Tin tức

Khơi thông điểm nghẽn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp là việc làm hết sức cấp bách

Thứ sáu, 30/06/2023 - 20:34

Sáng nay 30/6, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn chủ trì họp phiên thường kỳ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh giữa nhiệm kì thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023. Dự họp có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tấn Đức, lãnh đạo sở, ban ngành và địa phương.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn chủ trì họp phiên thường kỳ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh giữa nhiệm kì thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.
 
Trong 24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu theo Nghị quyết số 01/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX thì đến giữa nhiệm kì vào cuối năm 2023, có 12 chỉ tiêu đạt và vượt, 01 chỉ tiêu đạt một phần, 09 chỉ tiêu còn lại tiếp tục phấn đấu đạt kế hoạch đề ra, 02 chỉ tiêu dự kiến khả năng không đạt là tốc độ tăng trưởng GRDP và năng suất lao động xã hội. Về lĩnh vực kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2023 tăng 5,49%/năm. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong GRDP đến năm 2023 ước đạt 70,33%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2023 ước đạt 4.398 USD/người. Về công nghiệp, GRDP khu vực công nghiệp bình quân giai đoạn 2021 - 2023 tăng 7,94%/năm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp tăng qua hàng năm. Ước năm 2023 chiếm 41,4%. Từ tháng 4/2022, tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát, người dân đã thích ứng với trạng thái bình thường mới, thực hiện tốt chính sách đổi mới và hội nhập kinh tế nên hoạt động thương mại, dịch vụ sôi nổi. GRDP khu vực dịch vụ bình quân giai đoạn 2021 - 2023 tăng 6,06%/năm. Kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 2021 - 2023 tăng 14,2%/năm. GRDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân giai đoạn 2021 - 2023 tăng 3,34%/năm.
 
Sau 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy, việc phát triển hạ tầng trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả nhất định. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2023 đạt 92.832 tỷ đồng, bằng 62% kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Từ đầu nhiệm kì đến nay, Quảng Ngãi có 1.615 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 2,7% so với cùng kỳ. Về phát triển Khu kinh tế Dung Quất, từ đầu nhiệm kì đến nay đã cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 16 dự án, với tổng số vốn đăng ký 94.905 tỷ đồng, tương đương 4,1 tỷ USD. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 37%, vượt chỉ tiêu đề ra. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 79.327 tỷ đồng, bằng 72,9% so với mục tiêu kế hoạch 05 năm 2021 - 2025. Nếu không tính hoàn thuế giá trị gia tăng từ hoạt động xuất nhập khẩu thì thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 85.335 tỷ đồng, bằng 78,4% so với kế hoạch 05 năm 2021 - 2025. Trong đó, thu nội địa ước đạt 57.470 tỷ đồng, bằng 73% so với mục tiêu kế hoạch 05 năm và chiếm 72,4% tổng thu ngân sách nhà nước. Đặc biệt, tỉnh đã xử lý xong phần hụt thu ngân sách nhà nước năm 2019 và năm 2020. Ước đến hết năm 2023, có thêm 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 01 huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh sẽ có 104 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 04 huyện, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn theo chuẩn mới Quốc gia còn 6,68%, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,12%/năm.
 
Trong nửa nhiệm kỳ qua, ngành giáo dục và đào tạo có nhiều đổi mới, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đã đạt được nhiều kết quả. Ngành y tế đã tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống truyền thông giáo dục sức khoẻ từ tỉnh đến cơ sở, đầu tư trang bị các phương tiện cần thiết để hoạt động đạt hiệu quả. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong năm 2020 và năm 2021 được tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, các biện pháp hành chính và chuyên môn y tế phù hợp với các cấp độ dịch, qua đó dịch COVID-19 đã được kiểm soát. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi nổi, có nhiều điểm mới cả về quy mô, hình thức, chất lượng. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được chú trọng. Triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa. Loại hình du lịch biển, đảo và du lịch sinh thái tiếp tục phát triển mạnh, đã thu hút đáng kể lượng khách du lịch và người dân trong tỉnh đến tham quan, nghỉ dưỡng. Ước đến hết năm 2023, phấn đấu thu hút khách du lịch đến tỉnh Quảng Ngãi đạt 720.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 18.000 lượt khách. Doanh thu từ du lịch đạt 900 tỷ đồng. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
 
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh đạt được một số kết quả tích cực. Tổng sản phẩm GRDP tăng 2,65%, thu ngân sách đạt khá, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng 4,05%.  Kim ngạch xuất, nhập khẩu, doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi đều tăng so với cùng kỳ. Các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức sôi nổi, nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân tăng cao, các hoạt động kích cầu du lịch được tổ chức dưới nhiều hình thức đã góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao. Các hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, thương mại như kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến giao thương tại các tỉnh và các nước được thực hiện thường xuyên. Các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội tiếp tục quan tâm, chú trọng triển khai, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để giữ ổn định mặt bằng giá thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát. Cải cách thủ tục hành chính, rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được thực hiện mạnh mẽ. Công tác chuyển đổi số được chú trọng thực hiện trong tất cả các lĩnh vực. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được chú trọng. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
 
Lãnh đạo các sở, ngành và địa phương đã phân tích kết quả đạt được, hạn chế yếu kém, nguyên nhân và giải pháp thực hiện cho nửa nhiệm kì còn lại nói chung và 6 tháng cuối năm 2023 nói riêng. Nền kinh tế của tỉnh có bước tăng trưởng, từng bước phục hồi sau đại dịch COVID-19 nhưng chưa bền vững, tăng trưởng vẫn còn thấp ở một số khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và công nghiệp - xây dựng. Sản xuất công nghiệp có bước phát triển nhưng vẫn còn chậm, các doanh nghiệp công nghiệp còn khó khăn để phục hồi sản xuất sau đại dịch COVID-19. Phát triển công nghiệp còn những hạn chế, như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thiếu sự liên kết với nhau. Năng suất lao động và năng lực cạnh tranh sản phẩm công nghiệp còn thấp. Công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sau lọc dầu còn hạn chế, chưa hình thành phát triển được các cụm ngành công nghiệp theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực. Nhiều sản phẩm xuất khẩu chưa qua tinh chế hoặc chỉ là gia công như dăm gỗ, tinh bột mỳ, thủy sản ướp đông, dệt may, da giày nên giá trị tăng thêm và kim ngạch thấp. Sản xuất nông nghiệp vẫn thiếu bền vững do thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh và giá cả thị trường. Các ngành dịch vụ tuy có phát triển nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, chưa phục hồi hoàn toàn, nhất là hoạt động du lịch lữ hành và dịch vụ vui chơi giải trí. Quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản chưa chặt chẽ, còn xảy ra tình trạng khan hiếm cát xây dựng, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, ảnh hưởng đến các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác trái phép một số loại khoáng sản, như đất, cát, sỏi. Vướng mắc về cơ chế thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, xử lý các dự án chậm tiến độ. Chưa có hướng dẫn tháo gỡ các dự án đầu tư bất động sản dở dang làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, thu tiền sử dụng đất đạt thấp so với kế hoạch đề ra, dẫn đến hạn chế việc huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế.
 
Về văn hóa, xã hội, các đại biểu cho rằng, một số cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia. Vẫn còn tình trạng thiếu thiết bị dạy học, nhiều trường học đã xuống cấp, hư hỏng không sử dụng được. Nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao của ngành y tế vẫn còn thiếu so với nhu cầu, nhất là tại tuyến huyện. Điều kiện chăm sóc y tế cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Phát triển du lịch Quảng Ngãi chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có. Chưa thu hút được các dự án lớn để thúc đẩy du lịch phát triển đột phá và làm nổi bật được giá trị thương hiệu đặc trưng riêng của Quảng Ngãi, chưa đủ sức cạnh tranh với các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên và trên bản đồ du lịch cả nước. Hạ tầng phục vụ công tác chuyển đổi số ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh
 
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các sở ngành và địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao nên trong nửa nhiệm kì qua tỉnh Quảng Ngãi đạt nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, thu ngân sách hàng năm đều vượt dự toán được giao, giúp tỉnh có điều kiện đầu tư phát triển và xử lý phần hụt thu của năm 2019 và năm 2020. Chủ tịch UBND tỉnh thẳng thẳng phân tích những chỉ tiêu không đạt để có những giải pháp quyết liệt hơn, phấn đấu đạt kết quả cao nhất nửa nhiệm kì còn lại.

Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh 6 tháng đầu năm 2023. Theo nhận định, dự báo 6 tháng đầu năm, Quảng Ngãi tăng trưởng âm nhưng tăng trưởng đạt 2,65%. Thu ngân sách đạt kết quả khá cao so với dự toán giao. Chủ tịch UBBND tỉnh cho rằng, quá trình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, nhất là những vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở một số địa phương vẫn còn chậm, chưa quyết liệt để tạo điều kiện, thu hút các nguồn lực đầu tư. Nguồn thu tiền sử dụng đất đạt tỷ lệ thấp so với chỉ tiêu đề ra.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tập trung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước 2024. Rà soát, tham mưu UBND tỉnh trình điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của tỉnh để thực hiện đầu tư các dự án. Sở Công Thương chủ động tham mưu UBND tỉnh làm việc với Bộ Công Thương để triển khai xây dựng Đề án xây dựng Trung tâm lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất. Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch khẩn trương tham mưu xây dựng Đề án phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thành trung tâm du lịch biển - đảo theo Nghị quyết số 26/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.
 
Thời sự Truyền hình PTQ 19h45 ngày 30/6/2023/Tăng Thư, Mỹ An
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng