Tin tức

Nhiều doanh nghiệp khai bị ép đưa hối lộ để cấp phép chuyến bay

Thứ tư, 12/07/2023 - 14:25

Sáng nay 12/7, phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” tiếp tục với phần thẩm vấn các doanh nghiệp. Khai tại tòa, đa số các bị cáo là đại diện các doanh nghiệp tổ chức thực hiện các chuyến bay giải cứu trong vụ án này đều khai bị gợi ý, thậm chí bị ép phải đưa tiền hối lộ mới được cấp phép các chuyến bay, cấp phép thực hiện chủ trương cách ly tại địa phương.


Nhiều doanh nghiệp khai bị ép đưa hối lộ để cấp phép chuyến bay
 
Khai tại tòa, bị cáo Hoàng Diệu Mơ (Tổng Giám đốc Công ty An Bình) cho biết đã sử dụng Công ty An Bình và 5 công ty liên kết để tổ chức thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước. Hoàng Diệu Mơ đã đặt vấn đề và được các cá nhân có thẩm quyền giải quyết cấp phép 66 chuyến bay. Từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022, Mơ đã đưa hối lộ cho 7 cá nhân có thẩm quyền, tổng số 41 lần, số tiền hơn 34,6 tỷ đồng. Trong đó, đưa 8,5 tỷ cho cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Tô Anh Dũng, đưa 13,2 tỷ đồng cho cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan...  Quá trình điều tra, bị cáo Mơ và gia đình đã nộp 2,4 tỷ đồng khắc phục hậu quả.

Bị cáo Mơ khai nếu bị cáo không đưa tiền hối lộ, nhiều khả năng bị cáo sẽ không được cấp phép thực hiện các chuyển bay giải cứu. Nếu được cấp phép thì cũng chỉ được cấp 1 chuyến bay chứ không được cấp phép tới 66 chuyến bay như vậy.

Tương tự, bị cáo Nguyễn Thị Tường Vy (Giám đốc Công ty ATA) khai việc đưa tiền này là nhằm mục đích cảm ơn các cá nhân đã duyệt cấp phép chuyến bay cho bị cáo, đồng thời đề nghị tiếp tục thực hiện các chuyến bay sau này. Bị cáo Vy nghĩ nếu bị cáo không đưa tiền cảm ơn, thì khó tiếp tục được phê duyệt các chuyến bay tiếp theo.

Bị cáo Trần Thị Mai Xa (giám đốc Công ty Masterlife) khai lúc đầu bị cáo hộp hồ sơ xin cấp phép chuyến bay giải cứu nhưng chờ mãi không được cấp phép, đến sát ngày bay cũng không được các cơ quan chức năng cấp phép. Do vậy, bị cáo đã phải đưa tiền để được cấp phép các chuyến bay và thực tế đã tổ chức được 18 chuyến bay giải cứu.

Các bị cáo này đều cho rằng khi thực hiện hành vi đưa tiền để được cấp phép các chuyến bay đều không nghĩ là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu biết đó là hành vi phạm tội thì sẽ không bao giờ dám thực hiện. Chỉ đến khi làm việc cùng cơ quan điều tra, các bị cáo mới biết đó là hành vi vi phạm pháp luật nên rất ăn năn, hối hận và mong được Hội đồng xét xử xem xét cho hưởng khoan hồng của pháp luật./.

 
Kim Anh – Thành Phương

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng