Tin tức

Lúa “sốt” giá, nông dân Đồng Tháp vừa mừng, vừa lo

Thứ năm, 17/08/2023 - 14:31

Thời gian gần đây, với sự biến động mạnh của thị trường thế giới, giá lúa tại tỉnh Đồng Tháp, cũng như trên địa bàn cả nước tăng liên tục. Người trồng lúa ở Đồng Tháp vui mừng vì bán được giá cao hơn, nhưng cũng đang thấp thỏm lo lắng vì chi phí sản xuất, phân bón tăng theo và hợp đồng mua bán với thương lái không ổn định.


Lúa “sốt” giá, nông dân vừa mừng, vừa lo.
 
Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là ông Lê Văn Xệ sẽ thu hoạch 1,2ha lúa OM18. Cách đây hơn 1 tháng, ông đã nhận đặt cọc với giá 7.000 đồng/kg, khi thu hoạch, nếu giá lúa cao hơn thì giá mua cộng thêm 50%  giá chênh lệch. Giá bán như vậy là rất được so với các vụ trước, nhưng ông không yên tâm vì mới chỉ hợp đồng với “cò lúa” chứ không làm trực tiếp với thương lái. Dường như đã trở thành “luật bất thành văn”, từ lâu nay, nhiều nông dân phải bán lúa cho thương lái thông qua “cò lúa”.
 
Ông Lê Văn Xệ, xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp, nói: “Họ bỏ cọc 7.000 rồi nhưng bây giờ cũng chưa biết. Bán rồi mới biết, tiền vô túi mới biết, chứ bây giờ chưa biết. Giá lúa lên cũng mừng mà bây giờ giá phân lên quá trời, làm không có lời nhiều”.
 
Phấn khởi vì giá lúa tăng chưa được bao lâu, lúa còn chưa thu hoạch thì giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã tăng lên. Từ lúc gieo sạ đến khi thu hoạch lúa trung bình mất khoảng 3 tháng. Trong khoảng thời gian đó, thị trường biến động, nông dân bán lúa chưa chắc được giá cao nhưng chi phí thì phải bỏ ra ngay từ khi xuống giống. Vụ này thắng lợi nhưng chưa biết vụ sau được mất thế nào.
 
Ông Trần Văn Đằng, xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp, chia sẻ:Mình phấn khởi vì giá lúa tăng như vậy nhưng có nỗi lo như thuốc sâu, phân bón. Cái giá phân bón và thuốc sâu hiện giờ tăng rồi đó. Lúa mình thì cuối rồi nhưng sợ vụ tới sợ tăng bất thường rồi đây đồng tiền mình theo không kịp với phân, thuốc.

 

Diện tích sản xuất lúa mỗi năm của tỉnh Đồng Tháp dao động khoảng 480.000 - 500.000 ha.
 
Diện tích sản xuất lúa mỗi năm của tỉnh Đồng Tháp dao động khoảng 480.000 - 500.000 ha, sản lượng ước tính trên 3,3 triệu tấn. Để gia tăng lợi nhuận cho nông dân, tỉnh Đồng Tháp đã vận động bà con áp dụng các biện pháp canh tác mới.
 
Cơn “sốt” giá lúa, gạo gần đây đã giúp nông dân có lãi cao hơn những vụ trước. Tuy nhiên, hiện nay, hạt lúa phải “cõng” quá nhiều chi phí, mà các chi phí này cũng đang đội lên theo kiểu “nước lên, thuyền lên”, thì việc giá lúa liên tục tăng chưa hẳn người nông dân đã có thể hưởng lợi. Bà con nông dân rất mong cơ quan chức năng có giải pháp bình ổn thị trường vật tư nông nghiệp; hỗ trợ cắt giảm các khâu trung gian từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm giảm thiểu tối đa chi phí./.

 
 Nhựt An - PV TTXVN tại Đồng Tháp

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng