Tin tức

Bí thư Tỉnh ủy đối thoại và lắng nghe

Chủ nhật, 07/05/2023 - 16:49

Lắng nghe, chia sẻ và giải quyết những vấn đề Nhân dân bức xúc, kiến nghị qua tiếp xúc, đối thoại giữa Bí thư cấp ủy với người dân là việc làm được các cấp ủy Đảng của tỉnh Quảng Ngãi thực hiện có hiệu quả thời gian qua. Đối thoại là để giải quyết, cho những ‘cái được” tăng lên, và những cái ‘chưa được” giảm đi. Xã hội sẽ phát triển từ đó.


Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân trực tiếp đối thoại với ngành giáo dục Quảng Ngãi.
 
Bây giờ, chuyện lãnh đạo Đảng và chính quyền địa phương đối thoại và lắng nghe những ý kiến nhiều khi bức xúc của các đại biểu dự đối thoại đã trở thành chuyện cần thiết và mang ý nghĩa tích cực. Vừa rồi, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân đã trực tiếp đối thoại với ngành giáo dục Quảng Ngãi về các vấn đề được và chưa được của ngành giáo dục tỉnh nhà. Chuyện được thì dễ nói, dễ nghe nhưng cũng dễ trôi qua nếu chúng ta cho đó là “bài chuẩn bị sẵn” và không thể thiếu trong bất cứ cuộc đối thoại nào.  Chuyện chưa được khó nói hơn, khó giải quyết hơn, nhưng nếu không ai nói lên, thì cứ tưởng ngành này cấp nọ chỉ toàn chuyện  “được”. Điều đáng mừng là trong cuộc đối thoại này, nhiều chuyện chưa được trong ngành giáo dục đã được đại biểu dự đối thoại phát biểu khá rõ ràng, và đáng mừng hơn, là người chủ trì buổi đối thoại, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi đã lắng nghe một cách chân thành và hết sức tìm những phương án giải quyết.

Có 4 câu chuyện được chú ý trong buổi đối thoại cởi mở này, một là chuyện thiếu giáo viên, thiếu kinh phí, thiếu trang thiết bị trường học ở các huyện miền núi, học sinh dân tộc còn khó đến trường do nhà nghèo, nhà xa trường, thiếu những ngôi trường nội trú dành cho con em các dân tộc miền núi. Chuyện thứ hai là xây trường mới ở huyện đảo Lý Sơn, kinh phí đã cấp, nhưng tiến độ làm thủ tục quá chậm, lại phải chuyển đổi chủ đầu tư, thành ra bây giờ vẫn chưa xong…thủ tục. Tiền đã có, nhưng thủ tục chưa xong, nên Lý Sơn vẫn chưa có trường học mới.

Chuyện thứ ba, là số lượng trẻ khuyết tật hiện có ở Quảng Ngãi khá cao, nhưng tỉnh vẫn còn thiếu trung tâm đón học sinh khuyết tật. Trung tâm của tỉnh hiện có chỉ nhận được 100 em, Trung tâm Võ Hồng Sơn là trung tâm từ thiện phi lợi nhuận cũng chỉ nhận được khoảng hơn 100 em, trong khi số trẻ khuyết tật trong tỉnh hơn mấy nghìn em.

Câu chuyện thứ tư là chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non vẫn chưa có những văn bản chính thức nên địa phương không thể xử lý, điều đó khiến giáo viên mầm non, đặc biệt ở các huyện miền núi rất khó khăn trong đời sống và thiếu những hỗ trợ cần thiết để có thể yên tâm theo nghề một cách lâu dài.

Bí thư tỉnh ủy Quỳnh Vân đã lắng nghe và hứa sẽ cùng chính quyền và các ban ngành liên quan tìm cách giải quyết tốt nhất những cái ‘chưa được” này.

Những cuộc đối thoại cởi mở, chân thành và có trách nhiệm của lãnh đạo cao nhất địa phương như thế là rất cần thiết trong tình hình nhiều vấn đề “chưa được” vẫn phát sinh hàng tháng hàng năm mà nếu không quyết tâm giải quyết, thì không biết đến bao giờ những câu chuyện ấy mới “có hậu”.

Ngành giáo dục là một ngành rất quan trọng trong xã hội hiện nay và đang được nhân dân quan tâm vào hàng đầu, cùng với ngành y tế. Những cuộc đối thoại của lãnh đạo địa phương với hai ngành này, vì vậy, là hết sức cần thiết, và phải cần làm ngay. Đối thoại là để giải quyết, cho những ‘cái được” tăng lên, và những cái ‘chưa được” giảm đi. Xã hội sẽ phát triển từ đó.  

 
Thanh Thảo
  

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng