Tin tức

Khủng hoảng khí hậu tràn vào cửa ngõ châu Âu

Thứ ba, 23/05/2023 - 08:16

“Biến đổi khí hậu hiện diện ngay tại đây và chúng ta đang gánh chịu hậu quả. Đó không còn là viễn cảnh xa vời mà là điều bình thường mới.” Đó là nhận định của một chuyên gia nghiên cứu khí hậu tại Italy, và cũng là nhận định khái quát nhất cho vấn đề biến đổi khí hậu mà các quốc gia châu Âu đang phải đối mặt.


Khủng hoảng khí hậu tràn vào cửa ngõ châu Âu
 
Gần một tuần trôi qua sau hai trận mưa lịch sử, nhiều khu vực ở Đông Bắc Italy vẫn đang trong tình trạng ngập lụt.

Vùng Emilia-Romagna vẫn bị đặt trong tình trạng báo động đỏ, với các trận mưa quay trở lại khiến nhiều khu vực rộng lớn vẫn chìm trong nước và sạt lở đất chưa dừng lại.Tại nhiều khu vực khác, các hoạt động cứu trợ và sơ tán người dân vẫn được tiếp tục.

Bà Gabriella Valenti – Người dân Lugo, Italy, nói: “Tôi chưa bao giờ chứng kiến lũ lụt khủng khiếp đến như vậy. Mọi thứ thực sự tồi tệ.”

 

Lũ lụt tại Italy

Trận mưa lũ này là thảm họa thời tiết mới nhất tấn công Italy. Trong khi đó tại các quốc gia châu Âu khác, Tây Ban Nha đang phải đối phó với cháy rừng do thời tiết khô hạn. Miền Nam nước Pháp đang hứng chịu hạn hán với nền nhiệt kỷ lục. Hạn hán cũng đang đến sớm ở Bồ Đào Nha.

Ông Wim Thiery - Chuyên gia về khí hậu, Đại học Vrije ở Brussel, Bỉ, cho biết:”Biến đổi khí hậu khiến hạn hán năm nay tại châu Âu được cho là tồi tệ nhất trong vòng 500 năm trở lại đây, với 17% diện tích châu Âu đang trong tình trạng báo động đỏ, tức là ở mức độ thiếu nước trầm trọng.”

Cho đến nay, “tiền tuyến” cuộc khủng hoảng khí hậu chủ yếu vẫn nằm ở phía nam bán cầu. Thế nhưng những gì đã và đang diễn ra tại Italy cũng như phần còn lại của châu Âu cho thấy thảm họa đã đến rất gần.

Trên khắp châu Âu, khi nồng độ CO2 trong khí quyển tăng lên, thời tiết cũng khắc nghiệt hơn. Báo cáo từ Copernicus Climate Change Service (C3S) cho biết những đợt nắng nóng lan rộng đã khiến châu Âu phải hứng chịu mùa hè nóng nhất được ghi nhận vào năm 2022 và nhiều chuyên gia dự đoán, kỷ lục này có thể bị phá vỡ trong năm 2023.

Trong khi thế giới đang vật lộn giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 1,5 độ C, trong 5 năm qua, nhiệt độ trung bình ở châu Âu đã cao hơn 2,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

 

Cháy rừng tại Tây Ban Nha.

Mauro Facchini –Chương trình quan sát Trái Đất thuộc Ủy ban châu Âu, nói: “Tôi phải nói những phát hiện này thật đáng sợ, nhưng tôi nghĩ chúng ta phải biết sự thật. Ngày càng có nhiều sự kiện cực đoan xảy ra ở châu Âu. Mỗi người trong chúng ta đều có thể chứng kiến ​​điều đó.”

Khí hậu Châu Âu, lục địa vốn luôn được biết đến là khu vực ôn hoà, dịu mát, giờ đây đang thay đổi. Và nếu không có những biện pháp kịp thời, cùng các hành động mạnh tay, mọi thứ sẽ trở nên quá muộn.
Theo TTXVN 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng