Tin tức

Năm 2023, Quảng Ngãi có 24/25 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra

Thứ hai, 20/11/2023 - 12:15

Năm 2023, trong số 25 chỉ tiêu đặt ra thì Quảng Ngãi có 13 chỉ tiêu vượt, 11 chỉ tiêu đạt và 01 chỉ tiêu không đạt. Sáng nay 20/11, Chủ tịch UBND tỉnh ĐẶNG VĂN MINH và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn, Võ Phiên, Trần Phước Hiền chủ trì phiên họp thường kỳ đánh giá kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh năm 2023 và thảo luận nhiệm vụ, giải pháp năm 2024. Dự họp có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Cao Phúc, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy - Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Võ Thanh An, lãnh đạo sở, ban ngành và địa phương.

 

Chủ tịch UBND tỉnh ĐẶNG VĂN MINH và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn, Võ Phiên, Trần Phước Hiền chủ trì phiên họp thường kỳ đánh giá kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh năm 2023 và thảo luận nhiệm vụ, giải pháp năm 2024.
 
Năm 2023, Quảng Ngãi đạt kết quả khá toàn diện trong phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Trong số 25 chỉ tiêu đặt ra có 13 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Đó là tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 2,24%, GRDP bình quân đầu người đạt 4.283 USD/người, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong GRDP đạt 68,6%, năng suất lao động xã hội tăng 2,4%, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt 38.181 tỷ đồng, tỷ lệ đô thị hóa đạt 37%, thu ngân sách vượt mức chỉ tiêu Trung ương giao 22,2%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị khoảng 1,5%, tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia ở các cấp đều vượt, số bác sĩ/1 vạn dân đạt 7,91 người, tỷ lệ phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội trên tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế đạt 23,78%, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,58%, trong đó, miền núi giảm 5,69%, đồng bằng giảm 0,69%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 52%. Có 11 chỉ tiêu đạt và 01 chỉ tiêu không đạt là số xã đạt chuẩn Quốc gia về nông thôn mới. Kế hoạch đặt ra 7 xã về đích nông thôn mới trong năm 2023 nhưng chỉ đạt 6 xã. Trong bức tranh kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Ngãi có nhiều điểm sáng, nhiều chỉ tiêu mang tính đảo chiều lớn. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 58.697 tỷ đồng, tăng trưởng dương 2,24% so với kế hoạch đề ra đầu năm là tăng trưởng âm 3,5% đến 3%. Năng suất lao động xã hội tăng 2,4% trong khi kế hoạch đề ra âm từ 4,5% đến 4%. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 ước đạt 103%, tăng 3% so với năm 2022, vượt 13 điểm % so với kế hoạch năm. 02 sản phẩm chủ lực của tỉnh là sản phẩm lọc hóa dầu vượt 15,3%, thép vượt 89,2%. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 132.611 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2022, vượt 19,9% kế hoạch năm, trong đó, giá trị công nghiệp ngoài sản phẩm lọc hóa dầu ước đạt 81.611 tỷ đồng, tăng 5,2% so với năm 2022. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 28.632 tỷ đồng, tăng 22,2% dự toán Trung ương giao và tăng 19,4% dự toán HĐND tỉnh giao. Doanh thu vận tải và dịch vụ vận tải năm 2023 ước đạt 5.076 tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm 2022, vượt 12% kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.400 triệu USD, tăng 7,6%, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng khá, ước đạt 18.794 tỷ đồng, tăng 3,5%. Các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức sôi nổi, nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân tăng cao, các hoạt động kích cầu du lịch được tổ chức dưới nhiều hình thức đã góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao ước đạt 71.285 tỷ đồng, tăng 9,8% so với năm 2022. Các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội tiếp tục quan tâm thực hiện, công tác kiểm tra, kiểm soát được tăng cường để giữ ổn định mặt bằng giá thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát, cải cách thủ tục hành chính, rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được thực hiện mạnh mẽ, công tác chuyển đổi số được chú trọng thực hiện trong tất cả các lĩnh vực, tổ chức thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong những tháng đầu năm nền kinh tế chịu ảnh hưởng biến động kinh tế thế giới, tổng cầu trong và ngoài nước suy giảm, sức mua trong nước vẫn còn yếu, chưa kích thích được sản xuất và đầu tư, nền kinh tế tuy có bước tăng trưởng nhưng vẫn còn thấp, thu tiền sử dụng đất đạt thấp, giá cả nguyên vật liệu, lãi suất ngân hàng tăng cao cùng với chính sách siết chặt tín dụng nên hạn chế hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm sản lượng, kim ngạch nhập khẩu giảm, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài còn thấp, doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ.
 
Năm 2024, Quảng Ngãi đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp lớn. Triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch, phát triển hệ thống đô thị, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển toàn diện văn hoá - xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính chuyển đổi số. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác nội chính và đối ngoại. Năm 2024, Quảng Ngãi đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 2,5 - 3%./.
 
Bản tin Truyền hình PTQ 11h30 ngày 20/11/2023/Tăng Thư, Mỹ An
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng