Tin tức

Đồng chí Phạm Xuân Hoà - người chiến sĩ cách mạng trung kiên

Thứ sáu, 01/12/2023 - 20:49

Ngày mai 01/12, tại nhà lưu niệm đồng chí Phạm Xuân Hoà, xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Xuân Hòa, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (02/12/1913 - 02/12/2023). Sinh ra trong một gia đình nông dân tại xã Phổ Cường, từ nhỏ, đồng chí Phạm Xuân Hoà đã sớm giác ngộ cách mạng. Từ một thanh niên yêu nước, đồng chí Phạm Xuân Hoà trở thành một chiến sĩ cộng sản nhiệt huyết, dấn thân vào con đường cách mạng, trở thành người đứng đầu của Đảng bộ tỉnh. Đồng chí là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, một con người đầy hoài bão, khát vọng cho hoà bình, độc lập, hạnh phúc của Nhân dân.

 

 
Hơn 30 năm hoạt động cách mạng đồng chí Phạm Xuân Hòa, kinh qua nhiều chức vụ, hai lần được Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi tin tưởng, giao trọng trách Phó Bí thư, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi, Bí thư Ban cán sự Trung Nam của Xứ uỷ Trung kỳ. Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng luôn sáng tạo, đưa phong trào cách mạng tỉnh nhà vượt qua những thời kỳ khó khăn, cam go. Hai lần bị địch bắt tù đày, tra tấn nhưng trong ngục tù, đồng chí luôn kiên định lập trường, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhân dân. Tháng 4/1957, trên đường đi công tác ở thôn Lâm An, xã Phổ Minh (nay là Tổ dân phổ Lâm An, Phường Phổ Minh), đồng chí bị địch phát hiện và truy bắt. Trong vòng vây của địch, đồng chí Phạm Xuân Hòa đã chiến đấu anh dũng và anh dũng hy sinh. Ghi nhận công lao và cống hiến to lớn của đồng chí Phạm Xuân Hoà cho sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước đã truy tặng đồng chí danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh.
 

Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân.
 
Trong quá trình lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi dấu ấn của đồng chí để lại với Đảng bộ rất nhiều, trong việc thực hiện nhiệm vụ quân sự đồng chí đã cùng với Đảng bộ lãnh đạo việc chuẩn bị các điều kiện hậu cần, căn cứ, hầm hào để phục vụ cho nhiệm vụ chiến đấu cũng như giải quyết tốt những vấn đề về an ninh, chính trị đặt ra trên địa bàn tỉnh ta lúc bấy giờ nhất là tình hình ở các huyện miền núi, đặc biệt đồng chí đã xây dựng được khối đại đoàn kết của toàn dân tộc trong tỉnh chúng ta, trong nhiệm vụ phát triển KTXH đồng chí cùng Đảng bộ chủ đạo cho sự phát triển KTXH, chia lại ruộng đất cho người dân, giúp cho người dân nghèo có ruộng để sản xuất, từ đó cuộc sống của người dân được nâng lên.

 
 
Trong tập sách Sao sáng sông Trà được lưu giữ tại Thư viện tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, tác giả Hồng Phú, Hồng Sinh có ghi, phiên toà ngày 12/7/1935 của thực dân Pháp xét xử 44 đồng chí trong “Vụ án Tái tổ Đảng Cộng sản Đông Dương”, đồng chí Phạm Xuân Hoà đã nêu cao chí khí của người chiến sĩ cách mạng trước phiên toà, biến phiên toà thành nơi tố cáo sự tàn ác, man rợ của chế độ thực dân, phong kiến: “Chỉ có quân cướp nước và bè lũ tay sai bán nước mới đáng bị xử trị, còn chúng tôi làm cách mạng là để cứu lấy non sông, giống nòi thoát cảnh nô lệ, lầm than, chỉ có công chứ không có tội tình gì hết”.

 
 
Không khuất phục được bản lĩnh, tinh thần yêu nước của đồng chí Phạm Xuân Hoà, địch đã kết mức án cao nhất là 20 năm tù khổ sai ở các nhà tù từ Lao Bảo đến Buôn Ma Thuột. Cuộc đấu tranh của các chiến sỹ cách mạng do đồng chí Phạm Xuân Hoà đứng đầu đã gây tiếng vang lớn trong dư luận cả nước, cổ vũ mạnh mẽ ý chí của quần chúng cách mạng.

 

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Ngãi Đặng Ngọc Dũng.
 
Ông đã biết khơi gợi lòng tự hào dân tộc, ý chí kiên cường niềm tin quyết thắng trong các tầng lớp nhân dân vượt lên hiểu biết của mình để cho quần chúng nhân dân tin rằng là quần chúng có sức mạnh, dân tộc Việt Nam có sức mạnh. Đó là khả năng kêu gọi lòng tự tôn dân tộc ta trao truyền từ các thế hệ trước, hiệu triệu được lòng yêu nước và sức mạnh dân tộc vượt qua những khó khăn thời điểm này làm cho những e dè, ngại ngần lúc ban đầu trong phong trào cách mạng vượt qua được những khó khăn thử thách, làm cho quần chúng nhân dân, sức mạnh của dân tộc mình và khát vọng độc lập dân tộc được khơi gợi đúng với bản chất vốn có của người Việt Nam. Đó là sự tài tình và công sức lớn nhất của ông Phạm Xuân Hoà và Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lúc bấy giờ.

 
 
Nhà bà Võ Thị Nho ở tổ dân phố Lâm An, phường Phổ Minh, thị xã Đức Phổ, nơi che giấu các chiến sĩ cách mạng, trong đó có đồng chí Phạm Xuân Hòa. Bà Trương Thị Huệ, con gái bà Nho hàng ngày lo cơm nước hàng ngày cho đồng chí Phạm Xuân Hoà. Bà Huệ vẫn không quên được hình ảnh người chiến sĩ cộng sản anh dũng, mưu trí, hết lòng vì nước vì dân. Ban ngày, làm việc trong hầm bí mật, đêm về làng vận động Nhân dân tham gia các phong trào cách mạng.

 

Bà Trương Thị Huệ, Tổ dân phố Lam An, phường Phổ Minh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi.
 
Kỷ niệm với ảnh nhiều lắm, tình hình khi mà bị lộ ra thì có cái ao bên cạnh thì dồn hết xuống đó, nào là máy đánh chữ, điện thoại, máy in chữ, công cuộc ảnh nhiều lắm. Ý là thời gian tưởng ảnh thoát được rồi về đào lên lại, mà không ngờ là ảnh bị bắt, nó kéo tới nhà cửa nó tịch thu hết, nhà cửa nó niêm, mẹ bị bắt nó đưa miết ra ngoài tỉnh, còn hai chị em thì đưa lên huyện nó đánh đập. Không biết sao mẹ bác bả còn sống chứ nó kéo ra chuồng bò nó rút cây cổng chuồng bò nó đánh, mà thuốc men kiểu gì mà bả vẫn còn sống.

 
 
Bà Phạm Thị Xuân Thanh, con gái đồng chí Phạm Xuân Hoà từ Hà Nội cùng gia đình về thăm quê hương. Đốt nén hương tưởng nhớ đến người cha.

 
 
Kỷ vật vẫn còn nguyên vẹn. Chiếc áo ấm; bộ đồ kaki; áo sơ mi; chiếc xe đạp; khay uống trà; cặp kính đeo mắt; cặp gối thiêu, đôi khăn tay có hình ảnh “chim liền cánh, cây liền cành” do mẹ thêu tặng cha trước ngày tập kết ra Bắc.

 

Bà Phạm Thị Xuân Thanh, Con gái đồng chí Phạm Xuân Hoà, Phường Ngọc Hà, Quận Ba Đình, Hà Nội.

 
Bà Phạm Thị Xuân Thanh, Con gái đồng chí Phạm Xuân Hoà, Phường Ngọc Hà, Quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: Khi về xem lại những hình ảnh của cha thì tôi vô cùng xúc động, đã ghi lại những hình ảnh hoạt động cách mạng của ba những ngày tháng cam go nhưng anh dũng. Tôi vô cùng biết ơn tỉnh Quảng Ngãi, thị xã Đức Phổ đã xây dựng nhà lưu niệm để ghi ơn và để giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ sau này.

 
 
Ghi nhận những cống hiến to lớn của đồng chí Phạm Xuân Hoà trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ, năm 2012, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Đức Phổ, nay là thị xã Đức Phổ đã xây dựng Nhà lưu niệm đồng chí Phạm Xuân Hòa tại quê nhà ở thôn Thủy Thạch, xã Phổ Cường. Nhà lưu niệm đồng chí Phạm Xuân Hòa đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận là Di tích lịch sử cách mạng. Nơi đây trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

 

Bí thư Thị uỷ Đức Phổ Nguyễn Kiên.
 
Bí thư Thị uỷ Đức Phổ Nguyễn Kiên cho biết: Giao cho UBND thị xã bố trí kinh phí chỉnh trang, tôn tạo nhà lưu niệm đồng chí Phạm Xuân Hoà để phục vụ cho các hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí. Giao cho Thị đoàn tổ chức các hoạt động về nguồn, gắn với sự kiện 93 năm đánh chiếm Huyện đường Đức Phổ.
 
Hơn 30 năm hoạt động cách mạng, dù ở cương vị nào, đồng chí Phạm Xuân Hòa cũng toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp cách mạng, phụng sự tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Là tấm gương sáng để các thế hệ hôm nay học tập, noi theo./.
 
Thời sự Truyền hình PTQ 19h45 ngày 01/12/2023/Thu Vân, Tấn Cư
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng