinh tế vĩ mô.  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Quốc hội chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01.7.2020.

 Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Trung ương Trần Thanh Mẫn; Trưởng ban Dân Nguyện Nguyễn Thanh Hải; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Chủ nhiệm ủy ban đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Bộ trưởng các Bộ Kế hoạch và đầu tư, bộ công thương đã trình bày các tờ trình và báo cáo liên quan.

 Chiều  nay (20/5), Quốc hội thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); về việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA). Đa số đại biểu đều khẳng định ý nghĩa, tác động và đóng góp quan trọng của hai hiệp định EVFTA và EVIPA cho sự phát triển bền vững của Việt Nam thông qua hàng loạt các khía cạnh cả trước mắt cũng như trong trung hạn và dài hạn... Khẳng định tầm quan trọng của việc phê chuẩn hai hiệp định trong bối cảnh hiện nay khi nước ta vừa vượt qua đại dịch COVID-19 và đang tái khởi động quá trình khôi phục nền kinh tế, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), đây chính là thời điểm Việt Nam cần nhiều động lực phát triển kinh tế và EVFTA có thể chính là một trong những động lực quan trọng.

 Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tham gia giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Hai bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp thu tất cả những ý kiến, kiến nghị, yêu cầu của các đại biểu Quốc hội đối với Chính phủ, rút kinh nghiệm để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả cao nhất hai hiệp định EVFTA và EVIPA để đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới.

Ngày mai(21.5), kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tiếp tục làm việc. Buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)  Thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một  số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) . Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
 
PV tổng hợp 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng