Tin tức

Quảng Trị ngày trở về bên giới tuyến sau 50 năm

Thứ ba, 18/04/2023 - 14:43

Nhiều người biết đến nhà báo Trần Mai Hưởng - nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam không chỉ qua những bài viết, bức ảnh nổi tiếng mà ông còn là phóng viên chiến trường, vào sinh ra tử ở những thời khắc lịch sử cùng cả dân tộc làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Trong đó chiến trường Quảng Trị đã để lại trong ông một cảm nhận sâu sắc về sự kiên trung và chân tình của những người lính ra trận khi tuổi đời mới mười tám đôi mươi; cùng với những bức ảnh, bài báo còn mãi cùng năm tháng. Vào những ngày tháng Tư lịch sử này, sau hơn 50 năm trở lại chiến trường xưa và gặp lại những người lính trẻ năm xưa chiến đấu ở bờ Nam sông Bến Hải – cầu Hiền Lương, nhà báo Trần Mai Hưởng đã được sống trong những cảm xúc khi còn là phóng viên chiến trường.


Giới tuyến một thời chia cắt nước ta làm hai miền Nam – Bắc. 
 
Sông Bến Hải – cầu Hiền Lương giới tuyến một thời chia cắt nước ta làm hai miền Nam – Bắc. Nằm phía bờ Nam sông Bến Hải – cầu Hiền Lương là nghĩa trang Dốc Miếu nay là Nghĩa trang huyện Gio Linh, nơi có mộ Liệt sĩ Nguyễn Thị Thu Hồng, du kích xã Gio Mỹ năm xưa - người mà nhà báo Trần Mai Hưởng chụp ảnh ngay trước khi chị hy sinh trong những ngày đầu Chiến dịch Quảng Trị năm 1972. Sau hơn 50 năm, nhà báo Trần Mai Hưởng đã thực hiện được tâm nguyện là đến viếng mộ Liệt sĩ Thu Hồng. Bức ảnh về nữ du kích Thu Hồng do nhà báo Trần Mai Hưởng chụp là bức ảnh duy nhất về nữ du kích này trước lúc hy sinh.

Nhà báoTRẦN MAI HƯỞNG chia sẻ: Đây là bức ảnh rất là tiêu biểu cho gương mặt những người chiến sỹ của Gio Linh vào thời điểm ấy. Bởi là sau đấy lúc thời điểm Tổng tiến công, Thu Hồng hi sinh ngay trong những ngày đầu tiên, thời điểm hi sinh là 31/03/1972. Khi đó chị là Bí thư Đoàn Thanh niên của xã Gio Mỹ. Đây là một người Thanh niên tiêu biểu của Gio Linh và thế hệ Thanh niên Việt Nam thời kỳ đó.

 

Nhà báo Trần Mai Hưởng đến viếng mộ Liệt sĩ Thu Hồng. 

Bà NGUYỄN THỊ THU LAN – Em gái Liệt sỹ Nguyễn Thị Thu Hồng, nói: Bức ảnh đó vô cùng quý giá và nó được lưu trữ trong phòng truyền thống của gia đình chúng tôi để cho thế hệ con cháu, các cháu mai sau và mãi mãi nhớ về hình ảnh của bác mình, cô mình, dì mình đấy là một người chiến đấu dũng cảm và hi sinh.

Nhà báo Trần Mai Hương cũng đã gặp lại những du kích năm xưa, nghe họ kể chuyện về cuộc sống và một thời rèn luyện, học tập, sinh hoạt tại căn cứ chiến đấu. Những người lính du kích hơn 50 năm về trước, không thể quên những bức ảnh do nhà báo chiến trường Trần Mai Hưởng chụp. Sự can trường và tình cảm chân thành, mộc mạc của nhà báo Trần Mai Hưởng đã để lại ấn tượng thật đặc biệt trong lòng những người lính du kích năm xưa.

Ông TRẦN ANH– Cựu chiến binh xã Gio Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, bộc bạch: Tôi cảm phục tinh thần của anh Hưởng là chàng trai trẻ nhưng đã vào cùng với anh em chúng tôi chịu khó, chịu khổ để lăn lội với bà con. Những hình ảnh đó chúng tôi rất cảm phục với tinh thần trai trẻ của miền Bắc, đã vào gắn bó với chiến trường.

Cũng bên bờ sông Bến Hải – cầu Hiền Lương, nhà báo Trần Mai Hưởng gặp lại bà  Hoàng Thị Chẩm hay còn gọi là O Chẩm, người du kích bắn tỉa nổi tiếng ở Dốc Miếu năm xưa. O Chẩm là người mà nhà báo Trần Mai Hưởng đã viết trong bài “Trên vành đai điện tử” vốn quen thuộc với bạn đọc từ những năm tháng chiến tranh. Năm 1972, O Chẩm khi đó mới 21 tuổi nhưng đã nổi tiếng về tinh thần chiến đấu kiên cường và tài bắn tỉa.  

Nhà báo TRẦN MAI HƯỞNG nói: Giới thiệu về thành tích của O CHẨM, tôi có viết là cô xin bằng được vào du kích và đi chiến đấu. Ngày ấy cô mang không nổi khẩu súng K44, anh em phải đổi cho khẩu súng khác. Mới bập bẹ biết đọc biết viết mà đã làm khẩu đội trưởng 12 ly 7, chỉ huy bắn rơi 4 máy bay. Rồi cô trở thành xạ thủ bắn tỉa xuất sắc của đội du kích xã T, tức là xã Trung Hải khi đó, 36 tên địch đã ngã gục dưới tài bắn tỉa của cô. Nhưng khi tôi bảo cô kể chuyện cho nghe thì cô chỉ cười.

Bà HOÀNG THỊ CHẨM, xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, nói: Ngày hôm nay đọc bài báo này nhớ lại những ngày trong kháng chiến chống Mỹ, mình có thành tích như thế này là ông Hưởng đã về tại xã Trung Hải, Dốc Miếu, o nhớ lại bài báo đó là sự thật. Rất xúc động, gặp anh em xúc động thật.

 

Nhà báo Trần Mai Hưởng gặp lại các du kích năm xưa.

Nhà báo Trần Mai Hưởng đã đi nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, trong đó có Gio Linh nói riêng, Quảng Trị nói chung với những năm tháng trẻ trung, sôi nổi của một thời lửa đạn, đã để lại dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời làm báo của ông. Lần trở lại Quảng Trị những ngày này, với những cuộc gặp gỡ thật đặc biệt, càng làm cho ông cảm nhận sâu sắc hơn tình đất, tình người nơi đây.
 
Nguyên Lý – PV TTXVN tại Quảng Trị

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng