Tin tức

Thảo luận về tài chính, đầu tư công và luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Thứ năm, 02/11/2023 - 20:27

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng nay 02/11, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi tham gia thảo luận ở hội trường đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Chiều nay, Đoàn tham gia thảo luận ở tổ về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

 

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi tham gia thảo luận ở hội trường đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
 
Sáng nay, tham gia thảo luận ở hội trường, Đại biểu Quốc hội khóa 15 tỉnh Quảng Ngãi Đinh Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục quản lý chặt chẽ ngân sách, chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo, hạn chế tối đa việc ứng trước dự toán ngân sách nhà nước. Khắc phục tình trạng chuyển nguồn có xu hướng tăng cao, các khoản chi ngân sách nhà nước phải được dự toán. Đại biểu đề nghị quản lý chặt chẽ nợ công, ưu tiên bố trí chi trả nợ gốc, lãi đầy đủ, đúng hạn. Trong bối cảnh nhiều biến động, khó lường, cần tiếp tục tăng tỷ lệ dự phòng ngân sách.
 

 
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: Về phân bổ vốn, đề nghị phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nhất là vốn sự nghiệp năm 2024, 2025, mỗi năm bố trí tối thiểu 30%, tránh tình trạng vốn dồn vào năm cuối của chương trình. Thứ tư nhất trí kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 đến hết ngày 31/12/2024, không cho phép chuyển nguồn kinh phí giao trước năm 2023. Cần đánh giá kỹ nguyên nhân, trách nhiệm, phân tích cụ thể từng nhóm chi chuyển nguồn, nguyên nhân của chuyển nguồn qua các năm chiếm đến khoảng 56% tổng dự toán chi đầu tư phát triển.
 
 

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi.
 
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan cho rằng về cơ cấu ngân sách trung hạn, cần cân đối hài hòa hơn giữa kinh tế với văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội và đối ngoại. Tiếp tục tăng cấp vốn tín dụng thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục đánh giá thực chất việc đạt mục tiêu nông thôn mới, tỷ lệ giảm nghèo, điều kiện phát triển ở vùng biên giới, địa bàn khó khăn phải thực hiện sáp nhập. Cần đặc biệt quan tâm chính sách tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức cấp cơ sở, cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn, thôn, bản.
 
Chiều nay, tham gia tại tổ góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Lương Văn Hùng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đề nghị cần quy định rõ, cụ thể hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Đề nghị tăng cường quyền hạn cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Tăng cường vai trò của Công đoàn trong khởi kiện người sử dụng lao động.
 
Đại biểu Lương Văn Hùng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi cho rằng vấn đề quan trọng cần tăng cường hiện nay là khắc phục và xử lý mạnh mẽ hành vi chậm, trốn đóng BHXH bắt buộc. Theo đó, cần quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc kiểm tra, thanh tra, xử lý hành chính đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do vậy, đề nghị bổ sung chức năng xử phạt hành chính khi phát hiện trường hợp chậm, trốn đóng BHXH cho cơ quan BHXH Việt Nam (hiện tại dự thảo Luật chỉ quy định cho cơ quan BHXH phát hiện, khởi kiện và kiến nghị khởi tố).
 
Tham gia thảo luận ở tổ thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Thị Hồng An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đề nghị làm rõ việc bảo đảm tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
 
Đại biểu Trần Thị Hồng An, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đề nghị cân nhắc bổ sung chế độ trợ cấp trẻ em và tăng cường các mức hưởng với mục tiêu là hỗ trợ trẻ em và hỗ trợ các gia đình nghèo, gia đình khó khăn kinh phí chăm sóc con cái. Trong 9 chế độ Bảo hiểm theo Công ước 102,  trợ cấp trẻ em là chế độ bảo hiểm xã hội duy nhất mà Việt Nam chưa thực hiện. Việc bổ sung chế độ trợ cấp trẻ em có thể giúp người lao động giảm bớt khó khăn trước mắt khi sinh con và nuôi con nhỏ, giúp giữ chân họ ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội thay vì hưởng bảo hiểm xã hội một lần; Việc bổ sung chế độ trợ cấp trẻ em cũng có ý nghĩa đối với cơ quan bảo hiểm xã hội như: giúp thực hiện mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; tăng nguồn thu vào Quỹ bảo hiểm xã hội trong ngắn hạn và trung hạn.
 
Đại biểu cho rằng, ở Việt Nam hiện nay chế độ trợ cấp trẻ em chỉ được quy định bởi chế độ trợ cấp xã hội do ngân sách nhà nước chi trả theo Nghị định số 20 ngày 15/3/2021 của Chính phủ. Theo đó, quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội với một tỷ lệ rất nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu./.
 
Thời sự Truyền hình PTQ 19h45 ngày 02/11/2023/Minh Hiền
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng