Tin tức

Chăm lo đời sống nhân dân theo di nguyện của Bác Hồ

Thứ sáu, 01/09/2023 - 12:00

Trong bản Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”. Khắc ghi lời dạy của Người, Quảng Ngãi đã tập trung chăm lo đời sống Nhân dân ngày càng tốt hơn và xây dựng quê hương ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.


Đại công trình thủy lợi Thạch Nham.
 
Khắc ghi lời dạy của Người, ngay sau tái lập, Tỉnh ủy đã ban hành ngay Nghị quyết tập trung toàn lực để sớm hoàn thành đại công trình thủy lợi Thạch Nham. Nhất định phải có nước để sản xuất nông nghiệp, sức người đã huy động tổng lực để làm nên đại công trình thủy lợi Thạch Nham lớn nhất khu vực miền Trung. Năm 1997, công trình thủy lợi Thạch Nham đã hoàn thành vượt kế hoạch trước 03 năm. Nước Thạch Nham đã về khắp đồng ruộng, tạo niềm phấn khởi vô bờ cho nông dân Quảng Ngãi. 

Công trình thủy lợi Thạch Nham tưới cho gần 80.000 ha đất sản xuất nông nghiệp.
 
Và sau khi hoàn thành đại công trình thủy lợi Thạch Nham, Quảng Ngãi đã chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi để phục vụ nước tưới cho sản xuất của nông dân, làm nên cộc cách mạng xanh trong nông nghiệp. Đời sống của nông dân Quảng Ngãi đã khởi sắc từ đây. Nếu như năm 1991, toàn tỉnh có 140 công trình thủy lợi, phục vụ nước tưới cho trên 12.000 ha, thì đến nay có trên 800 công trình thủy lợi, phục vụ nước tưới cho gần 80.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, tăng gần 6 lần. Năng suất lúa tăng dần qua từng năm. Năm 1989, năng suất lúa bình quân đạt trên 26 tạ/ ha. Những năm gần đây, năng suất lúa bình quân của tỉnh đạt 63 tạ/ha, tăng 37 tạ/ha, gấp hơn 2,4 lần so với năm 1989.
 
Ông Lý Xuân Nghị, thôn Mỹ Danh, xã Tịnh Hiệp, Sơn Tịnh.
 
Ông Lý Xuân Nghị trên 70 năm gắn bó với mảnh đất Tịnh Hiệp. Nơi mà vùng đất khô cằn sỏi đá đã hồi sinh nhờ nguồn nước mát Thạch Nham. Những cánh đồng lúa chín vàng trĩu hạt đã giúp nông dân phát triển sản xuất, đời sống ấm no hơn.

Ông Lý Xuân Nghị, thôn Mỹ Danh, xã Tịnh Hiệp, Sơn Tịnh rất vui mừng trước sự thay đổi của quê hương: Trước kia cánh đồng đất cát, bạc màu. Trong khi giải phóng về, Đảng, nhà nước làm theo lời Chủ tịch khi qua đời là làm cho dân ai cũng có cơm no, áo mặc, ai cũng được học hành. Đúng y như lời Chủ tịch nói, Đảng nhà nước từ trên xuống dưới lãnh đạo nên cuộc sống bà con lần lần thay đổi. Đường sá bê tông mở rộng, nước thạch nham làm bê tông hóa đưa về. Khi nước về đời sống nhân dân vô cùng thay đổi về mọi mặt, kinh tế lẫn tinh thần. 

Nâng cao đời sống cho nông dân. Quảng Ngãi đã đề ra nhiều chủ trương để phát triển nông nghiệpnông thôn theo hướng bền vững. Tỉnh đã chủ trương chuyển đổi từ sản xuất 03 vụ bấp bênh sang 02 vụ ăn chắc. Đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, ứng dụng khoa học kỹ thuật và đưa các giống mới, năng suất cao vào sản xuất. Nhờ đó, từ một tỉnh có nền nông nghiệp lạc hậu, manh mún, đến nay, Quảng Ngãi đã đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và xây dựng được 185 cánh đồng mẫu lớn với diện tích gần 3.600 ha, năng suất lúa bình quân đạt 67,7 tạ/ ha, cao hơn so với lúa đại trà từ 3-7 tạ/ha.


 
Quảng Ngãi đã chuyển đổi trên 1.500 ha từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Sau chuyển đổi, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích cao hơn so với trồng lúa từ 11 triệu - 140 triệu đồng/ha. Giá trị sau thu hoạch trên 01 ha đất canh tác bình quân của tỉnh đạt 85 triệu đồng/ha/năm. 

Nông thôn Quảng Ngãi sau 12 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã khoác lên mình sắc diện mới. Ý Đảng – lòng dân. Sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, Quảng Ngãi đã có 94/148 xã về đích. Nông thôn mới đã mang lại sắc diện mới ở các vùng nông thôn. Cuộc sống mới với những sắc màu hạnh phúc, ấm no, lan tỏa khắp vùng nông thôn tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Phạm Văn Đạt, Xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành.
 
Ông Phạm Văn Đạt, Xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành cho rằng: Bà con, Nhân dân ở đây nhận thấy huyện Nghĩa Hành nhờ nông thôn mới mà tất cả đường sá, cầu cống rất đẹp, rất tốt. Người dân ở đây rất phấn khởi. Ngày xưa không có như vậy được. Dân vui mừng biết ơn Đảng, Nhà nước hỗ trợ tiền của, kỹ thuật, hướng dẫn cho bà con làm. Người dân cảm ơn Đảng, Nhà nước. Chúng tôi thấy việc làm theo lời Bác Hồ nói Đảng, Nhà nước nhân dân thực hiện rất đúng theo lời Bác Hồ theo tinh thần đó người dân rất phấn khởi vui mừng. 


Doosan Vina xuất khẩu sản phẩm. 

Quảng Ngãi đã vươn mình mạnh mẽ trong quá trình hội nhập và phát triển. Sau khi nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước được đầu tư tại Dung Quất, Quảng Ngãi đã thu hút nhiều dự án quy mô lớn đầu tư trên địa bàn khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp của tỉnh. Hơn 10 năm qua, giá trị công nghiệp của Quảng Ngãi đều ở mức cao của khu vực miền Trung. Riêng năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 129 ngàn tỷ đồng, đứng thứ 2 so với 14 tỉnh, thành ở khu vực miền Trung. Nhờ đó đã giải quyết việc làm cho 66.400 lao động và đóng góp tích cực trong phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.  

Ông Phan Thanh Hà, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn.
 
Ông Phan Thanh Hà, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn nói: Sau giải phóng thì vùng đất này rất khô cằn, thuộc vùng sâu vùng xa. Đời sống bà con rất nghèo nàn, lạc hậu. Tỷ lệ hộ nghèo rất cao. Tuy nhiên khi Đảng, Nhà nước đầu tư nhà máy lọc dầu Dung Quất thì bà con nhân dân được hưởng lợi từ việc buôn bán, nhờ cung cầu có buôn bán phát triển kinh tế, nên đến giờ này đời sống bà con nhân dân nâng lên rất rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống đáng kể còn dưới 3%. Đúng là Đảng, Nhà nước chăm lo cho nhân dân theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, các cấp ủy, chính quyền ở Quảng Ngãi trong suốt những năm qua đã quyết tâm từng bước tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của các huyện miền núi, nhằm thu hẹp khoảng cách vùng, miền.  Hệ thống giao thông ở các huyện miền núi cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân. Mạng lưới y tế cơ sở ngày càng được củng cố và hoàn thiện. 100% xã có trạm y tế và có bác sỹ. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Ngãi giảm xuống còn hơn 30%. Ước đến cuối năm nay, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi giảm 4,51%, vượt 0,01% so với chỉ tiêu đề ra.  Bộ mặt nông thôn ở các huyện miền núi ngày càng khởi sắc. Chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên. 

Ông Bùi Duy Minh, huyện Trà Bồng.
 
Ông Bùi Duy Minh, huyện Trà Bồng cũng có chung niềm vui như sau: Từ ngày giải phóng đến giờ đúng là chăm lo đời sống nhân dân đúng như lời Bác Hồ đã nói. Làm sao cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh thì cái đó thấy từng bước Đảng, Nhà nước đã thực hiện tốt. Điện đường, trường trạm, địa phương này không còn gì để nói. Ngày xưa người ta nói đi nước lớn tức là đi thành phố Quảng Ngãi, nay không cần ngồi đây là có tất. Phải nói là phát triển không tưởng. So với 40 năm thì không còn từ gì để nói của 40 năm trước. Mình lạc hậu đến độ này, nay tiến bộ đến độ nào. Phải nói đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, địa phương đã đi đúng di chúc của Chủ tịch đã để lại.


Giao thông miền núi Quảng Ngãi.

Từ một tỉnh thuần nông, quy mô nền kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi hiện đã đứng thứ 18 tỉnh, thành trong cả nước. Thành quả của tỉnh Quảng Ngãi trong phát triển kinh tế - xã hội hôm nay là minh chứng rõ nét trong thực hiện di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Ngãi quyết tâm xây dựng tỉnh nhà ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn theo ước nguyện của Người./.
 
Bản tin truyền hình PTQ 11h30 ngày 1/9/2023. Mai Hạnh, Lương Triều

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng