Tin tức

Học theo Bác ở tấm lòng nhân ái

Thứ hai, 18/05/2020 - 19:28

Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất không chỉ là tấm gương sáng ngời về phẩm chất “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư” mà còn là biểu tượng cao đẹp về lòng nhân ái, yêu thương con người. Ngay cả trước lúc đi xa, Bác vẫn “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Quan điểm vì con người của Bác đã trở thành một triết lý nhân sinh cao cả, biểu tượng của lòng nhân ái, vị tha để mỗi chúng ta tự hào học tập và noi theo.

Dù tuổi cao, sức yếu, mái tóc đã bạc trắng nhưng người cận vệ năm xưa được vinh dự bên cạnh Bác những năm 1966-1969 vẫn nhớ như in những câu chuyện giản dị, gần gũi, tràn đầy tình cảm ấm áp của Người. Ông Trần Viết Hoàn, Nguyên Giám đốc Khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch nhớ lại: “Lòng nhân ái của Bác sâu thẳm như biển cả, thiết thực như hạt gạo. Anh em chúng tôi, những người đã từng sống bên Bác, từng được phục vụ bảo vệ Bác thì tình thương của Bác lớn lắm. Hàng ngày, Bác vẫn xuống kiểm tra xem xét việc học tập, ăn ở, tập luyện của anh em công an. Mỗi khi đi công tác xa về, Bác  đều nhớ mang quà về, lần cái kẹo, điếu thuốc, quả táo, vật tuy nhỏ nhưng lòng Bác lớn bao nhiêu”.

Đúng như lời của người cận vệ Trần Viết Hoàn, lòng nhân ái của Bác thiết thực như hạt gạo. Vào những ngày sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á đã phải tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt cho sự tồn tại của mình với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Bằng trách nhiệm của mình, một mặt Bác phát động chiến dịch tăng gia sản xuất, mặt khác Người viết thư kêu gọi đồng bào cả nước nêu cao tinh thần tương thân, tương ái “sẻ cơm nhường áo” để cứu dân nghèo. Và phong trào “hũ gạo cứu đói đã ra đời”.

“Bác có tác phong nói đi đôi với làm, trong khi kêu gọi mọi người sẻ cơm nhường áo, 10 ngày nhịn 1 bữa, mỗi bữa 1 bơ, để giúp người  nghèo. Cả cơ quan Bác đều thực hiện như vậy. Có những bữa Bác được nước bạn mời dự tiệc, hôm sau về, Bác tự giác nhịn bữa đó để thực hiện đúng như mọi người. Tiến sĩ Chu Đức Tính, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, kể.

Lòng nhân ái, vị tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ lẽ sống “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” và dành tất cả cho mọi kiếp người. Quan điểm ấy là sự kết tinh từ những giá trị truyền thống của dân tộc với truyền thống “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” bởi “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng bác ái”.
 

Cây ATM gạo

Từ bao đời nay, mỗi khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam lại được phát huy mạnh mẽ. Chứng kiến hàng vạn người dân nghèo rơi vào cảnh khốn khó do đại dịch Covid-19, một chủ doanh nghiệp trẻ ở Thành phố HCM đã phát kiến ra cây ATM gạo giúp đỡ những mảnh đời khó khăn. Mô hình ấy nhanh chóng lan rộng ra cả nước và được truyền thông quốc tế ca ngợi. Anh Hoàng Tuấn Anh, Cha đẻ của cây ATM gạo chia sẻ: Lúc đầu mình dự kiến phát khoảng 500kg là công ty tự bỏ tiền ra, nhưng sau đó đã lên đến 4-5 tấn/ngày. Mình cố gắng để 1 điểm hoạt động 24/24, và người nào cũng nhận được vào bất kỳ lúc nào.

Đại tá, PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thanh Tú cho biết: Tinh thần lá lành đùm rách, phát huy mạnh. Lần đầu tiên trên  thế giới có ATM gạo giúp người nghèo, có thể chỉ 1, 2 cân gạo, vài gói mì nhưng thể hiện sinh động tinh thần thương người như thể thương thân, hi sinh vì người khắc của người dân Việt.

Đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau là truyền thống từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam. Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp ấy mỗi chúng ta hãy nêu cao tinh thần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những hành động, việc làm cụ thể. Từ đó nhân lên những việc làm ý nghĩa, nhân văn để cho tình yêu thương và những điều tốt đẹp lan tỏa trong cuộc sống./.

XEM VIDEO:
Văn Dũng - Chí Đức

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng