Tin tức

Vốn tín dụng chính sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Thứ năm, 10/08/2023 - 20:37

Hộ nghèo luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần. Cùng với các chính sách an sinh xã hội, chính sách tín dụng ưu đãi đã tiếp sức giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương thoát nghèo. Được vay vốn, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư mở rộng chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế.

 

 
Ba năm trước, gia đình chị Hồ Thị Tâm được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách huyện Trà Bồng. Số tiền này được dùng để đầu tư chuồng trại chăn nuôi heo thịt. Chịu khó học hỏi và tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi nên chuồng trại lúc nào cũng sạch sẽ. Đàn heo được chăm sóc đúng cách và phòng bệnh tốt nên mang lại nguồn thu nhập khá. Năm ngoái, chị Tâm đã trả xong nguồn vốn vay của ngân hàng và sau đó vay lại 40 triệu đồng để trồng ba hecta keo. Hộ chị Tâm đang được địa phương xem xét đưa ra khỏi hộ nghèo.
 

Chị Hồ Thị Tâm, Xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi.
 
Chị Hồ Thị Tâm, Xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi nói: Không có nguồn vay thì mình không có điều kiện để làm ăn, cũng nhờ có nguồn vay mà mình kinh tế cho nó phát triển. Lần đầu tiên chị nuôi có 10 con mế, đợt 2 lấy thêm 15 con, nuôi dần dần nhiều dần.

 
 
Những vật dụng tiện ích phục vụ sinh hoạt cho gia đình được mua sắm khá đầy đủ. Từng là hộ nghèo và được tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội, gia đình chị Hồ Thị Trà có điều kiện phát triển trồng trọt, chăn nuôi và mở thêm kinh doanh nhỏ. Kinh tế gia đình giờ đã khá lên.

 

Chị Hồ Thị Trà, Xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi
 
Chị Hồ Thị Trà, Xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi chia sẻ: Năm 2014 em có vay ngân hàng chính sách 50 triệu để trồng keo, sau 4 năm đó, em khai thác keo được 70, 80 triệu em lấy số tiền đó mua thêm đồ dùng trong nhà, với lại nuôi thêm heo, cuộc sống bây giờ ở nhà cũng đỡ hơn hồi xưa nhiều.

 
 
Ở các huyện miền núi, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đa số nên nguồn vốn chính sách rất cần thiết. Thông qua các hội đoàn thể, người dân được tiếp cận nguồn vốn vay nhanh nhất. Riêng tại huyện Trà Bồng, nguồn vốn vay ưu đãi qua ngân hàng chính sách xã hội huyện tính đến ngày 30/6/2023 là hơn 50 tỷ đồng, với gần 1.200 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm. Nguồn vốn vay đã góp phần cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn của người nghèo. Năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, đã có 520 hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi.

 

Anh Hồ Văn Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi
 
Anh Hồ Văn Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi cho biết: Khi có nguồn vốn đáp ứng cho bà con tiếp tục nhân rộng thêm, từ nguồn vốn đẻ ra lãi bà con nhân rộng ra trồng rừng, trồng keo, sau đó bà con đầu tư vào chăn nuôi heo, riêng ở thôn Bắc của xã Trà Sơn là chăn nuôi heo nhiều nhất, rồi chăn nuôi bò, sau đó có lồng ghép chăn nuôi gà để đáp ứng đời sống của bà con.

 

Ông Đỗ Đình Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi
 
Ông Đỗ Đình Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi cho biết: Nguồn vốn cho vay này góp phần rất lớn trong việc giải quyết việc làm đối với những lao động thiếu việc làm hoặc có việc làm không ổn định, từ đó tạo điều kiện cho các lao động này có thu nhập và vươn lên thoát nghèo.
 
Tỉnh Quảng Ngãi trong 06 tháng đầu năm 2023 đã có hơn 17 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi, với tổng nguồn vốn gần 5.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn vay ưu đãi là điểm tựa cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện đời sống./.
 
Thời sự Truyền hình PTQ 19h45 ngày 10/8/2023/Phi Khanh, Phúc Hảo, Trường Thịnh
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng