Tin tức

Giải trình về thực hiện chính sách dồn điền, đổi thửa, kết hợp chỉnh trang đồng ruộng

Thứ tư, 26/04/2023 - 13:31

Sau phát biểu khai mạc của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Qùynh Vân, lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông cùng lãnh đạo một số địa phương đã giải trình, trao đổi về 3 nội dung mà cử tri và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm. Đó là việc thực hiện chính sách dồn điền, đổi thửa, kết hợp chỉnh trang đồng ruộng. Việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường và thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hồ Trọng Phương đã giải trình về việc thực hiện chính sách dồn điền, đổi thửa, kết hợp chỉnh trang đồng ruộng trên địa bàn tỉnh.

 

Giải trình về thực hiện chính sách dồn điền, đổi thửa, kết hợp chỉnh trang đồng ruộng
 
Đại biểu HĐND tỉnh đặt câu hỏi đề nghị cho biết công tác “dồn điền đổi thửa” giai đoạn 2013 - 2020 có đạt kế hoạch đề ra không? Kết quả, hiệu quả như thế nào? Trên địa bàn tỉnh có còn nhu cầu “dồn điền đổi thửa” hay không? Việc nợ đọng công tác dồn điền đổi thửa đến nay là bao nhiêu? Nguyên nhân và thuộc nhiệm vụ của cấp ngân sách nào? Đến bao giờ thanh toán dứt điểm các khoản nợ trên?
 
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hồ Trọng Phương cho biết, đến cuối năm 2020 toàn tỉnh đã dồn điền đổi thửa được hơn 7.600 ha, đạt hơn 71% kế hoạch, thực hiện chủ yếu trên diện tích đất trồng lúa. Có 7/13 huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện, đạt gần 54%. Số xã thực hiện dồn điền đổi thửa là 69/263 xã. Các huyện đã triển khai công tác dồn điền đổi thửa tốt như huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi. Phần kinh phí thực hiện hàng năm của tỉnh chưa giao cụ thể chỉ tiêu.
 
Diện tích thực hiện dồn điền đổi thửa. Chỉ giao tổng kinh phí hỗ trợ nên các địa phương chưa chủ động triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện đảm bảo nhu cầu vốn. Do đó các địa phương thực hiện theo yêu cầu thực tế của địa phương không cân đối nguồn vốn tỉnh giao dẫn đến nợ đọng. Tổng kinh phí còn thiếu đến nay là gần 43 tỷ đồng.

 
 Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi giải trình tại cuộc họp
 
Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi giải trình: Giai đoạn đầu chúng ta thực hiện rất tốt, khi vận động người dân đồng tình để dồn điền đổi thửa thì mất thời gian của các địa phương và rất quyết liệt thì chúng ta mới làm được, tuy nhiên quá trình thực hiện trong từng năm thì Sở Nông nghiệp và Sở Tài chính cũng thiếu hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra nên chưa quyết toán theo hàng năm được, các địa phương thực hiện được thì làm ồ ạt quá nhiều diện tích nên sau giai đoạn 2016 - 2020 tổng kết lại thì diện tích chúng ta làm được nhiều so với nguồn lực của tỉnh hỗ trợ nên kinh phí nợ vẫn còn. UBND tỉnh cũng chỉ đạo rất quyết liệt và có nhiều cuộc họp giao trách nhiệm cho các địa phương phải bố trí kinh phí để thực hiện trả nợ và các địa phương cũng đã có văn bản cam kết sẽ thực hiện trả nợ hoàn thành giai đoạn 2016 - 2020 do vượt so với nguồn lực của tỉnh thì trách nhiệm của địa phương phải bố trí kinh phí của các địa phương để trả nợ cho dồn điền đổi thửa giai đoạn trước.
 
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hồ Trọng Phương cũng giải trình về nguyên nhân đến nay chưa cấp hơn 30 ngàn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi thực hiện xong dồn điền đổi thửa cho người dân và thời gian hoàn thành công tác này.
 
Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi giải trình: Có mấy nguyên nhân chủ yếu: Thứ nhất là giấy chứng nhận bị thất lạc, một số hộ gia đình vắng mặt tại địa phương, chưa xác lập được hồ sơ giấy chứng nhận, một số trường hợp chưa thực hiện các thủ tục phân chia thừa kế; Thứ hai là công tác chia lại đất, giao đất thực địa có một số hộ chưa chính xác do biến động diện tích khá lớn so với diện tích các hộ khi dồn điền vì vậy cần phải điều chỉnh lại diện tích; Thứ ba là một số địa phương các xã khi lập hồ sơ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dồn điền đổi thửa không kịp thời, kinh phí cho công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị tăng lên so với phương án dồn điền đổi thửa nên không đủ kinh phí thực hiện.

 

Ông Nguyễn Đức Trung, Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi giải trình
 
Ông Nguyễn Đức Trung, Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi giải trình: Nhìn ra vấn đề thì thực ra tất cả vấn đề này thuộc thẩm quyền xác định của địa phương, tuy nhiên UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương rà soát lại, tổng hợp nếu vướng mắc thì gửi về các cơ quan liên quan thì Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp nhận cái này, tuy nhiên đến giờ này thì chúng tôi chưa nhận được các kiến nghị của địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn trong vấn đề này mà đây là do tổng hợp qua báo cáo của văn phòng đăng ký đất đai, để giải quyết vấn đề này chúng ta phải tập trung, đền giờ này chương trình đã kết thúc, các địa phương cũng phải cân đối từ nguồn lực của mình để bố trí giải quyết dứt điểm vấn đề này, đây cũng là phần nợ đọng chúng ta bố trí kinh phí thì ít mà triển khai thì nhiều hơn và không kịp thời, mong rằng có sự chỉ đạo dứt khoát để các địa phương hoặc tỉnh hỗ trợ để dứt điểm chương trình này và hoàn cấp lại giấy cho người dân để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân.
 
Đại biểu cũng đặt vấn đề diện tích đã thực hiện dồn điền đổi thửa từ năm 2013 - 2020 vẫn còn thấp, chiếm khoảng 20,9% so với diện tích thực tế canh tác. Nhu cầu thực hiện dồn điền đổi thửa trên đất sản xuất nông nghiệp là rất lớn. Về vấn đề này, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xây dựng Chính sách hỗ trợ dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 theo hướng phân giao việc hỗ trợ theo cấp ngân sách rõ ràng; kết hợp thực hiện xã hội hóa.

 
 
Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi giải trình: Hiện nay nội dung trình thì Sở Nông nghiệp đã hoàn thành và báo cáo UBND tỉnh, trong quý II sẽ thông qua các nội dung liên quan đến Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình, cái mấu chốt của vấn đề là thực hiện giai đoạn tiếp theo có sự tham gia hỗ trợ của tỉnh, của huyện, của địa phương và sự hỗ trợ của người dân theo tỷ lệ phù hợp để chúng ta thực hiện chính sách giai đoạn sau nó tốt hơn và không để xảy ra tình trạng nợ đọng cũng như nợ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với tổng nhu cầu của giai đoạn sau là gần 2000 ha, với kinh phí trên 46 tỷ đồng trong đó ngân sách của tỉnh, huyện và các địa phương.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền
 
Giải trình thêm về công tác dồn điền, đổi thửa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho rằng, sau công tác dồn điền đổi thửa là hình thành các diện tích sản xuất đáp ứng tiêu chí cánh đồng lớn để ứng dụng cơ giới hóa vào trong sản xuất, từ đó chủ động tham gia liên kết đảm bảo chất lượng và hiệu quả về quy mô, năng suất, chất lượng; tạo vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp, tạo chuỗi sản xuất, tiêu thụ. Một trong những giải pháp chính của ngành Nông nghiệp và của các địa phương hiện nay là tập trung tuyên truyền theo cả chiều rộng và chiều sâu để người dân thực sự hiểu rõ vai trò, ý nghĩa, lợi ích của việc dồn điền, đổi thửa, hình thành các cánh đồng lớn, đáp ứng các mục tiêu đề ra.

 

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân
 
Kết luận nội dung giải trình thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, kết hợp chỉnh trang đồng ruộng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương giải quyết dứt điểm vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho người dân, để khi chuyển sang thực hiện giai đoạn mới của chính sách không bị vướng mắc. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, trong quá trình triển khai thực hiện, không chỉ trách nhiệm của UBND các cấp, các sở, ban ngành mà còn có trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành ủng hộ của Nhân dân. Thông qua việc dồn điền, đổi thửa đã tạo ra được quỹ đất đáp ứng các chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới, hình thành được những cánh đồng mẫu lớn, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giải phóng sức lao động, tăng cao thu nhập cho người dân. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý, khi xây dựng chính sách mới trong năm 2023 cần chú ý nguồn lực hỗ trợ hợp lý từ tỉnh đến các địa phương. Cần đánh giá, rút kinh nghiệm hàng năm để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, hạn chế các tồn đọng như giai đoạn qua./.

 
Bản tin Truyền hình PTQ 11h30 ngày 26/4/2023/Minh Hiền, Duy Hưng

 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng