Tin tức

Quảng Ngãi nỗ lực thực hiện Bảo hiểm xã hội toàn dân

Thứ sáu, 09/06/2023 - 20:30

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, 05 năm qua công tác thực hiện chính sách, pháp Luật Bảo hiểm xã hội ở Quảng Ngãi có những chuyển biến rõ rệt, phát huy được vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong tuyên truyền chính sách bảo hiểm góp phần nâng cao nhận thức của người dân.

 

 
Nếu như năm 1998, Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ngãi chỉ quản lý gần 100 ngàn lao động tham gia bảo hiểm xã hội thì đến nay con số này là gần 140 ngàn người. Số người tham gia bảo hiểm y tế sau 05 năm kể từ khi có Nghị quyết số 28 đã tăng từ 1 triệu 149 ngàn người lên gần 1 triệu 190 ngàn người.
 

Ông Trương Quang Hùng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ngãi
 
Ông Trương Quang Hùng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Hiện nay toàn tỉnh có 06 tổ chức dịch vụ thu với 364 điểm thu và 1.221 nhân viên thu BHXH, BHYT được phủ khắp đến từng xã, phường, thị trấn với mạng lưới cộng tác viên được trải đều đến từng thôn, tổ dân phố tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận chính sách và tham gia BHXH, BHYT. Đặc biệt, tỉ lệ bao phủ BHXH không ngừng tăng cả về số người tham gia và số người thụ hưởng.
 
Không chỉ mở rộng diện bao phủ đến lao động khu vực chính thức, nội dung Nghị quyết 28 đặc biệt chú trọng đến lao động là nông dân, lao động khu vực phi chính thức. Từ khi có Nghị quyết số 28, số người tham gia bảo hiểm xã hội đều tăng qua từng năm. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có sự chuyển biến mạnh. Đến hết năm 2022 số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện gần 15.000 người tăng hơn 13.000 người so với cuối năm 2018.

 
 
Làm công tác ở xã, ông Ngọt tham gia đóng bảo hiểm xã hội được 16 năm. Thời điểm nghỉ hưu, ông có dự định rút bảo hiểm xã hội 1 lần với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng. Sau khi bàn bạc, ông tự nguyện đóng nối tiếp bảo hiểm xã hội thêm 04 năm để đủ thời gian hưởng lương hưu hàng tháng. Bên cạnh phát triển chăn nuôi để tăng thu nhập, ông Ngọt còn có thêm tiền lương hưu hàng tháng để trang trải cuộc sống.

 

Ông Đỗ Ngọt, xã Tịnh Ấn Đông, thành phố Quảng Ngãi
 
Ông Đỗ Ngọt, xã Tịnh Ấn Đông, thành phố Quảng Ngãi nói: Tui chọn đóng tiếp chứ không rút một lần bởi vì mình còn lao động được thì tiếp tục làm để dành đó để sau này mình có lương hưu hàng tháng nhận để trang trải cuộc sống, mà quy định lương hưu cũng tăng thì mình nhận cũng nhiều hơn theo quy định mà. Rồi mình có bảo hiểm y tế kèm theo nữa. Và đến khi qua đời có mai táng phí nữa.

 
 
Ngành bảo hiểm xã hội đã linh hoạt, đổi mới và đa dạng nội dung, cách thức tuyên truyền để phù hợp với từng nhóm chủ thể, đặc điểm từng khu vực. Đi tận ngõ, gõ tận nhà để tuyên truyền, góp phần tạo sự đồng thuận trong Nhân dân trong quá trình triển khai chính sách bảo hiểm xã hội, đặc biệt là gia tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ngành cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, hội đoàn thể phổ biến sâu rộng chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện để nhiều người dân hiểu và tích cực tham gia.

 

Bà Huỳnh Thị Sương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi.
 
Bà Huỳnh Thị Sương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Hội đã tổ chức 8 hội nghị đối thoại, 8 hội nghị Luật, thông qua đó tuyên truyền vận động chị em hội viên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tuyên truyền đậm nét nhất là hướng về cơ sở. Hình thành mô hình tổ phụ nữ góp vốn xoay vòng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại địa phương.

 
Đến thời điểm 30/4/2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc toàn tỉnh là gần 125 ngàn người, chiếm 20% so với lực lao động của tỉnh. Số lượng nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,12% so với lực lượng lao động đang làm việc trong nền kinh tế. Mục tiêu Nghị quyết trong năm 2023 là nâng tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 39 - 40%. Số lượng nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 3% so với lực lượng lao động.
 

Ông Đặng Ngọc Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi
 
Ông Đặng Ngọc Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho rằng: Chúng ta nhận thức ngành Bảo hiểm xã hội nếu đơn phương độc mã thì khó thực hiện được nhiệm vụ này, bởi suy cho cùng thì họ làm những việc để bảo vệ chính đáng quyền của người lao động, muốn làm được như thế thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc chứ không phải riêng của ngành Bảo hiểm xã hội, như vậy thì công tác tuyên truyền, công tác phổ biến giáo dục pháp luật, công tác truyền thông thông qua các tổ chức xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng có ý nghĩa rất quan trọng, nó làm nhận thức của người lao động được nâng cao. Hiện nay các cấp ủy Đảng đang tổ chức tiếp tục thực hiện kế hoạch 157 và Chỉ thị 12, trong Chỉ thị 12 quy định rất rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cấp ủy, chính quyền các cấp của các tổ chức xã hội, 
tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc thực hiện và bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Tôi tin rằng với trách nhiệm của cấp ủy mình thì việc thực hiện Chỉ thị 12 sẽ là động lực để cải thiện, nâng cao tỷ lệ người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện ở các cấp trong những năm tới sẽ tốt hơn.
 
 
Chính sách Bảo hiểm xã hội đã cơ bản đi vào cuộc sống, có ý nghĩa thiết thực, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thực sự trở thành trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, là chính sách an sinh không thể thiếu trong đời sống của người dân, là lưới an sinh đảm bảo giảm đói nghèo và bảo vệ người dân khi về già, ốm đau./.
 
Thời sự Truyền hình PTQ 19h30 ngày 9/6/2023/Thu Thảo, Lương Triều
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng