Tin tức

Đại dương “kêu cứu”

Thứ năm, 08/06/2023 - 07:22

Ngày Đại dương thế giới (8/6) hằng năm là dịp để nhắc về vai trò không thể thay thế của đại dương đối với Trái đất. Năm 2023, chủ đề Ngày Đại dương thế giới được Liên hợp quốc phát động là “Hành tinh đại dương: Thủy triều đang thay đổi” nhằm kêu gọi nhân loại cùng hành động, trân trọng, bảo vệ đại dương cũng như toàn bộ hành tinh xanh của chúng ta. Vậy nhưng, có một thực tế là Đại dương đang kêu cứu. Hàng triệu sinh vật biển đang chết dần chết mòn bởi tác động thô bạo của con người lên hệ sinh thái. Một trong những mối đe dọa lớn nhất với đại dương hiện nay chính là “lưới ma”, thủ phạm giết chết hàng trăm nghìn động vật biển mỗi năm. Trung bình mỗi phút trên thế giới lại có thêm 1 tấn các loại lưới giăng, lồng và bẫy tôm, cua, cá bị vứt hoặc mất hút trong đại dương. "Lưới ma" đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sinh vật biển, mỗi năm gây ra cái chết của 100.000 cá voi, cá heo, hải cầu và rùa biển. Hơn lúc nào hết, Đại dương đang “kêu cứu”.


Đại dương “kêu cứu” 
 
Đây là tấm lưới rộng tới 300 mét vuông mắt kẹt trong đường ống nước thải ở Ipanema. Phải mất nhiều ngày, lực lượng gồm các thợ lăn, nhà sinh vật học, nhà môi trường mới gỡ bỏ được nó.

Đây là chỉ là một trong rất nhiều tấm lưới bị vứt bỏ ở vùng biển thành phố Rio de Janeiro của Brazil, đe dọa nghiêm trọng đến các sinh vật biển.

Anh Ricardo Gomes – Nhà sinh vật học, cho biết: Bất chấp nhiều nỗ lực, những chiếc lưới tồn tại nhiều năm dưới biển, gây hại cho môi trường.  Lưới bị mắc kẹt có thể cướp đi sinh mạng của nhiều sinh vật biển.

Dưới bề mặt nước, các loài sinh vật không dễ để phát hiện ra chúng. Nó di chuyển nhẹ nhàng dưới nước rồi bất ngờ tiến gần, khiến các sinh vật mắc kẹt. Đó có thể là cá mập, cá heo, rùa biển, động vật giáp xác… Những con vật có thể bị mắc kẹt trong lưới nhiều tuần, nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm. Do đó, khi được tìm thấy, chúng thường đã rất yếu hoặc phải chịu tổn thương nặng nề trên cơ thể. Nhiều con vật cũng chết đói, kiệt sức do không thể thoát khỏi tấm lưới. Ngoài ra, những chiếc lưới ma còn kẹt trên các rạn san hô khiến hệ sinh thái dưới nước bị ảnh hưởng nặng nề.

 

Các nhà bảo vệ môi trường phá bỏ các tấm lưới ma.

Chị Tngpat Pakchairatchakul – Nhà bảo vệ môi trường, nói:  Lưới ma rất nguy hiểm. Một khi bị bỏ xuống biển nó sẽ trôi nổi hàng chục năm. Các sinh vật biển có thể mắc vào lưới và không thể thoát ra được, dẫn tới vấn đề về sức khỏe, thậm chí là chết .

 Lưới ma hay các ngư cụ ma cũng góp phần không nhỏ trong cuộc khủng hoảng nhựa đại dương. Hầu hết lưới hiện đại làm từ nylon hoặc hợp chất nhựa có thể tồn tại hàng thế kỷ. Lưới đánh cá này chiếm 10% lượng rác thải nhựa dưới đại dương. Khi phân hủy, chúng sẽ thải ra lượng vi nhựa khổng lồ, không những đe dọa môi trường biển mà còn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập vào chính cơ thể con người.

Trở lại với Brazil, nơi anh Gomes và nhóm của mình vừa miệt mài gỡ bỏ những tấm lưới ma và biến chúng thành những chiếc túi. Đây là nỗ lực góp phần giảm ô nhiễm nhựa trong đại dương và tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Chị Maria Fernanda Bastos – Thành viên dự án, nói: Tôi tin rằng dự án không chỉ là sự chuyển đổi của một sản phẩm mà còn là sự chuyển đổi của cách nhìn nhận vấn đề. Từ một tấm lưới cũ bị vứt bỏ trong đại dương biến thành một chiếc túi có ích trong cuộc sống.

 Tổ chức Môi trường Liên hợp quốc ước tính rằng 15% rác thải biển trôi nổi trên mặt biển, 15% còn lại trong cột nước và 70% nằm dưới đáy biển. Tổ chức này cũng dự đoán rằng đến năm 2050, lượng nhựa ở biển sẽ nhiều hơn cá. Cứu đại dương chưa bao giờ cấp bách như lúc này. Và chính sự thay đổi cách nhìn nhận, từ đó có những hành động thiết thực để bảo vệ biển chính là lời giải cho bài toán ô nhiễm đại dương hiện nay./.

 
Theo TTXVN

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng