Tin tức

Phải tạo chuyển biến đột phá cho lĩnh vực lâm nghiệp

Thứ sáu, 23/06/2023 - 21:54

Quan điểm và mục tiêu của tỉnh Quảng Ngãi là phải phát triển ngành chế biến gỗ bền vững, hiệu quả theo chu trình khép kín từ trồng rừng, khai thác, chế biến và tiêu thụ. Phải tạo chuyển biến đột phá trong lĩnh vực lâm nghiệp, phát triển ngành chế biến gỗ không thua kém các địa phương trong khu vực. Nhấn mạnh của Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh tại cuộc họp Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư liên quan đến sản xuất, kinh doanh dăm gỗ trên địa bàn tỉnh sáng nay 23/6. Dự họp có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên, Trần Phước Hiền, lãnh đạo sở ngành, địa phương và các doanh nghiệp chế biến gỗ.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên, Trần Phước Hiền chủ trì cuộc họp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư liên quan đến sản xuất, kinh doanh dăm gỗ trên địa bàn tỉnh. 
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 19 dự án đầu tư đang hoạt động, đang triển khai đầu tư sản xuất dăm gỗ, có hợp phần dăm gỗ ở 09 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, có 06 dự án thực hiện sản xuất 100% dăm gỗ. 13 dự án đầu tư nhiều hợp phần, trong đó có hợp phần dăm gỗ. Đa số các nhà đầu tư thống nhất với định hướng của tỉnh về giảm tỷ lệ băm dăm thô, tăng tỷ lệ chế biến sâu. Thế nhưng, phần lớn chưa đưa ra được lộ trình chuyển đổi của từng dự án. Nguyên nhân là do thị trường ngành gỗ của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp không có đơn hàng, tồn kho lớn không xuất khẩu được. Vấn đề này được thể hiện qua việc kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ của Việt Nam trong thời gian qua chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Tình trạng chung là không thể sản xuất đồ gỗ nhưng vẫn phải duy trì lực lượng nhân công, trả lãi suất ngân hàng, bảo hiểm nên gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Để sản xuất, chế biến sâu, tinh chế gỗ thì cần gỗ lớn nhưng nguồn nguyên liệu gỗ lớn hiện nay tại tỉnh rất thấp. Một số nhà máy không có nguyên liệu để hoạt động. Các nhà đầu tư và địa phương ủng hộ quan điểm không khai thác keo non. Nhà đầu tư sẽ không mua hoặc không khai thác, địa phương tuyên truyền người dân không khai thác keo non.
 
Đại diện các doanh nghiệp đã báo cáo một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư thực hiện các dự án sản xuất, chế biến dăm gỗ và đề xuất một số giải pháp phát triển ngành chế biến dăm gỗ trong thời gian tới. Mong muốn UBND tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục được ổn định sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn, liên kết giữa doanh nghiệp với người dân.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến gỗ đối với tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất kinh doanh, một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, hoạt động chân chính của các doanh nghiệp khác và ảnh hưởng đến giá trị sản phẩm từ việc trồng rừng của người dân mang lại. Các doanh nghiệp cần phải nghiêm túc xem lại việc thực thi pháp luật và trách nhiệm của mình khi hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, trong quá trình quản lý, điều hành phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có định hướng phát triển trong lĩnh vực chế biến gỗ của các cơ quan quản lý trong thời gian qua chưa phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, chưa có định hướng rõ nét. Việc phát triển ồ ạt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ làm mất cân đối cung cầu dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Các doanh nghiệp khi nghiên cứu đầu tư vào tỉnh chưa nghiên cứu đầy đủ, thấu đáo, toàn diện điều kiện thực tiễn của tỉnh về nguồn nguyên liệu, diện tích trồng rừng dẫn đến việc lập và trình dự án đầu tư chưa xác với thực tế. Trong quá trình thực hiện, không thực hiện đầy đủ các ngành nghề kinh doanh đã được cấp có thẩm quyền cấp quyết định chủ trương đầu tư, dẫn đến các doanh nghiệp cạnh tranh chưa lành mạnh trong việc mua bán gỗ của người dân. Các doanh nghiệp cần phải chấn chỉnh thực trạng này.

Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ngành, địa phương liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung thuộc trách nhiệm quản lý của ngành, địa phương. Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan rà soát lại các dự án của các nhà đầu tư có dự án đang sản xuất, hoạt động liên quan trong lĩnh vực dăm gỗ trên địa bàn, tham mưu đề xuất phương án giải quyết những khó khăn, vướng mắc, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư chậm nhất trước ngày 15/7/2023. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hoàn thành hồ sơ lâm bạ, làm cơ sở cho Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời gian sớm nhất. Khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh quy định xác định tỷ lệ phần trăm các sản phẩm gỗ để làm cơ sở cho Sở Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các sản phẩm đã cấp chứng nhận cho nhà đầu tư. Triển khai thực hiện Kế hoạch số 86 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách và đề án về vốn hỗ trợ cho người dân trồng rừng. Chủ tịch yêu cầu các doanh nghiệp chế biến gỗ thực hiện tốt hơn trách nhiệm của doanh nghiệp với người trồng rừng.

Đối với UBND các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thực hiện đầy đủ trách nhiệm, chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn đối với lĩnh vực này. Tổ chức tuyên truyền giải thích, định hướng cho người dân về lợi ích của việc trồng keo bán đúng chu kỳ sinh trưởng và khoản cách đúng quy định. Khẩn trương hình thành các tổ, đội, hợp tác xã để liên kết trồng rừng, rà soát giải quyết vướng mắc thuộc trách nhiệm của địa phương về cấp chứng nhận quyền sử dụng đất./.
 
Thời sự Truyền hình PTQ 19h45 ngày 23/6/2023/Tăng Thư, Mỹ An
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng