Tin tức

Không thể xem nhà khoa học là nhân viên công nghệ

Thứ năm, 17/08/2023 - 14:16

Sau 30 năm thành lập, Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam với sự dẫn dắt của Giáo sư vật lý gốc Việt nổi tiếng Trần Thanh Vân đã trở thành mạng lưới kết nối hợp tác nghiên cứu khoa học hàng đầu giữa Việt Nam và bạn bè năm châu. Trở lại Việt Nam sau nhiều năm, những nhà khoa học của tham dự kỉ niệm 30 năm thành lập và chuỗi sự kiện Gặp gỡ Việt Nam 2023 đã mang theo nhiều trăn trở đặc biệt là yếu tố con người cho tương lai của khoa học và công nghệ nước nhà.


Giáo sư Stephan Paul đến từ Đại học Kỹ thuật Munich.
 
Tham gia Gặp gỡ Việt Nam 2023, giáo sư Stephan Paul đến từ Đại học Kỹ thuật Munich, Đức đã dành thời gian để gặp gỡ với nhiều nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực vật lý của Việt Nam. Ông cho rằng, Việt Nam đang sở hữu rất nhiều tài năng nhưng đang thiếu cơ chế tốt để các nhà khoa học có cơ hội để phát triển và theo đuổi sự nghiệp đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản.

Giáo sư Stephan Paul – Đại học Kỹ thuật Munich, Đức, nói: “ Nhiều nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam thực sự rất có năng lực nhưng khi được hỏi về tương lai thì họ đều lo lắng bởi công việc hiện tại không đủ để nuổi sống bản thân và gia đình họ. Vì vậy mà không hẳn là một mức lương quá cao nhưng cũng phải đủ để họ theo đuổi công việc, điều quan trọng hơn là phải trao cho họ cơ hội được giao lưu, gặp gỡ và phát triển sự nghiệp của mình”.

 Trong câu chuyện của những nhà khoa học hàng đầu thế giới, có rất nhiều ngạc nhiên, ngỡ ngàng với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam sau 30 năm. Tuy nhiên, trong lĩnh vực khoa học công nghệ, họ không khỏi băn khoăn cho tương lai đặc biệt là nguồn nhân lực cho khoa học và công nghệ.

Giáo sư Trần Thanh Vân – Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, chia sẻ:Không thể xem nhà khoa học giống nhân viên công nghệ vì các nhà khoa học có chất xám không thể ai có thể đánh giá được. Trong lúc Việt Nam xúc tiến rất nhiều về kinh tế thì ngoài kia chất xám có thể chảy và một ngày kia nó có thể cạn.

Giáo sư Monica Pepe Altarelli - Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu, nói: “ Việt Nam nên tham khảo bài học phát triển KHCN của Israel đặc biệt trong việc ưu tiên đầu tư cho con người. Khi quốc gia này chỉ còn là một quốc gia nghèo, họ đã dành nguồn lực trao cơ hội cho những sinh viên xuất sắc nhất được học tập ở những trường đại học tốt nhất trên thế giới với điều kiện sẽ quay trở về nước làm việc. Và những hạt giống này đã tạo ra những thế hệ nhà khoa học ưu tú tiếp theo cho đất nước. Đây chính là nguồn lực quan trọng nhất để tạo nên một quốc gia Israel hàng đầu về công nghệ ngày nay”.

       30 năm kể từ lần đầu tiên Gặp gỡ Việt Nam được tổ chức,  sự tham gia của nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới cho thấy sự tâm huyết và nhiệt tình của họ đối với Việt Nam. Tiếng nói, đóng góp của các nhà khoa học sẽ là những gợi ý thiết thực hiệu quả cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý về cách thức, lộ trình và những kinh nghiệm quý báu của các nước phát triển cho Việt Nam về phát triển KHCN nói riêng  và phát triển bền vững nói chung./.

 
Theo TTXVN

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng