Tin tức

KHÔNG ĐƯỢC LÀM LỠ THỜI CƠ KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP

Thứ bảy, 09/05/2020 - 19:07

Doanh nghiệp là lực lượng chủ chốt trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Các cấp chính quyền tháo gỡ nhanh nhất các kiến nghị, khó khăn để không làm lỡ thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị với doanh nghiệp 2020 được tổ chức theo hình thức trực tuyến và truyền hình trực tiếp diễn ra vào sáng nay.


Đầu cầu Quảng Ngãi


Ủy viên TW Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Viết Chữ.
 
Dự tại đầu cầu Quảng Ngãi có Ủy viên TW Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Viết Chữ; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tấn Đức; Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng, Võ Phiên, lãnh đạo sở ngành và đại diện một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh.
 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dịch bệnh đã khiến doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng nặng, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. Khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh. Khó khăn về vốn, nguồn thu và thị trường khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm tiền lương hoặc quy mô hoạt động. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là Chính phủ cần thực hiện triệt để hơn nữa các thủ tục hành chính, hơn là hỗ trợ bằng tiền.
 
Ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam
 
Cùng ý kiến với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng mong muốn Chính phủ tập trung tháo gỡ ngay những thủ tục phiền hà, ngăn cản sự phát triển. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: nhanh một ngày thì doanh nghiệp sống, chậm một ngày thì doanh nghiệp có thể không còn, do đó cần nhiều giải pháp một cách nhanh chóng, kịp thời để doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
 


Đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
 
Đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp nước ngoài như Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, đều bày tỏ sự thán phục đối với Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện hai nhiệm vụ kép là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.


 Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam Nicolas Audier.
 
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam Nicolas Audier nhận định, hội nghị này là bằng chứng rõ rằng Việt Nam là nước đang dẫn đầu thành công trong cuộc chiến chống COVID trên thế giới. Ông cũng đánh giá cao các biện pháp Chính phủ Việt Nam đưa ra trong thời gian phòng chống dịch, đặc biệt những biện pháp bảo vệ doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nước ngoài.
 
Đại diện các các hiệp hội trên cũng kiến nghị Chính phủ Việt Nam tháo gỡ các thủ tục hành chính, tạo điều kiện để người lao động thuộc các doanh nghiệp nước ngoài được cấp visa vào làm việc tại Việt Nam, trong đó có các chuyên gia. Đại diện các hiệp hội của các doanh nghiệp các nước cũng bày tỏ sự biết ơn và tin tưởng vào Chính phủ Việt Nam và cam kết sẽ đồng hành cùng cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam và Chính phủ Việt Nam trong việc phục hồi và phát triển nền kinh tế Việt Nam.
 
 
Sau gần 4 tiếng đồng hồ lắng nghe các ý kiến phát biểu, kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu nhận định chung là các đại biểu trong nước và quốc tế đều đánh giá cao công tác chỉ đạo chống dịch COVID-19 thành công ở Việt Nam. Đây là một điểm sáng, Việt Nam đã đi trước nhiều nước, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, trong kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.
 
Chúng ta đã xác lập một trạng thái bình thường mới để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh bình thường ở Việt Nam; đồng ý đưa các chuyên gia, các nhà quản lý người nước ngoài vào để hợp tác cùng Việt Nam phát triển kinh tế đất nước. Khẳng định vị trí của doanh nghiệp là lực lượng chủ chốt trên mặt trận kinh tế, từ đóng góp tăng trưởng đến giải quyết việc làm, thu ngân sách, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, Thủ tướng nêu ra 3 yêu cầu đối với doanh nghiệp. Đó là các doanh nghiệp không được trông chờ, ỷ lại trong phát triển. Doanh nghiệp phải được tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản trị để phát triển bền vững.
 
Các cấp, các ngành, đặc biệt là doanh nghiệp áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất. Thủ tướng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Chính phủ, các cơ quan liên quan lắng nghe, tiếp thu ý kiến các đại biểu, nhà đầu tư, doanh nghiệp, hiệp hội trong và ngoài nước để Chính phủ có nghị quyết tốt nhất tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới.
 

Thủ tướng Chính phủ NGUYỄN XUÂN PHÚC
 
Thủ tướng Chính phủ NGUYỄN XUÂN PHÚC: “Các bộ, cơ quan, đặc biệt là các địa phương cần có chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển, trong đó có một vài ý lớn mà các doanh nghiệp đều nói, đó là cải thiện tình hình kiểm soát, tăng cường hậu kiểm, làm nhanh các thủ tục. Đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp và người lao động yếu thế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quan tâm xử lý kiến nghị của doanh nghiệp nhanh hơn, thuận lợi hơn, không được đổ qua, đổ lại làm mất thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp. Tất cả doanh nghiệp đang chờ tiếng nói giải quyết nhanh của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt các địa phương, tháo gỡ cho doanh nghiệp hiện nay có nhiều vướng mắc. Chủ tịch UBND các tỉnh, các Bộ trưởng có liên quan phải có trách nhiệm xử lý nhanh những kiến nghị này để tháo gỡ cho doanh nghiệp”.
 
Đối với doanh nghiệp cũng như với các cơ quan nhà nước, Thủ tướng cho rằng hiện nay cần phải giữ 3 thứ, đó là giữ lao động; giữ thị trường và phát triển thị trường; giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam đổi mới, trung thực và quyết tâm phát triển. Trên tinh thần đó, phải cải cách, tái cơ cấu doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh hiện nay. Một số vấn đề lớn mà các cơ quan Nhà nước phải quan tâm xử lý, đó là tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp, hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp cả về chính sách, chia sẻ cùng doanh nghiệp.
 
 Đặc biệt, các doanh nghiệp đều mong muốn cần phải giữ ổn định vĩ mô, nhất là giữ lạm phát, giữ giá trị đồng Việt Nam. Thủ tướng cũng nhắc lại tinh thần không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự. Các co quan cần nâng cao đạo đức công vụ, tạo mọi thuận lợi phát triển này, chủ động tìm nguồn lực cho phát triển, nhất là hạ tầng. Các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các trung tâm lớn, các địa phương có liên quan, các sân bay, bến cảng… đều phải phát triển nhanh, nhất là phát triển dịch vụ logistics ở Việt Nam tốt nhất để giảm chi phí cho doanh nghiệp vì không có hạ tầng thì khó phát triển.


Đại diện các doanh nghiệp tại Quảng Ngãi

Thủ tướng Chính phủ NGUYỄN XUÂN PHÚC: “Doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam gắn liền với niềm tự hào của dân tộc. “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, “khó khăn bằng hai thì chúng ta phải cố gắng bằng ba để vượt qua”. Chúng ta cùng đoàn kết, cùng quyết tâm, cùng nhau lập thành tích, hoàn thành nhiệm vụ cao nhất trong năm nay và các năm tiếp theo, đóng góp vào phát triển dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
 
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam có mục tiêu thịnh vượng vào năm 2045. Dịch bệnh không làm thay đổi mục tiêu và tầm nhìn này. 25 năm nữa là có thể xuất hiện các đế chế ở Việt Nam bởi 25 năm trước chưa ai nghĩ đến Google, Alpha, Alibaba. Không gì là không thể, doanh nghiệp không sợ thất bại, phải biến ước mơ thành hiện thực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc gì quá dễ dàng thì kém có ý nghĩa, thành công không phải vì đã đạt được, mà là trở ngại đã và sẽ vượt qua. Lúc gai góc nhất là lúc thể hiện tinh thần dân tộc, tô điểm cho bản lĩnh, ý chí./.
 

 
Tăng Thư, Mỹ An
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng