Tin tức

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý Dự án Luật căn cước công dân và Luật viễn thông (sửa đổi)

Thứ bảy, 10/06/2023 - 20:10

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khoá XV. Sáng nay 10/6, Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cùng đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã tham gia góp ý thảo luận ở tổ về Dự án Luật Căn cước công dân và Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Tham dự buổi họp tổ có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đặng Ngọc Huy và các đại biểu trong đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

 

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý Dự án Luật căn cước công dân và Luật viễn thông (sửa đổi)
 
Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) gồm 07 chương, 45 Điều. Thảo luận tại tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, cơ sở chính trị để xây dựng luật Luật Căn cước công dân là các Nghị quyết Trung ương về chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ số, cải cách hành chính. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng là tài sản quốc gia được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật. Cơ sở dữ liệu quốc gia được xây dựng để đáp ứng cấp độ 4 về bảo đảm an toàn thông tin.
 

Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương
 
Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng: Cái quy định của chúng ta cái thẻ chứng minh nhân dân từ trước 9 số, chứng minh nhân dân 12 số sau đó căn cước công dân có gắn chip và không có gắn chip và thẻ căn cước, như vậy là có 5 loại cùng song hành. Đến một lúc nào đó, một là quy định thời hiệu hết hiệu lực như trong dự thảo Luật; hai là khi nào hết hiệu lực thì tự tiêu vong thôi, báo cáo với các vị có lẽ mình cũng có tư duy rành mạch chỗ này hơn đó là trong cái thành công thì chắc chắn nó cũng có còn cái hạn chế và bây giờ cái quan trọng ta làm thế nào để có các giải pháp kĩ thuật để khắc phục cái hạn chế này.

 
 
Thảo luận tại Tổ về dự án Luật này, đại biểu Quốc hội Lương Văn Hùng thống nhất với sự cần thiết cần sửa đổi, bổ sung Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cư trú, thực hiện các giao dịch của công dân cũng như yêu cầu về công tác quản lý nhà nước về dân cư trong tình hình mới.

 

Đại biểu Lương Văn Hùng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi
 
Đại biểu Lương Văn Hùng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đề nghị: Tôi đề nghị thay đổi thông tin “Nơi đăng ký khai sinh” thành “Nơi sinh” trên thẻ căn cước quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 19 dự thảo Luật để bảo đảm cơ sở khoa học hơn cho việc nhận diện công dân và giúp hạn chế sự trùng lặp trường thông tin công dân. Hơn nữa, đại biểu cho rằng, việc sử dụng thông tin “Nơi đăng ký khai sinh” trên thẻ căn cước là không hợp lý, vì trong thực tế và theo quy định của pháp luật hiện hành, một người mất giấy khai sinh có thể đăng ký lại ở một nơi khác và trong trường hợp này có thể dẫn đến sự thay đổi thông tin về nơi đăng ký khai sinh. Điều 20 dự thảo Luật quy định người được cấp thẻ căn cước gồm: Công dân Việt Nam. Do vậy, để bảo đảm tính logic, chặt chẽ, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị thay từ “Người” thành “Công dân Việt Nam” quy định tại khoản 2 Điều 20 dự thảo Luật thành: “2. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi thực hiện cấp thẻ căn cước theo nhu cầu”.
 
Các đại biểu Quốc hội cũng nhất trí việc cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Căn cước để đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, thực hiện các giao dịch của công dân cũng như yêu cầu về công tác quản lý nhà nước về dân cư trong tình hình mới. Đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo Luật, về một số nội dung liên quan đến việc thu thập, quản lý thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu căn cước, các nội dung thể hiện trên thẻ căn cước./.
 
Thời sự Truyền hình PTQ 19h45 ngày 10/6/2023/Thanh Trung
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng