Tin tức

Báo chí trong kỉ nguyên số

Thứ tư, 21/06/2023 - 06:52

Hôm nay 21/6, kỉ niệm 98 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam. Ngày mà bất cứ người làm báo nào cũng luôn mong đợi, bởi đây là dịp để chúng tôi cùng nhìn lại chặng đường đã qua, cũng như suy ngẫm về những chông gai đang chờ đón. Nhất là trong môi trường cạnh tranh thông tin khốc liệt như hiện nay, làm nảy sinh những thách thức lớn chưa từng có đối với nền báo chí chuyên nghiệp. Đối mặt với những khó khăn đó, báo chí đã tìm hướng đi nào cho mình?


Báo chí trong kỉ nguyên số
 
Khảo sát của Bộ TT&TT với 158 cơ quan báo chí cho thấy, trong 2 năm đại dịch tổng doanh thu khối báo trong năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020. Khối tạp chí từ 307 tỷ đồng năm 2019 giảm còn 259 tỷ đồng trong năm 2020 và năm 2021 tiếp tục giảm mạnh xuống chỉ còn 170 tỷ đồng. Doanh thu Đài phát thanh, truyền hình năm 2021 cũng giảm 10% so với năm 2020. Sụt giảm doanh thu là tình cảnh chung mà nhiều cơ quan báo chí đang đối mặt. 

Tiến sĩ Ngô Bích Ngọc - Trưởng Khoa Truyền thông đa phương tiện, Đại học Swinburne Vietnam, nói:Trước đây cơ quan báo chí chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thu quảng cáo, bán báo…nhưng hiện nay quảng cáo ngày càng khó khăn hơn như chúng ta biết nguồn thu đi về các mạng xã hội như Facebook, Goolge rất nhiều nên bản thân các cơ quan báo chí phải nghĩ đến việc đa dạng hóa hình thức kinh doanh để làm sao vừa phục vụ công chúng vừa tăng nguồn thu cho tòa soạn.

Mất nguồn thu đồng nghĩa với việc sa sút nội dung và giảm sức ảnh hưởng của kênh tuyên truyền chính thống. Vòng xoáy "cơm, áo, gạo, tiền"  là một trong những nguyên nhân khiến báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích.

Ông Lê Quốc Minh – Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nói:Làm sai tôn chỉ mục đích, không làm đúng chức năng nhiệm vụ của 1 tờ tạp chí tuy số lượng không nhiều nhưng gây ra bức xúc trong xã hội đặc biệt với người dân, khiến cho họ có cái nhìn không tốt về nền báo chí cách mạng nói chung.

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo và các hệ thống robot tinh vi có khả năng viết bài, tạo hình ảnh và video sống động như thật, dự báo sẽ khiến cho nạn tin giả còn nghiêm trọng hơn nữa trong thời gian tới.

 

Đổi mới sáng tạo được coi là chân kiềng thứ ba giúp báo chí tồn tại và phát triển bền vững.

Nhà báo Hoàng Nhật - Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus, TTXVN, chia sẻ:Trí tuệ nhân tạo bây giờ không thể tạo ra cảm xúc nhưng đến ChatGPT thế hệ thứ 4, thứ 5, những công cụ trí tuệ nhân tạo càng thế hệ về sau thì tôi nghĩ rằng nó có thể bắt kịp cảm xúc của con người là hoàn toàn có thật.

Cùng với nội dung và công nghệ, Đổi mới sáng tạo được coi là chân kiềng thứ ba giúp báo chí tồn tại và phát triển bền vững. Đây cũng là yêu cầu đặt ra, thách thức những người làm báo trong kỉ nguyên số. Chỉ có tạo ra sản phẩm mới sáng tạo thì mới thu hút, giữ chân được công chúng.

Từ đầu tháng 6 này, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy đã cho ra mắt công cụ chatbot ứng dụng trí tuệ nhân tạo tương tự như mô hình ChatGPT. Đây vừa là trợ lý thông tin kinh tế cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên của tòa soạn, đồng thời mang tới cách tiếp cận thông tin mới, giúp gia tăng thời gian gắn bó của công chúng với tạp chí, tạo được một cộng đồng độc giả trung thành. Trước đó, cơ quan báo chí này ngay từ rất sớm cũng đã xây dựng được mô hình tòa soạn hợp nhất đa phương tiện, xây dựng nền tảng phát hành số hay sản xuất các sản phẩm báo chí mới như báo chí tương tác, báo chí dữ liệu.

Ông Đào Quang Bính - Tổng thư ký tòa soạn Tạp chí Kinh tế Việt Nam, nói:Chúng tôi có khoảng 400 nghìn bài báo và đó là thức ăn đầu tiên để chúng tôi dạy, rèn luyện con chatbot Askconomy. Chúng tôi đã thành lập trung tâm phân tích dữ liệu. Dữ liệu đó không chỉ cung cấp cho độc giả mà cho doanh nghiệp. Nếu để đầu tư như chúng tôi đang đầu tư thì các tờ báo, tạp chí khác hoàn toàn có thể đầu tư.

Nhận thức được vai trò của dữ liệu trong quá trình chuyển đổi số, từ năm 2021, TTXVN đã tập trung mở rộng hạ tầng về trung tâm dữ liệu, làm cơ sở để triển khai các ứng dụng công nghệ làm báo hiện đại.  Đối với nền tảng số, thay vì xây dựng các ứng dụng đơn lẻ cho các đơn vị trực thuộc, TTXVN tập trung cho các hệ thống lõi, bước đầu xây dựng được các nền tảng về thanh toán điện tử, âm thanh thông minh hay phân tích hành vi và khuyến nghị nội dung cho độc giả.

Rõ ràng, chuyển đổi số không phân biệt khoảng cách giữa báo lớn hay báo nhỏ, có tiềm lực hay không, mà nằm ở vấn đề tư duy, nhận thức. Tinh thần chuyển đổi số xuất phát từ người đứng đầu cơ quan báo chí, lan tỏa đến mỗi thành viên, đến các cơ quan khác, tạo thành một phong trào mạnh mẽ cho cả nền báo chí.

Ông Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhấn mạnh:Chúng ta đang có những mô hình chuyển số trong làng báo Việt Nam có thể là đầu tàu là tấm gương để chúng ta học hỏi rất nhiều. Cho nên chúng ta nhìn điều đó có thể tự tin rằng chúng ta không quá tụt hậu so với các nước trong khu vực.

Nhằm giúp các cơ quan báo chí tìm được hướng đi phù hợp trong quá trình chuyển đổi số, tại họp báo thường kỳ tháng 6 mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí; công bố bộ chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí và giới thiệu cổng kết nối trực tuyến công cụ phần mềm đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí. Đây là cơ sở quan trọng góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số báo chí tại nước ta, trong thời gian tới.

 
Theo TTXVN

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng