Tin tức

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi dự hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ

Thứ sáu, 05/01/2024 - 20:45

Ngày 05/01, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên, Trần Phước Hiền chủ trì điểm cầu Quảng Ngãi dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Đến dự có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai.

 


Điểm cầu Quảng Ngãi.

Năm 2023, kinh tế, xã hội đất nước tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới. Tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 5,05%, thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỷ USD. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tăng 3,25%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022. Khu vực nông nghiệp là điểm sáng, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, năm 2023 tăng 3,83%, cao nhất trong 10 năm qua. Khu vực dịch vụ tăng 6,82%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6%. Công nghiệp phục hồi nhanh qua từng quý, cả năm tăng 3,02%. Thu ngân sách nhà nước vượt khoảng 8,12% dự toán trong khi đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194 ngàn tỷ đồng. Tăng thu, tiết kiệm chi, đã trích lập được khoảng 560 ngàn tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm từ 2024-2026. Bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước thấp hơn nhiều giới hạn và ngưỡng cảnh báo.


Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.
 
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm đạt 683 tỷ USD, xuất siêu khoảng 28 tỷ USD, nhiều nhất từ trước đến nay. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta. Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+ với triển vọng "Ổn định", châu Á - Thái Bình Dương chỉ có 02 trong 62 nước được nâng hạng. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh và có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020-2022. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 6,2% so với năm 2022. Giải ngân vốn đầu tư công dự kiến đạt 95% kế hoạch. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp, vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài và là hiệu ứng của chính sách ngoại giao "cây tre". Toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra.
 

Tổ chức thành công chuỗi các sự kiện kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát triển, được quốc tế công nhận. Việt Nam lần thứ 2 là thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đời sống Nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 6,9%. Công tác giảm nghèo tiếp tục là điểm sáng, được quốc tế đánh giá cao. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,1%, hiện còn 2,93%.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2024, các cấp, các ngành, các địa phương cần bám sát các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2024 với chủ đề: "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững" với tinh thần "Năm quyết tâm" là quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vượt qua mọi thách thức trong các lĩnh vực. Quyết tâm thực hiện không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm. Quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, Nhân dân được thụ hưởng thật. Quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được hưởng các chế độ, chính sách và thành quả mang lại. Quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024.

Thủ tướng yêu cầu cần quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Tập trung chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng giữa các chính sách. Bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời ứng phó với những vấn đề phát sinh. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phát triển văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Bảo đảm ổn định chính trị, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Giữ vững môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển nhanh, bền vững.

 
Thời sự 19h45 ngày 04/01/2024, Tăng Thư, Mỹ An

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng