Tin tức

Chương trình “Trò chuyện cùng bác sỹ” thu hút khán giả

Chủ nhật, 23/04/2023 - 20:10

U phổi là thuật ngữ chỉ những khối u phát triển bất thường trong phổi, bao gồm cả khối u lành tính và ác tính. U ác tính hay còn gọi là ung thư phổi. Thế nhưng, rất nhiều người vẫn lầm tưởng giữa khái niệm bệnh U phổi và ung thư phổi khiến tâm lí hoang mang khi không may mắc bệnh. Trong chương trình trực tiếp “Trò chuyện cùng bác sỹ” sáng nay 23/4 do Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Phòng khám Đa khoa quốc tế Việt Mỹ thực hiện. Tiến sỹ, Bác sỹ Trương Thanh Thiết, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực 1, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Tiến sỹ, Bác sỹ Lê Phi Long, Phó Trưởng khoa lồng ngực, Mạch máu, Bệnh viện Đại học Y Dược, Tp. Hồ Chí Minh đã trực tiếp giải đáp và tư vấn cho khán giả về chủ đề “Các bệnh U phổi và cách tầm soát ung thư phổi”.

 

 
Hơn 200 khán giả đã có mặt tại trường quay S1, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Ngãi tham dự chương trình “Trò chuyện cùng bác sĩ” số đầu tiên với chủ đề “Các bệnh U phổi, cách tầm soát ung thư phổi”. Những thông tin về bệnh u phổi, nguyên nhân, triệu chứng của bệnh và cách tầm soát sớm U phổi, ung thư phổi đã được 02 bác sỹ thông tin khá cụ thể, rõ ràng, giúp khán giả xem chương trình nắm thêm kiến thức về căn bệnh này. Phần tương tác với 02 Tiến sỹ, Bác sỹ Trương Thanh Thiết và Lê Phi Long thu hút sự quan tâm rất lớn của khán giả tại trường quay, khán giả xem chương trình qua sóng truyền hình và trên các nền tảng mạng xã hội của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Ngãi.
 

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Tổ 5, Phường Trần Phú, TP. Quảng Ngãi, Quảng Ngãi
 
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Tổ 5, Phường Trần Phú, TP. Quảng Ngãi cho biết: Qua chương trình này thấy rất có ích cho người dân mình ở quê hương mình để nắm rõ bệnh và các triệu chứng của bệnh, nhất là bệnh ung thư phổi này để họ biết có định hướng của mình chuẩn bị tinh thần đi khám định kì để phát hiện ở giai đoạn sớm thì điều trị có hiệu quả.

 

Ông Lê Văn Hai, Xã Nghĩa Thương, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi
 
Ông Lê Văn Hai, Xã Nghĩa Thương, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi nói: Được tham dự cuộc trao đổi như thế này thì mình phân biệt được trong quá trình mà sử dụng Citi tầm thấp hoặc là chụp phim để kiểm tra phổi hoặc là phân biệt được Mri.

 
Khán giả đến tham dự và đặt câu hỏi trực tiếp tại chương trình “Trò chuyện cùng bác sỹ” 
 
 
U ở phổi hình thành do sự bất bình thường của cấu tạo, chức năng và phân chia ở phế bào. Có nhiều lý do gây ra sự bất thường này. Chẳng hạn như: phổi tổn thương, ô nhiễm không khí, di truyền, thuốc lá và các yếu tố khác. U phổi thường phát triển âm thầm trong giai đoạn đầu, các biểu hiện thường không cụ thể và rõ ràng. Khi các triệu chứng lâm sàng xuất hiện thì khối u ở phổi đã xâm lấn xung quanh, phát triển to hoặc di căn sang nơi khác. Việc tầm soát sớm có ý nghĩa rất quan trọng để có chỉ định điều trị kịp thời và tránh các biến chứng nguy hiểm cho tính mạng.

 

Tiến sỹ, Bác sỹ Lê Phi Long, Phó Trưởng khoa Lồng ngực, Mạch máu, Bệnh viện Đại học Y Dược, TP. Hồ Chí Minh
 
Tiến sỹ, Bác sỹ Lê Phi Long, Phó Trưởng khoa Lồng ngực, Mạch máu, Bệnh viện Đại học Y Dược, TP. Hồ Chí Minh cho biết: Đối với bệnh nhân có nguy cơ thấp có một quy tắc chung như thế này là những bệnh nhân nguy cơ thấp thì tầm soát sẽ khác và xa hơn đối với bệnh nhân có nguy cơ cao thì tầm soát phải đặc biệt hơn thường xuyên hơn ví dụ ung thư phổi có một khuyến cáo tầm soát của thế giới là bệnh nhân trên 50 tuổi chẳng hạn và đặc biệt có hút thuốc lá, nếu có hút thuốc là thì nguy cơ cao và tính mức độ hút thuốc nhiều hay ít. Hoặc những trường hợp mà làm trong điều kiện bị ô nhiễm ví dụ nhà máy sản xuất xi măng, công nghiệp nặng chẳng hạn.

 

Khán giả đến tham dự trực tiếp chương trình “Trò chuyện cùng bác sỹ” tại Trường quay S1, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi
 
Đối với khối u phổi lành tính, thường không đe dọa đến mạng sống của bệnh nhân và không tạo thành mối nguy hiểm. Hầu hết các trường hợp đều được bác sĩ theo dõi trong 1 - 2 năm để kiểm tra xem có khả năng tiến triển thành u ác tính hay không. Đối với trường hợp u phổi ác tính, thì có 03 hình thức chữa bệnh phổ biến là: xạ trị, hóa trị và phẫu thuật. Tùy vào giai đoạn bệnh và sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra loại hình điều trị thích hợp. Ung thư phổi thì không có biện pháp ngăn ngừa mắc bệnh nào tuyệt đối. Tuy nhiên, việc tầm soát sớm, có chế độ dinh dưỡng, tập luyện phù hợp sẽ giúp việc ngăn ngừa bệnh u phổi và ung thư phổi hiệu quả.

 

Tiến sỹ, Bác sỹ Trương Thanh Thiết, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực 1, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP. Hồ Chí Minh
 
Tiến sỹ, Bác sỹ Trương Thanh Thiết, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực 1, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP. Hồ Chí Minh cho biết: Không có phương pháp nào tuyệt đối ngừa ung thư phổi, tuy nhiên có một số biện pháp chúng ta có thể giảm nguy cơ mắc bệnh ví dụ như khói thuốc lá, tránh xa càng nhiều càng tốt. Thứ 2 là tránh xa các chất độc hại. Ngoài ra chúng ta cần có chế độ dinh dưỡng hợp lí, ăn uống chế độ hàng ngày nhiều rau xanh trái cây, giảm ăn các thịt đỏ, thịt đông lạnh. Cuối cùng cần có chế độ tập luyện thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày.

 
 
Tại chương trình “Trò chuyện cùng bác sỹ”, khán giả được nghe và đặt câu hỏi với 02 Bác sỹ về vấn đề sức khỏe của bản thân. Phòng khám Đa khoa quốc tế Việt Mỹ cũng có 03 phần quà dành cho 03 khán giả có câu trả lời chính xác nhất về chủ đề của chương trình. Mỗi phần quà trị giá 1 triệu 500 ngàn đồng, gồm 4 hộp sữa dinh dưỡng năng lượng cao DELICAl, 01 phiếu tặng chụp CT phổi bằng máy CT trí tuệ nhân tạo AI miễn phí tại Phòng khám Đa khoa Quốc tế Việt Mỹ./.
 
Thời sự Truyền hình PTQ 19h45 ngày 23/4/2023/Thục Uyên, Phúc Hảo
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng