Tin tức

Hành trình 30 năm Di sản văn hóa Huế hội nhập thế giới

Chủ nhật, 18/06/2023 - 16:13

Cách đây 30 năm, Quần thể di tích Cố đô Huế - Di sản văn hóa vật thể đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Sự kiện đó đã đánh dấu mốc quan trọng và mang ý nghĩa lớn đối với công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Huế đến hôm nay. Nhiều công trình di tích quan trọng bị hủy hoại, xuống cấp do sự tàn phá ác liệt của chiến tranh và thiên tai đang từng bước được hồi sinh, diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử dần dần được hồi phục, góp phần đưa Huế hội nhập với thế giới và tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Hành trình 30 năm Di sản văn hóa Huế hội nhập thế giới
 
Huế là nơi duy nhất còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, thời gian, các công trình kiến trúc cung đình Huế đối mặt nguy cơ xuống cấp, hư hỏng. Tỉnh Thừa Thiên – Huế đã nỗ lực trong công tác trùng tu, tôn tạo các di tích. Đặc biệt với sự hỗ trợ, hướng dẫn của Chính phủ, các bộ ngành và các chuyên gia UNESCO, năm 1993, Quần thể di tích Cố đô Huế chính thức trở thành Di sản văn hóa thế giới, mở ra dấu mốc quan trọng trong cuộc phục hưng di sản Huế.

Sau 30 năm kể từ khi Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Thế giới, công cuộc bảo tồn di tích đạt nhiều kết quả đáng tự hào với hơn 200 công trình và hạng mục công trình được bảo tồn, tu bổ, phục hồi. Di sản văn hóa Huế đang từng bước được hồi sinh, diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử dần được phục hồi.

 

Di sản văn hóa Huế đang từng bước được hồi sinh.

Ông Christian Manhart -Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, cho biết:Điều quan trọng là duy trì được sự ổn định thành quả của 30 năm qua mà chúng ta đã phải mất nhiều tâm huyết và kinh phí để trùng tu các di tích trước những diễn biến khó đoán định của điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt, biến đổi khí hậu. Do vậy công tác trùng tu tôn tạo là công việc cần được duy trì thường xuyên, lâu dài.

Nhằm xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành một "thành phố di sản", xác lập vị thế là trung tâm du lịch văn hóa quốc gia và toàn cầu, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang triển khai lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 nhằm phát huy tối đa hiệu quả của di sản văn hóa.

Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, nói: quy hoạch sẽ là cơ sở định hướng cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị cũng như sẽ giải quyết các vấn đề tồn tại trong thời gian qua đặc biệt sẽ có điều chỉnh, hiệu chính lại các khu vực bảo vệ khu vực 1,2 nhằm tạo sự ổn định cho người dân sống trong khu vực di sản.

Hành trình 30 năm Di sản văn hóa Huế hội nhập thế giới, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy giá trị, làm đòn bẩy quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên – Huế và khu vực miền Trung.

 
Tường Vi - PV TTXVN tại Thừa Thiên – Huế

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng