Tin tức

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri chuyên đề với cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục và Đào tạo

Thứ năm, 30/11/2023 - 11:02

Sáng nay 30/11, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh gồm Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan; Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương; Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Lương Văn Hùng; Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vũ Thị Liên Hương đã có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề với cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh. Dự buổi tiếp xúc còn có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tấn Đức; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền; Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Trần Hòa cùng hơn 200 cán bộ, giáo viên các trường học trên địa bàn tỉnh.

 

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri chuyên đề với cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục và Đào tạo.
 
Tại buổi tiếp xúc, bà Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh đã thông báo kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và một số hoạt động chủ yếu của đòan Đại biểu Quốc hội tỉnh. Sau 22 ngày rưỡi làm việc, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Đó là thông qua 07 Luật, 09 Nghị quyết, cho ý kiến lần 3 đối với 01 dự án luật, cho ý kiến lần 2 đối với 01 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật khác; lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”. Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác. Trong thời gian qua, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham dự đầy đủ các kỳ họp Quốc hội, chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung cử tri quan tâm và các vấn đề của tỉnh để thảo luận tại các phiên họp của Quốc hội; tiến hành chất vấn người đứng đầu bộ, ngành. Tổ chức tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội đầy đủ. Trong năm 2023, Đoàn tổ chức tiếp xúc cử tri các địa phương trong tỉnh, tổ chức đoàn làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan để xem xét kiến nghị của cử tri, các vấn đề nổi cộm ở địa phương.
 
 
Báo cáo tình hình hoạt động của ngành trong thời gian qua, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 585 đơn vị, cơ sở giáo dục với hơn 279 ngàn học sinh và 18.366 cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên. Toàn tỉnh có 412 trường đạt chuẩn quốc gia. Tỉnh Quảng Ngãi luôn duy trì kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, tạo tiền đề nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. 100% huyện, thị xã, thành phố duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và phổ cập giáo dục THCS đạt mức độ 1. Tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 đạt 97,27%. Để đáp ứng yêu cầu dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện để đảm bảo trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019. Đến nay, đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên trên toàn tỉnh cơ bản đủ về số lượng, tương đối đồng đều về cơ cấu.

 

 
Các cử tri là cán bộ quản lý ngành giáo dục và giáo viên tỉnh Quảng Ngãi đã đề xuất, kiến nghị một số vấn đề liên quan đến ngành giáo dục như bổ sung thêm nhóm được hưởng chế độ chính sách tại Nghị định số 105 của Chính phủ về việc quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non. Đó là, chế độ ăn trưa cho nhà trẻ từ 1-2 tuổi. Theo Nghị định 105 chỉ có chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo. Chế độ cho giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số ở điểm chính. Theo Nghị định 105 chỉ quy định giáo viên dạy tại điểm lẻ của cơ sở giáo dục công lập ở thôn đặc biệt khó khăn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, xã thuộc vùng khó khăn. Sớm thực hiện chế độ tiền lương mới cho giáo viên, đảm bảo mức thu nhập từ tiền lương ổn định. Sửa đổi, bổ sung Nghị định 120 của Chính phủ Quy định về thành lập, tổ chức, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Sửa đổi, bổ sung để có sự thống nhất giữa Nghị định 116 của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm và Nghị định 115 của Chính phủ Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, để thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện. Điều chỉnh một số nội dung Nghị định 81 của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương khi tổ chức thực hiện. Để đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu giáo viên đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ có hướng giải quyết trong khâu tuyển dụng giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục 2019. Đó là có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Vì hiện nay, còn nhiều sinh viên ngành sư phạm tốt nghiệp ra trường chưa đáp ứng trình độ đào tạo và điều kiện nộp hồ sơ dự tuyển theo quy định, nên các địa phương tuyển dụng không đủ chỉ tiêu được giao.
 

Phó Chủ tịch Quốc hội Thượng tướng Trần Quang Phương.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Thượng tướng Trần Quang Phương đã gửi lời cảm ơn, ghi nhận đóng góp của cán bộ, giáo viên trong sự nghiệp giáo dục trong thời gian qua. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là lần đầu tiên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri chuyên đề với cán bộ, giáo viên ngành giáo dục và Đào tạo để nắm bắt tâm tư cũng như những chia sẻ bất cập trong quá trình thực hiện các chính sách của Nhà nước liên quan đến giáo dục. Là cơ sở để Quốc hội đưa ra những chính sách, quy định thực tế nhất, sát nhất và đúng nhất. Các ý kiến, kiến nghị của cán bộ quản lý, giáo viên đã được Phó Chủ tịch Quốc hội Thượng tướng Trần Quang Phương chỉ đạo các sở ngành liên quan lần lượt làm rõ các vấn đề liên quan về biên chế, định mức đối với ngành Giáo dục, tình hình bạo lực học đường…  Đồng thời ghi nhận và chia sẻ thêm nhiều vấn đề liên quan quan đến chính sách, quy định cũng như định hướng của Quốc hội về vấn đề Giáo dục, Đào tạo trong thời gian tới./.
  
Bản tin Truyền hình PTQ 11h30 ngày 30/11/2023/Thu Thảo, Thanh Trung
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng