Tin tức

Cử tri đề nghị các cấp, các ngành đẩy mạnh đấu tranh với “tham nhũng vặt”

Chủ nhật, 15/10/2023 - 13:11

Ngày 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

 
Tại phiên họp, trình bày dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, cử tri và Nhân dân vui mừng, phấn khởi về kết quả và ý nghĩa rất quan trọng của Hội nghị Trung ương tám, khóa XIII; đánh giá cao sự lãnh đạo sáng suốt của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kịp thời chỉ đạo toàn diện các vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đặc biệt là công tác đối ngoại đạt được kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường. 

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao hoạt động của Quốc hội và các cơ quan dân cử ngày càng đổi mới, phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng. Các kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận được sự quan tâm lớn của cử tri và Nhân dân. Cử tri và Nhân dân phấn khởi khi được tham gia đóng góp ý kiến rộng rãi cho dự án Luật Đất đai (sửa đổi); đánh giá cao Quốc hội đã giám sát việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông; xem xét cho ý kiến về kết quả thực hiện lời hứa của các vị bộ trưởng và thành viên Chính phủ; tổ chức thành công Hội nghị nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9, lan tỏa tình hình đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, đã tập trung rất cao cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; thành lập các tổ để kiểm tra tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Tập trung chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm quốc gia; kịp thời chỉ đạo giải quyết khắc phục thiệt hại do thiên tai, bão lũ, cháy nổ gây ra.

Cử tri và Nhân dân vui mừng phấn khởi với kết quả hoạt động đối ngoại của các lãnh đạo Đảng, nhà nước. Đặc biệt, lần đầu tiên Tổng thống Hoa Kỳ thăm Việt Nam theo lời mời của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là sự khẳng định vị thế và uy tín quốc tế của Đảng và người đứng đầu Đảng ta. Kết quả hoạt động đối ngoại đã nâng tầm vị thế, uy tín nước ta trên trường quốc tế. Mở ra cơ hội thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta. Là tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong lúc khó khăn.

Cử tri và Nhân dân bày tỏ sự tin tưởng và tiếp tục ủng hộ công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước; tin tưởng vào kết quả điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực, đảm bảo không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực thật sự góp phần quan trọng củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, nhà nước đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Song cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, trăn trở về tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày một tinh vi hơn, thậm chí xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng cho biết, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về tình trạng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp; thu ngân sách Nhà nước gặp khó khăn; triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục tháo gỡ khó khăn; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động; có giải pháp tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn tín dụng để phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh.

Cử tri và Nhân dân bàng hoàng, đau xót, chia sẻ những mất mát lớn lao đối với gia đình các nạn nhân vụ cháy chung cư mi ni ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Quan tâm lo ngại về tình trạng bạo hành trẻ em diễn biến phức tạp; tội phạm lừa đảo, cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen, tổ chức cá độ trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng.

Cử tri và Nhân dân đề nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật An ninh mạng; ngăn chặn tình trạng kích điện giun đất đang diễn ở nhiều địa phương gây tác hại khôn lường. Đồng thời còn bức xúc với tình trạng mất an toàn thực phẩm; sử dụng thuốc trừ sâu quá mức, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân; tình trạng quảng cáo thuốc đông y, gia truyền, thực phẩm chức năng gây hoang mang trong Nhân dân.

Cùng với đó, cử tri và Nhân dân còn bức xúc với tình trạng “quy hoạch treo” dự án đầu tư dở dang ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người dân; tình trạng một số người đã đầu tư mua nhà ở, đất ở đến nay dự án bị dừng, quyền lợi của người dân chưa được giải quyết thỏa đảng.

Trong báo cáo, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh thông tin Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam gửi 5 kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước.

Cụ thể: Kiến nghị Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo các bộ ngành, địa phương kiểm tra, đánh giá tổng thể các nguy cơ về thiên tai, sạt lở đất, phòng chống cháy nổ, an toàn hồ đập, an toàn giao thông, an toàn khi tổ chức các sự kiện đông người để có giải pháp phù hợp, chủ động đề phòng và xử lý kịp thời khi có sự cố bảo đảm an toàn cho người dân. Đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, nguy cơ mất an toàn, công khai minh bạch để Nhân dân giám sát.

Kiến nghị Đảng, Nhà nước sớm triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XII, góp phần cải thiện đời sống để cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương để yên tâm công tác.

Đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục có các giải pháp hiệu lực, hiệu quả tháo gỡ khó khăn, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng; tạo việc làm, tăng thu nhập cho doanh nghiệp và người dân.

Đề nghị các cấp, các ngành các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Đẩy mạnh đấu tranh với “tham nhũng vặt” gây phiền hà sách nhiễu doanh nghiệp và người dân.

Kiến nghị với cơ quan chức năng cho kiểm tra, thanh tra toàn diện việc nhập khẩu đỗ tương để sản xuất thức ăn gia súc bị một số cá nhân lợi dụng đem sản xuất thức ăn cho người. Làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

* Tại Quảng Ngãi, các cấp ủy Đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kể cả các hành vi “tham nhũng vặt” theo tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 12/01/2023 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.Theo đó, các cấp ủy Đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quán triệt quan điểm chỉ đạo của Chỉ thị số 27-CT/TU  “với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt, bài bản, hiệu quả hơn và với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", làm cho Đảng ta và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân” để thực hiện có hiệu quả 5 nhiệm vụ theo Chỉ thị số 27-CT/TU gồm:

1. Tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân. Tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, trọng tâm là 2 Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương; Luật Phòng, chống tham nhũng, Chỉ thị số 10-CT/TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Tiếp tục rà soát xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế pháp lý, quy định, quy trình, quy chế công tác nhằm kiểm soát chặt chẽ quyền lực tại các cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ công, có chức năng giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân.

2. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và Nhân dân, trọng tâm là tiếp tục quán triệt sâu sắc những nội dung cơ bản, cốt lõi của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Kết luận số 01- KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TW, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thống nhất về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Nâng cao ý thức về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong giải quyết công việc vì vụ lợi, để cho mọi người thấy hậu quả to lớn của nó, đó là: làm xói mòn niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước bị giảm sút, là một trong những nguy cơ ảnh hưởng đến tồn vong của chế độ. Tuyên truyền đến người dân ý thức về tuân thủ pháp luật, tích cực lên án, tố giác hành vi tham nhũng, tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, người dân kiên quyết không "lót tay", không "phong bì", không "tiếp sức" cho hành vi tham nhũng, không để tham nhũng "lây lan".

3. Cấp ủy, thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống "tham nhũng vặt" của cơ quan, đơn vị mình, phải coi công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trong đó có “tham nhũng vặt” là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, liên tục, lâu dài. Cơ quan, đơn vị nào để tình trạng "tham nhũng vặt" diễn biến phức tạp, có dư luận xấu thì cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước. Cần mạnh dạn giao trách nhiệm gắn với giao quyền và có sự kiểm soát để không lạm quyền, không thể "tham nhũng". Thường xuyên rà soát và đánh giá lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị, nhất là ở những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành; kịp thời chấn chỉnh, thay thế những cán bộ không đủ phẩm chất, đạo đức, có dư luận về tiêu cực, tham nhũng; thường xuyên giáo dục nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ Nhân dân cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Coi kết quả công tác phòng, chống "tham nhũng vặt" là một trong những tiêu chí đánh giá công tác cán bộ hằng năm.

4. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; chú trọng công tác tự kiểm tra, giám sát nội bộ, nhất là các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các lĩnh vực, địa bàn, vị trí dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; nơi có nhiều tố cáo, khiếu nại, dư luận xã hội quan tâm. Chú trọng thực hiện có hiệu quả giải pháp về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, theo hướng giảm thiểu và minh bạch hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin vào việc cung cấp dịch vụ công. Chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa, không để sai sót nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong giải quyết công việc theo nguyên tắc "có vụ việc, có dư luận thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; xử lý cả hành vi tham nhũng và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng".

5. Phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí và Nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, “tham nhũng vặt” nói riêng; động viên Nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố giác, cung cấp thông tin về các hành vi “tham nhũng vặt”; Báo Quảng Ngãi, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi thường xuyên xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời phát hiện, đưa tin phản ánh những hành vi tham nhũng ra công luận, đồng thời biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác phòng, chống "tham nhũng vặt"./.

 

* Các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực:

1- Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị. Xem tại đây.

2- Tài liệu quán triệt Kết luận số 10-KL/BCT. Xem tại đây.

3- Chỉ thị số 27-CT/TW của BCT. Xem tại đây.

4- Chỉ thị số 10 CT-Tg của Thủ tướng Chính phủ. Xem tại đây.
5- Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 12/01/2023 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Xem nội dung tại đây.

6- Bài phát biểu của Tổng Bí thư về phòng chống tham nhũng. Xem nội dung tại đây.

7- Quy định số 114-TW. Xem nội dung tại đây.

8- Chỉ thị số: 11/CT-UBND ngày 06/9/2023 của UBND tỉnh. Xem nội dung tại đây.

9- Những Nội dung cơ bản của Luật phòng chống tham nhũng. Xem nội dung tại đây.

 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng