Tin tức

Di sản - nguồn lực lớn cho công nghiệp văn hóa

Thứ ba, 12/12/2023 - 13:37

Không chỉ quyến rũ khách quốc tế bằng vẻ đẹp ngút ngàn, trùng điệp của núi rừng, biển đảo, Việt Nam còn hấp dẫn bởi những di sản thế giới được UNESCO vinh danh. Được xem như một nguồn lực văn hóa, di sản văn hóa Việt nam đã có những tác động đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội.


Di sản - nguồn lực lớn cho công nghiệp văn hóa 
 

Việt Nam lần thứ 4 được World Travel Awards vinh danh là "Điểm đến di sản hàng đầu Thế giới" năm 2023. Hiện, Việt Nam có 9 di sản được UNESCO ghi danh là Di sản Thiên nhiên và Văn hóa Thế giới, trong đó có 5 Di sản Văn hóa, 3 Di sản Thiên nhiên và 1 Di sản Hỗn hợp. Với giải thưởng vừa được trao, Việt Nam một lần nữa khẳng định tiềm năng và sức hút hàng đầu về tài nguyên thiên nhiên cũng như giá trị di sản văn hóa lâu đời.

TS Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL, cho biết: thời gian qua những di sản được UNESCO vinh danh đã thể hiện vai trò như nguồn tài nguyên vô tận, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội, thậm chí tại những nơi khi di sản được ghi danh đã tạo nên sinh kế cho người dân và góp phần dịch chuyển kinh tế xã hội địa phương.

“Sắc màu di sản – Hội tụ và lan tỏa” là chủ đề của Festival Ninh Bình – Tràng An sẽ diễn ra từ 26-31/12 tới. Ban tổ chức cho biết, cùng với di sản Ninh Bình, nhiều di sản văn hóa phi vật thể ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam sẽ hội tụ tại đây.

Tỉnh Ninh Bình đặt kỳ vọng trở thành một trung tâm công nghiệp văn hóa lớn, trung tâm tổ chức các sự kiện quốc gia và quốc tế; góp phần giải tỏa sức nén của các đô thị trung tâm để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. 


Di sản là “tài sản”.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Ninh Bình, nói: Văn hóa là một trong những trụ cột phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, những di sản cảnh quan thiên nhiên, danh thắng vốn là bề dày, Ninh Bình sẽ tận dụng và khai thác cho phát triển Văn hóa nói chung, Công nghiệp Văn hóa nói riêng.

Tại Tây Bắc và Tây Nguyên, di sản Nghệ thuật xòe Thái và Cồng chiêng đang là những điểm nhấn đặc sắc thu hút du khách đến để có những trải nghiệm chân thực về di sản văn hóa bản địa. Hai di sản này vừa được quảng bá tại Hà Nội nhằm chuyển tải thông điệp với du khách trong và ngoài nước hãy “Lên Tây Bắc, về Tây Nguyên”.

GS.TS Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, chia sẻ: có phát triển Công nghiệp Văn hóa mới mang lại sự gắn kết giá trị kinh tế và phát triển VH ở các địa phương, đồng thời từ đó chúng ta có tiềm lực để quay trở lại bảo tồn, nâng cấp, tôn tạo hay tu bổ di tích.

Coi di sản là “tài sản”, việc thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa đa dạng và hấp dẫn không chỉ giúp truyền tải, lan tỏa các giá trị di sản văn hóa tới cộng đồng, mà còn phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa mang bản sắc trong phát triển công nghiệp văn hóa thời gian tới./.
 

Theo TTXVN

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng