Tin tức

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi tham gia thảo luận về kinh tế - xã hội

Thứ tư, 01/11/2023 - 19:39

Hôm nay 01/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và một số vấn đề quan trọng khác. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã tham gia ý kiến ở nhiều nội dung.

 

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi tham gia thảo luận về kinh tế - xã hội.
 
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã tham gia ý kiến về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 26 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, nhất là về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh biển đảo. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến 03 vấn đề sau.
 

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi.
 
 
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: Tập trung xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch vùng và quy hoạch từng địa phương trong vùng giai đoạn 2021 - 2030, tạo cơ sở pháp lý để các địa phương trong vùng liên kết, hợp tác, điều phối, phân công rõ vai trò, chức năng nhiệm vụ trên sơ sở chuyên môn hóa cao phù hợp với lợi thế so sánh của các địa phương và các tiểu vùng.
 
 
Tập trung phát triển kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển. Bên cạnh kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí, nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo, cần phát triển ngành du lịch biển với các sản phẩm du lịch chất lượng cao, đặc thù, đặc sắc theo từng khu vực, địa phương.
 
Phát triển các huyện đảo, bên cạnh nâng cao năng lực phòng thủ, cần nâng cao năng lực kinh tế cho các huyện đảo. Hiện nay, kết cấu hạ tầng trên các huyện đảo phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, cần đầu tư đột phá hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại kết nối bờ, biển, đảo như cảng biển, sân bay, đường bộ, điện lưới, thông tin liên lạc. Để làm được điều này, rất cần cơ chế đặc thù cho các huyện đảo vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ gồm: Trường Sa, Lý Sơn, Cồn Cỏ nói riêng và 12 huyện đảo của cả nước nói chung để ưu tiên nguồn lực đầu tư, vì ngoài chức năng là một đơn vị hành chính, các huyện đảo còn liên quan đến vai trò là điểm xác lập đường cơ sở, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
 
Về lĩnh vực giáo dục, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương ghi nhận việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo còn hạn chế. Mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Đại biểu đề nghị xem xét tăng chi cho sự nghiệp giáo dục. Ưu tiên việc đảm bảo nhu cầu kinh phí chi cho sự nghiệp giáo dục của các địa phương trong tổng dự toán chi cân đối được giao.
 
Về đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân, đại biểu cho rằng, qua các năm, chỉ tiêu về tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đều đạt kế hoạch. Tuy nhiên, công tác khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn khó khăn do vướng thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.


Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi.
 
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: Theo Nghị định số 146 năm 2018 của Chính phủ quy định: “Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được thẩm định nhưng không vượt quá tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh”, do đó chi phí khám chữa bệnh BHYT không được thanh toán đầy đủ theo số thực tế, dẫn đến tình hình hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh gặp nhiều khó khăn, thiếu kinh phí chi trả cho nhà cung cấp thuốc, chậm bổ sung vật tư y tế mới... làm cho người bệnh bị thiệt thòi, thiếu thuốc bảo hiểm y tế, một số dịch vụ y tế phải thực hiện bên ngoài; ảnh hưởng tâm lý của các bác sĩ đến hoạt động chuyên môn… Vấn đề này, trước đây các đại biểu đã kiến nghị và để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc Chính phủ ban hành Nghị quyết 144 năm 2022. Theo đó, Cho phép quyết toán, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của năm 2021. Cử tri rất ghi nhận sự quan tâm của Chính phủ. Tuy nhiên, đối với các năm 2019, 2020, 2022 thì chưa có văn bản giải quyết, vẫn tồn đọng chi trả các khoản thanh toán các năm (đối với Quảng Ngãi là 88,89 tỷ đồng). Vì vậy, đề nghị Chính phủ xem xét giải quyết, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo mức thực thanh - thực chi để giải quyết vướng mắc trên, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT, thu hút người dân tham gia, đạt mục tiêu BHYT toàn dân.
 
Liên quan đến ngân sách, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương kiến nghị, đối với nguồn thực hiện cải cách tiền lương, sau khi ngân sách bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền thì cho phép HĐND tỉnh được quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách tỉnh để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương như cơ chế đặc thù của TP. Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho địa phương linh hoạt sử dụng nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đối với các địa phương có điều tiết về ngân sách Trung ương./.
 
Thời sự Truyền hình PTQ 19h45 ngày 01/11/2023/Minh Hiền
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng